Table of Contents
Dị ứng thực phẩm là gì
Dị ứng thực phẩm là bệnh khi phản ứng của hệ miễn dịch xảy ra ngay sau khi ăn một loại thức ăn nhất định, ngay cả khi chỉ sử dụng một lượng rất nhỏ thức ăn gây dị ứng.
Dị ứng thực phẩm tác động tới khoảng 6 – 8% tổng số trẻ dưới 3 tuổi và hơn 3% tổng số người lớn. Và, nó có thể là mãn tính hoặc bệnh cấp tính mà các triệu chứng nhẹ thì cũng có thể là phát ban, rối loạn tiêu hóa, sưng đường hô hấp mà nghiêm trọng hơn thì có thể là bị sốc phản vệ, trực tiếp đe dọa đến tính mạng.
Dị ứng thực phẩm xảy ra như thế nào?
Bạn hãy hình dung rằng, nếu hoạt động bình thường thì khi hệ thống miễn dịch phát hiện một loại vi rút xâm nhập vào cơ thể sẽ lập tức tạo ra các kháng thể đặc hiệu (tức immunoglobulin E và thường được viết tắt là IgE) để chống lại nó.
Hiển nhiên đây là một phản ứng rất tích cực không thể thiếu của cơ thể để có thể tồn tại và phát triển khỏe mạnh.
Thế nhưng, khi mà hệ miễn dịch của chúng ta bị nhầm lẫn mà xác định một chất nào đó có trong thực phẩm ăn vào là tác nhân gây hại giống như đối với virus nói trên, thì bất hạnh xảy ra. Đó chính là dị ứng thực phẩm.
Tuy vậy, nếu ở lần đầu tiên bạn ăn các thực phẩm có chứa chất gây dị ứng cho bạn, thì hệ thống miễn dịch của bạn cũng mới chỉ phản ứng bằng cách tạo ra kháng thể đặc hiệu để chống lại chất đó (tức một immunoglobulin IgE tương ứng) và rồi các kháng thể IgE này sẽ bám vào bề mặt các tế bào đặc biệt gọi là tế bào mast có thể phân bố ở trong tất cả các mô cơ thể, đặc biệt là ở những nơi như mũi, họng, phổi, da và đường tiêu hóa, rồi chờ đợi!
Chỉ đến khi bạn ăn thực phẩm này một lần nữa, chất gây dị ứng trong thức ăn đó ngoài việc lại kích thích hệ thống miễn dịch sản xuất rất nhiều kháng thể IgE đặc hiệu giống như ở lần đầu tiếp xúc, thì cái hiện tượng đặc biệt nghiêm trọng bây giờ là nó tương tác với các kháng thể IgE hiện đang nằm trên bề mặt các tế bào mast nói trên và kích hoạt các tế bào này giải phóng các hóa chất có tính chất gây viêm như histamine, prostaglandin và leukotrienes v.v… Chúng là những hoạt chất mạnh mẽ có thể ảnh hưởng đến da, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hoặc hệ thống tim mạch và kết quả của các phản ứng này gây ra các triệu chứng dị ứng thực phẩm.
Các triệu chứng dị ứng phụ thuộc vào vị trí các chất gây viêm nói trên được giải phóng trong cơ thể. Nếu chúng được tạo thành trên da, bạn có thể bị phát ban hoặc phù nề. Nếu chúng được tạo thành trong tai, mũi, họng, bạn có thể bị ngứa mũi và miệng, hoặc khó thở, khó nuốt. Và, nếu chúng được tạo thành trong đường tiêu hóa, bạn có thể sẽ bị đau dạ dày, đau bụng, hoặc tiêu chảy v.v…
Hơn nữa, xin lưu ý một điểm khác cũng rất quan trọng là hệ thống miễn dịch không phản ứng chống lại tất cả các thành phần của thực phẩm, không bao giờ xảy ra chống lại đường hoặc chất béo, mà chỉ chống lại một số chất có bản chất protein.
Các protein có thể gây dị ứng thường có trong một số loại thực phẩm sau :
Cá, trứng, các động vật có vỏ như tôm, tôm hùm và cua, các loại hạt cây, quả óc chó, quả hồ đào, đậu phộng và một số loại ngũ cốc trong đó có lúa mì v.v…
Trên thực tế, các biểu hiện của dị ứng thực phẩm rất dễ bị nhầm lẫn với tình trạng rối loạn khác chẳng hạn như tình trạng không dung nạp thức ăn, ngộ độc thực phẩm hay do cơ thể có sẵn các bệnh lý khác v.v…. Trong số đó thì dị ứng thực phẩm có liên quan trực tiếp đến hệ miễn dịch và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhất. Các tình trạng rối loạn khác có thể như:
- Không dung nạp thức ăn do thiếu enzyme thiết yếu để tiêu hóa hoàn toàn thức ăn đó. Ví dụ ở bệnh không dung nạp lactose như ở buổi nói chuyện trước đã nói rõ, thiếu enzyme lactase làm giảm khả năng tiêu hóa đường sữa, khiến đầy hơi, tiêu chảy, chuột rút.
- Ngộ độc thực phẩm: Ở trường hợp này, tác nhân gây hại đương nhiên là các loại độc tố gây ngộ độc cho cơ thể. Và trên thực tế thì các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm trong nhiều trường hợp cũng giống với dị ứng thực phẩm.
- Nhạy cảm với chất phụ gia có trong thực phẩm. Ví dụ chất sulfites thường sử dụng trong trái cây khô, đồ hộp có thể gây ra các cơn hen suyễn ở người nhạy cảm.
- Độc tính histamine (chất vừa được nói ở trên) có trong các loại cá đông lạnh không được bảo quản đúng cách như cá thu, cá ngừ khiến nguy cơ ngộ độc cao.
- Và, những người bị bệnh celiac (như nội dung của buổi nói chuyện trước) dễ bị dị ứng gluten khi sử dụng thực phẩm có thành phần này v.v…
Tuy nhiên nếu bạn đã được xác định là có dị ứng thực phẩm thì bạn phải hết sức cảnh giác, nếu xảy ra các triệu chứng dưới đây, thì bạn cần phải nghĩ ngay đến loại dị ứng này trước tiên.
Triệu chứng bệnh Dị ứng thực phẩm
Các triệu chứng cho thấy cơ thể đang bị dị ứng thường xuất hiện chỉ sau vài phút đến khoảng 2 giờ sau khi bạn ăn thực phẩm gây dị ứng.
Một số dấu hiệu điển hình dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết dị ứng thực phẩm, bao gồm:
- Miệng mũi ngứa ran
- Phát ban, nổi mề đay, Eczema gây ngứa ngáy khó chịu
- Sưng môi, mặt, lưỡi và cổ họng hoặc các bộ phận khác của cơ thể
- Thở khò khè, nghẹt mũi hoặc khó thở
- Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn mửa
- Chóng mặt, choáng váng hoặc thậm chí ngất xỉu
Mức độ của các phản ứng dị ứng nói trên khác nhau ở mỗi người, có thể chỉ gây khó chịu với người này nhưng nặng thậm chí là mối nguy hiểm đe dọa tính mạng của người khác nếu xảy ra sốc phản vệ.
Trong trường hợp xảy ra sốc phản vệ, cần phải được điều trị khẩn cấp để tránh hôn mê hoặc tử vong. Các triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm:
- Cổ họng bị sưng
- Đường hô hấp bị thu hẹp và thắt lại
- Giảm huyết áp nghiêm trọng
- Mạch đập nhanh
- Chóng mặt, choáng váng hoặc bất tỉnh.
Nhân đây tôi cũng xin nhấn mạnh một số điểm cần lưu ý của sốc phản vệ :
- Phản ứng phản vệ thường có các triệu chứng rất rõ rệt và thường có nhiều hơn một hệ thống liên quan trong số các hệ cơ thống cơ quan như da, hô hấp, tiêu hóa và tim mạch.
- Phản ứng phản vệ thường đi với hiện tượng tụt huyết áp và chính vì lý do tụt huyết áp mà người bệnh bị bất tỉnh, rối loạn nhịp tim và thậm chí tử vong.
Cũng như trong nội dung buổi nói chuyện trước, có nhiều trường hợp khi ăn thực phẩm gây dị ứng và sau đó luyện tập thể dục cũng có thể gây phản ứng dị ứng như ngứa, đầu óc quay cuồng, thậm chí có nhiều trường hợp nghiêm trọng là sốc phản vệ. Vì thế, nếu bạn là người có dị ứng thực phẩm, ngoài việc phải tránh sử dụng các loại thực phẩm gây dị ứng mà bạn biết, bạn còn chỉ nên tập thể dục sau bữa ăn ít nhất 2 giờ để tránh các rủi ro nói trên.
Vậy, những ai là người có nguy cơ cao bị loại dị ứng này?
Đối tượng nguy cơ bị dị ứng thực phẩm :
Dị ứng thực phẩm là tình trạng rất phổ biến và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính. Các yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng bao gồm:
- Di truyền: Nếu bố mẹ đồng thời bị dị ứng thức ăn thì con cái của họ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những trẻ khác.
- Tuổi tác: Trẻ em, đặc biệt trẻ mới biết đi và trẻ sơ sinh, có nguy cơ dị ứng cao hơn người lớn do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Trẻ thường bị dị ứng tôm cua, sữa bò, trứng, đậu phộng, hạt cây, lúa mì.
- Môi trường: Ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, môi trường sống có bệnh truyền nhiễm, rồi ô nhiễm nhà cửa, đồ dùng v.v… cũng là tác nhân gây ra di ứng thực phẩm ở một số người.
- Vệ sinh. Thói quen ăn uống thiếu khoa học hay sinh hoạt không điều độ cũng tăng nguy cơ dị ứng thực phẩm
- Tiền sử bệnh dị ứng khác. Nếu bạn bị sốt cỏ khô hay eczema thì cũng có nguy cơ mắc cả dị ứng thực phẩm.
- Tiền sử bệnh lý liên quan đến bệnh hen suyễn, chàm, phát ban hoặc dị ứng. Trong đó, những người dị ứng thực phẩm cũng thường có bệnh hen suyễn. Khi 2 bệnh này xuất hiện cùng nhau thì triệu chứng thường nặng hơn.
- Và, y học cũng đã ghi nhận trường hợp có người phụ nữ 42 tuổi vốn không bị dị ứng thực phẩm nhưng sau khi được ghép gan của một người bị dị ứng đậu phộng đã trở thành người bị dị ứng đậu phộng.
Phòng và trị dị ứng thực phẩm
Trước hết, bạn cần phải biết rằng, hiện nay không có bất cứ phương pháp điều trị nào có thể loại bỏ dị ứng thực phẩm. Tất cả các biện pháp được nêu ra dưới đây chỉ đáp ứng yêu cầu xử lý các tình huống đã xảy ra dị ứng cũng như một số biện pháp phòng ngừa.
Để đối phó với những tình huống bị dị ứng thực phẩm, bạn nên tham khảo bác sĩ để có thể sử dụng một số loại thuốc như:
• Thuốc không kê toa hoặc các thuốc kháng histamin (như chlopheniramin, alimerazin, cyclizin, meclizin, terfenadin, astemizol…): Giảm triệu chứng nhanh chóng trong những trường hợp nhẹ.
• Thuốc giãn phế quản (như salmeterol, salbutamol dạng hít): Giảm tình trạng co thắt phế quản, giúp người bệnh dễ thở hơn.
• Thuốc corticoid (dạng hít: beclomethazon, fluticazon; dạng xịt: mometason, budesonide): Giúp kháng viêm, giảm phù nề, giảm các cơn co thắt ở phế quản.
Và, bạn cũng có thể đeo vòng tay MedicAlert®. Vòng tay này chỉ ra bản chất của dị ứng thực phẩm của bạn. Nó thông báo cho những người xung quanh bạn và rất hữu ích trong các tình huống khẩn cấp.
Ở mức độ nghiêm trọng hơn là việc can thiệp y tế khẩn cấp khi bị sốc phản vệ, bạn có thể mang theo mình dụng cụ tiêm cấp cứu epinephrine để dự phòng trong trường hợp cần thiết. Epinephrine đã được sản xuất tổng hợp từ năm 1900, nó được sử dụng dưới dạng dung dịch để tiêm và tiêm vào cơ đùi ở phía bên ngoài. Ở Bắc Mỹ, có hai nhãn hiệu thuốc tiêm tự động epinephrine trên thị trường: Epipen®, chứa một liều duy nhất và Twinject®, chứa hai liều. Bạn cần phải trao đổi với bác sĩ để nắm được chi tiết về cách sử dụng cũng như liều lượng thích hợp với chính bản thân bạn.
Tuy nhiên, việc quan trọng nhất đối với bạn cũng như bất kì ai một khi đã được xác định là bị dị ứng thực phẩm là phải thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, và, việc phòng ngừa các phản ứng dị ứng thực phẩm đòi hỏi cảnh giác liên tục và tỉ mỉ. Bởi, một lượng thức ăn dù rất nhỏ cũng có thể gây ra phản ứng. Bạn cần tránh các loại thực phẩm có chứa các thành phần gây dị ứng. Kiểm tra kỹ nhãn mác thực phẩm đều đảm bảo không chứa các thành phần bị dị ứng. Thông báo cho những người xung quanh biết bạn là người dị ứng thực phẩm. Loại bỏ các nguồn ô nhiễm từ nhà cửa đến đồ dùng và đồ làm bếp. Thận trọng khi dùng bữa. Bạn phải thông báo với nhân viên nhà hàng loại thực phẩm gây dị ứng cho bạn và mức độ dị ứng nếu xảy ra.
Cuối cùng, việc rèn luyện sức khỏe thể chất là điều luôn luôn cần thiết đối với tất cả mọi người và đặc biệt cần thiết đối với người bị dị ứng thực phẩm mà một trong các mục tiêu quan trọng của các bài tập là tăng cường sức đề kháng và tăng cường sức tiêu hóa. Trong yoga cũng có nhiều bài tập rất hay có ích cho người bệnh, bạn có thể tìm hiểu, tham khảo và tập luyện!
Chúc bạn mạnh khỏe!
An excellent share! I’ve just forwarded this on to a colleague who was conducting a bit investigate on this. And he the truth is purchased me supper simply because I discovered it for him… lol. So allow me to reword this…. Thank YOU for your food!! But yeah, thanks for paying out some time to debate this topic below with your World wide web internet site.
Thanks!