Life-62-_-Cross-reactivity-in-food-allergy _ VIKUDO
0 0
Read Time:15 Minute, 51 Second

PHẢN ỨNG CHÉO LÀ GÌ?

Phản ứng dị ứng chéo thực phẩm _ Phản ứng sai lầm của hệ miễn dịch!

Trước hết, xin nhắc lại đôi điều về dị ứng thực phẩm:

Phản ứng trực tiếp của hệ miễn dịch đối với một dị nguyên – một loại protéine cụ thể

Chào bạn,

Cuộc sống của những người bị dị ứng không dễ dàng. Thay vì đi dạo ngắm hoa xuân tươi đẹp thì họ lại không thể thở được, thay vì được thưởng thức thú vui ẩm thực thì họ sợ và không dám nếm thử những thực phẩm lạ. Có rất nhiều loài động vật mà họ rất yêu thương nhưng họ không thể ở bên cạnh chúng.

Phản ứng dị ứng của họ như vậy đã được tôi nói rõ trong các buổi nói chuyện trước về các loại dị ứng khác nhau, như dị ứng lúa mì, dị ứng thực phẩm nói chung, dị ứng phấn hoadị ứng latex.

Tất cả các trường hợp dị ứng này, dù có nguyên nhân từ bất cứ loại thực phẩm nào, phấn hoa gì hay mủ cây gì cũng đều có chung nguyên lý là hệ miễn dịch của cơ thể đã xác định một cách nhầm lẫn rằng chất gây dị ứng trong thực phẩm, phấn hoa hay mủ cây đó là có hại và liền phản ứng với nó một cách thái quá.

Hiện tượng phổ biến nhất ở trong các loại dị ứng này là hệ thống miễn dịch đã tạo ra một loại kháng thể gọi là IgE, đặc hiệu đối với protein trong một loại thực phẩm, phấn hoa hay mủ cây cụ thể mà cơ thể vừa tiếp xúc hay ăn vào ở ngay lần đầu tiên trong đời. Rồi đến lần tiếp xúc hay ăn phải loại thực phẩm, phấn hoa hay mủ cây đó những lần tiếp theo, các phản ứng tạo kháng thể IgE đặc hiệu nói trên cùng với hàng loạt các hóa chất độc khác, gây rối loạn hàng loạt các chức năng của các hệ thống cơ quan của cơ thể với các triệu chứng điển hình của các loại dị ứng thức ăn hay dị ứng latex.

Xin nhắc lại, dị ứng thực phẩm có thể bị gây nên bởi các loại thực phẩm phổ biến nhất là sữa, trứng, lúa mì, đậu nành, đậu phộng, các loại hạt cây, cá và động vật có vỏ.

Dị ứng phấn hoa hay còn gọi là viêm mũi dị ứng hay cũng còn có cái tên rất đặc biệt là bệnh sốt cỏ khô có thể bị gây nên bởi các loại cây phấn hoa thường vào mùa xuân, cỏ phấn hoa thường vào mùa xuân và mùa hè, phấn hoa cỏ dại thường vào mùa thu, các loại bào tử nấm và nấm mốc thường phổ biến vào những tháng thời tiết ấm áp, và, có thể bị gây nên bởi các loại lông động vật chó, mèo, thỏ v.v… trong tất cả các mùa trong năm.

Và, dị ứng latex, hay còn gọi là dị ứng mủ cao su, thì bị gây nên trực tiếp bởi mủ của các cây chứa latex mà tất nhiên nhiều nhất là cây cao su, rồi các cây có nhựa mủ trắng như cây sung, cây sanh, cây đa, cây đề, xương rồng, trúc đào v.v… rồi gián tiếp bởi các sản phẩm gia dụng, đồ chơi hay dụng cụ, thiết bị vật tư y tế, hay chăm sóc sức khỏe có chứa hoặc có thành phần latex tự nhiên.

Và, phản ứng chéo xảy ra như thế nào?

Phản ứng chéo của hệ miễn dịch đối với một loại protéine có cấu trúc tương tự với protéine đã được “ghi nhớ

Thế nhưng trên thực tế, các hiện tượng dị ứng xảy ra còn phức tạp hơn nữa vì không chỉ vì các dị ứng xảy ra đối với các loại protein cụ thể, xác định như vừa nói ở trên, mà còn xảy ra đối với một số loại protein khác có cấu trúc gần giống với các protein đó, trong một loại thực phẩm khác. Hậu quả là, hệ thống miễn dịch vì quá nhạy cảm mà đã coi chúng giống nhau và cho ra các phản ứng dị ứng mà người ta gọi đó là «Phản ứng chéo ». Điều này đặc biệt xảy ra khi một protein mới được cơ thể tiếp nhận có cấu trúc tương đồng ít nhất là 70% so với protein đã bị hệ miễn dịch có phản ứng từ trước. Vâng, nếu sự tương đồng này nhỏ hơn 70% thì phản ứng chéo sẽ có thể không xảy ra.

Trên thực tế, phản ứng chéo có thể xảy ra giữa thực phẩm này với thực phẩm khác; giữa phấn hoa với thực phẩm; và, giữa mủ cây latex với thực phẩm v.v…

Như vậy, đến lúc này bạn đã có thể hình dung được phản ứng chéo tức là phản ứng nhầm lẫn lần thứ hai của hệ miễn dịch đối với một protein tương đồng (ví dụ một protein của một loại quả) sau khi đã nhầm lẫn lần thứ nhất đối với protein mà nó dị ứng (ví dụ protein latex của cây cao su).

Chính vì có phản ứng chéo mà việc xét nghiệm và chẩn đoán các bệnh dị ứng thực phẩm có thể gặp khó khăn. Vì hệ miễn dịch nhận diện các protein có cấu trúc gần giống nhau thành một loại. Trong khi kết quả xét nghiệm máu (tức xét nghiệm IgE huyết thanh) hoặc chích dưới da có thể cho dương tính với một thực phẩm hay phấn hoa, nhưng người bệnh lại có thể thực sự là bị dị ứng với một chất khác có phản ứng chéo với thực phẩm cho dương tính đó. Vì vậy, các kết quả xét nghiệm này có thể không xác định đúng thực phẩm thực sự gây dị ứng, dẫn đến trong thực tế có nhiều trường hợp dù có kết quả xét nghiệm dương tính đối với một loại thực phẩm nhưng trước đó họ vẫn ăn mà không gặp bất kỳ điều gì, và ngược lại, cũng có những thực phẩm có thể gây phản ứng chéo, các xét nghiệm nói trên lại có thể không phát hiện ra.

TỶ LỆCÓ PHẢN ỨNG CHÉO TRONG DÂN SỐ

  • Có khoảng 70% bệnh nhân bị dị ứng thực phẩm cũng mắc phải các loại dị ứng khác, trong đó có cả dị ứng phấn hoa.
  • Có khoảng gần 20% dân số bị dị ứng phấn hoa thì có khoảng một nửa trong số họ cũng mắc phải dị ứng về đường miệng hay còn gọi là hội chứng dị ứng miệng tức quá mẫn cảm với thực phẩm; và, có một ít trong số họ cũng có thêm dị ứng đường ruột.
  • Có không dưới 30% các trường hợp bị dị ứng latex tức dị ứng mủ cao su cũng bị dị ứng thực phẩm. Và, hầu hết bệnh dị ứng phi thực phẩm có thể đi kèm với các phản ứng đường miệng hoặc đường tiêu hóa.
  • Có ít nhất là 30% các trường hợp trẻ em bị viêm da dị ứng – eczema cũng bị dị ứng thực phẩm mà chủ yếu là dị ứng với sữa bò, trứng, đậu phộng v.v..
  • Và, phản ứng chéo giữa thực phẩm là động vật có vỏ với mạt bụi thì cũng khá phổ biến.
    v.v…

MỘT SỐ DẠNG PHẢN ỨNG CHÉO CỤ THỂ

Dưới đây là một số dạng phản ứng chéo cụ thể hơn mà bạn có thể tham khảo thêm :

– Phản ứng chéo giữa sữa bò với sữa của các loài động vật có vú khác như dê và cừu

Đối với một người bị dị ứng với sữa bò, nguy cơ dị ứng của họ với sữa dê hoặc sữa cừu lên tới 90%.
Thế nhưng, nếu một người có dị ứng với sữa ngựa cái hoặc dị ứng với sữa lừa, thì nguy cơ có phản ứng chéo sang sữa bò chỉ có khoảng 5%.

– Phản ứng chéo giữa các loại thực phẩm trong cùng một nhóm động vật

Rất may mắn là không phổ biến xảy ra loại dị ứng chéo này. Ví dụ, hầu hết những người bị dị ứng với sữa bò vẫn có thể ăn thịt bò, và, hầu hết những người bị dị ứng với trứng vẫn ăn thịt gà bình thường v.v…

– Phản ứng chéo giữa đậu phộng với các loại đậu khác chẳng hạn đậu nành, đậu lăng v.v…

Đối với những người bị dị ứng với đậu phộng thì liệu họ có thể ăn các thực phẩm làm từ đậu nành hoặc các loại đậu khác hay không? Đây là một câu hỏi thường gặp nhưng không dễ trả lời ngắn gọn là « có » hay « không » vì trên thực tế nghiên cứu có tới hơn 50% bệnh nhân dị ứng với đậu phộng, tuy cũng cho các kết quả xét nghiệm dương tính đối với đậu nành hay đối với một loại đậu khác, nhưng có tới 95% trong số họ vẫn thể ăn được các loại đậu này. Như vậy, tuy theo kết quả thống kê trên nhiều trường hợp có nhiều người dù bị dị ứng với đậu phộng nhưng vẫn có thể ăn được một loại đậu khác, nhưng đối với từng cá nhân và nếu bạn cũng là người bị dị ứng với đậu phộng, thì nhất thiết bạn chỉ nên ăn loại đậu nào đó mà bạn đã chắc chắn rằng nó không gây vấn đề gì cho bạn.

– Phản ứng chéo giữa đậu phộng với các loại hạt hoặc hạt cây.

Một điều rất rõ ràng là, đậu phộng là cây họ đậu và chắc hẳn là khác xa các loại hạt cây chẳng hạn như hạnh nhân, óc chó hay hạt điều v.v…
Tuy nhiên, cũng có tới 35% trẻ mới biết đi ở Bắc Mỹ bị dị ứng với đậu phộng cũng bị dị ứng với hạt cây. Hơn nữa, trẻ em không dễ dàng phân biệt được hạt đậu phộng với các loại hạt khác. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo rằng trẻ nhỏ nếu đã bị dị ứng với đậu phộng thì nên tránh các loại hạt cây. Thà nhầm còn hơn bỏ sót!

– Tương tự đối với dị ứng đậu phộng và dị ứng với các loại hạt như hạt mè.

Có một số trường hợp bị dị ứng với cả đậu phộng và hạt mè mà khả năng là do cơ địa của họ bị dị ứng với cả hai cao hơn là do bị dị ứng chéo.

– Phản ứng chéo phổ biến nhất của chứng dị ứng trái cây là giữa đào với dưa hấu.

Còn, đối với hạt cây thì khả năng phản ứng chéo giữa hạt điều và quả hồ trăn hay giữa quả óc chó và quả hồ đào là rất dễ xảy ra.
Xin lưu ý, người bị dị ứng với một loại hạt cây không có nghĩa là dị ứng với tất cả các loại hạt cây. Có nghĩa là, cho dù họ có thể bị dị ứng với loại hạt này nhưng vẫn ăn được các loại hạt khác một cách bình thường.

– Phản ứng chéo giữa các loài cá.

Trên thực tế, có rất nhiều phản ứng chéo giữa các loài cá khác nhau bao gồm cả cá nước ngọt và nước mặn mà khó có thể kể liệt kê ra hết cụ thể. Khi một người đã bị dị ứng với một loại cá, thì nguy cơ họ cũng bị dị ứng với một loại cá khác lên tới 50%. Và, một lời khuyên là, nếu bạn bị dị ứng cá thì tốt nhất là tránh ăn tất cả các loại cá để đề phòng phản ứng chéo.

– Phản ứng chéo giữa các động vật có vỏ.

Các loài động vật có vỏ, cá, đậu phộng và hạt cây thường có liên quan đến các phản ứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng.
Ngoài ra, còn có thêm một mối đe dọa nữa là nguy cơ cao xảy ra các phản ứng chéo giữa các loài động vật có vỏ giáp xác (tức động vật giáp xác như các loài tôm như tôm hùm, tôm sú, cua v.v…), với tỷ lệ nguy cơ lên tới 75%.
Đối với phản ứng chéo giữa động vật giáp xác với động vật có vỏ không phải giáp xác (như động vật thân mềm chẳng hạn các loài nghêu, sò, ốc, hến, mực, bạch tuộc v.v…) thì tỷ lệ nguy cơ có thể thấp hơn tỷ lệ trên.
Đáng chú ý là, cũng có nhiều trường hợp có phản ứng chéo giữa các động vật có vỏ chitins (chẳng hạn côn trùng như châu chấu) với các động vật giáp xác. Đây cũng là lý do cho các kết quả xét nghiệm “dương tính giả” đối với động vật có vỏ mà không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào.

– Phản ứng chéo giữa phấn hoa và thực phẩm

(Cũng còn được gọi là Hội chứng phấn hoa-thức ăn hoặc Hội chứng dị ứng miệng – OSA)
Một số người bị dị ứng phấn hoa (tức bệnh viêm mũi dị ứng hoặc sốt cỏ khô) có thể phát triển các triệu chứng xung quanh miệng, trong miệng và cổ họng ngay sau khi ăn các loại thực phẩm như một số loại rau, quả tươi sống hoặc một số loại hạt, có chứa protein phản ứng chéo với phấn hoa.
Trên thực tế, có nhiều người bị xảy ra phản ứng chéo giữa các loại phấn hoa với các loại thực phẩm như sau :
• Phấn hoa bạch dương : với táo sống, đào, mận, mơ, xoài, cà rốt, đậu phộng và hạt phỉ v.v…;
• Phấn hoa cây rau muối (goosefoot) : với chuối, dưa, đào;
• Phấn hoa cỏ phấn hương : dưa hấu, dưa chuột, chuối, hoa hướng dương;
• Phấn hoa ngải cứu : với carot, cần tây, đào;
• Rồi, phấn hoa cỏ timothy: với táo, vải, cà chua, cần tây, ngô, ớt chuông, ớt bột.
• v.v…

Hầu hết những người bị dị ứng phấn hoa tức bệnh sốt cỏ khô có phản ứng chéo với hai hoặc nhiều loại thực phẩm. Các triệu chứng thường gặp nhất là ngứa, sưng, ngứa trong miệng hay trên môi và khoảng 10% có triệu chứng về đường ruột.

Các triệu chứng phản ứng chéo ở đây cũng rất đa dạng. Nhẹ thì cũng có thể là ngứa ran ở môi, lưỡi, vòm miệng và cổ họng. Nặng hơn thì có thể là nổi mề đay xung quanh miệng hoặc sưng môi, lưỡi và căng cổ họng. Và nguy hiểm nhất, với tỷ lệ khoảng 3% các trường hợp, là ngoài các triệu chứng sưng ngứa ở miệng hoặc cổ họng như trên còn có thể xảy ra khắp toàn thân và có khoảng 10% có triệu chứng về đường ruột. Và, điều tồi tệ nhất vẫn luôn luôn là những tình huống dẫn đến sốc phản vệ.

Xin lưu ý, đối với một số loại thực phẩm có phản ứng chéo với phấn hoa, dạng nấu chín của chúng có thể được dung nạp mà không gây dị ứng. Lý do là các protein phản ứng chéo này bị phân hủy ở nhiệt độ cao, chẳng hạn, táo sống thì có thể gây dị ứng nhưng bánh táo thì lại an toàn.
Ngược lại, có nhiều loại dù chín hay sống vẫn không thay đổi nhiều khả năng gây dị ứng, chắng hạn đậu phộng và các loại hạt.
Mặt khác, phản ứng chéo giữa dị ứng thực phẩm với phấn hoa có thể chỉ tăng trong mùa thụ phấn nhưng giảm sau đó. Do đó, có một số loại thực phẩm nhất định gây dị ứng trong mùa hoa thụ phấn nhưng sau đó lại có thể ăn được.
Và, không phải tất cả những người bị dị ứng phấn hoa đều mắc hội chứng dị ứng miệng (OAS) như trên. Ngược lại, những người bị hội chứng dị ứng đường miệng có thể gặp các triệu chứng phản ứng chéo giữa phấn hoa với chỉ một số mà không phải với tất cả các loại thực phẩm.

– Phản ứng chéo giữa latex tức cao su và thực phẩm

Latex là một sản phẩm tự nhiên có nguồn gốc từ mủ cao su. Các sản phẩm mủ cao su thiên nhiên phổ biến bao gồm găng tay cao su và bóng bay. Cao su có thể gây ra một số loại phản ứng dị ứng hoặc chí ít cũng là viêm da tiếp xúc kích ứng khó chịu mà tôi đã nói ở buổi nói chuyện trước.
Ngoài ra, ngoài các phản ứng dị ứng xảy ra trực tiếp do tác nhân protein latex như vậy, cũng có tới khoảng 30 – 50% các trường hợp bị phản ứng chéo khi gặp một số loại trái cây khác trong đó thường gặp nhất là chuối, bơ, hạt dẻ, táo, kiwi, khoai tây, cà chua, dưa hấu, đu đủ. Nguyên nhân là, trong cơ thể người bị dị ứng latex đã có các kháng thể IgE đặc hiệu đối với protein latex, khi cơ thể tiếp xúc và hấp thụ các loại protein khác trong các loại thực phẩm tiêu thụ nhưng có cấu trúc tương đồng với protein latex liền xảy ra phản ứng dị ứng tức thì. Mặc dù điều đáng lo ngại nhất là các triệu chứng như nổi mề đay, sưng tấy, thở khò khè và nghiêm trọng nhất là sốc phản vệ, tuy nhiên điều may mắn là, tỷ lệ chung của các phản ứng qua trung gian IgE với latex là tương đối hiếm. Và, hầu hết các phản ứng được ghi nhận chỉ dừng lại ở mức độ là nhạy cảm với tiếp xúc.

PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ PHẢN ỨNG CHÉO :

Tránh các dị nguyên

Phòng và trị phản ứng chéo cũng như đối với dị ứng nói chung là phải theo nguyên tắc cơ bản là : Tránh các dị nguyên mà ta hiểu nôm na là tránh tiếp xúc và hấp thụ các loại sản phẩm hay thực phẩm chứa chất gây dị ứng.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, bạn cần phải đi xét nghiệm để biết mình bị dị ứng với những gì rồi loại bỏ chúng ra khỏi thực đơn hoặc ngăn chặn tiếp xúc.

Sử dụng thuốc chống dị ứng

Riêng đối với các trường hợp dị ứng phấn hoa thì thực sự nan giải vì phấn hoa có thể tràn ngập môi trường sống mùa hoa nở và chúng ta khó tránh được sự hít thở và tiếp xúc với phấn hoa nếu không thể không đi ra ngoài. Trong trường này có lẽ bạn bắt buộc phải sử dụng thuốc chống dị ứng. Chẳng hạn các loại thuốc cromoglycate, ketotifen, và sự kết hợp giữa thuốc kháng histamin probiotic v.v…
May mắn là hiện nay có các thế hệ thuốc kháng histamine mới nhất hoạt động rất tốt để ngăn chặn các triệu chứng dị ứng mà ít gây hại cho cơ thể.
Trong trường hợp có phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bạn có thể sử dụng kim tiêm điều trị khẩn cấp (ví dụ như Epipen™) nếu bạn đã được hướng dẫn sử dụng thành thạo.
Trong nhiều cách tiếp cận và nghiên cứu chữa trị dị ứng, nghiên cứu miễn dịch học cũng có những bước tiến lớn rất đáng mừng. Người ta có thể tiến hành các liệu pháp miễn dịch cho người bệnh bằng việc áp dụng liều tối thiểu của dị nguyên để gây dị ứng nhẹ cho cơ thể, sau đó tăng dần mức độ chịu đựng và thích nghi của cơ thể đối với dị nguyên này mà rồi giảm dị ứng thực sự cho người bệnh.

Chúc bạn mạnh khỏe!

https://youtu.be/RBSmcG_y398

About Post Author

Maître VIKUDO

Docteur en Physiopathologie
Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Life-61-_-Latex-Allergy-VIKUDO Previous post Dị ứng latex _ Dị ứng mủ cao su _ Life 61
Acupoint LI15 _ Shoulder Bone, Jianyu - Large Intestine _ LI-15 Next post Huyệt Kiên ngung – Thủ dương minh đại trường _ Acupoint LI15

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *