Bệnh celiac, nhạy cảm với gluten và dị ứng lúa mì trên thực tế thường bị nhầm lẫn với nhau.
Table of Contents
Bệnh Celiac, nhạy cảm với gluten và dị ứng lúa mì
Thực phẩm không chứa gluten ngày càng trở nên thời thượng hơn. Những sản phẩm này đang xuất hiện ngày càng phổ biến trong các cửa hàng, siêu thị và chúng được dán nhãn rõ ràng để thu hút người tiêu dùng.
Nhưng tại sao trào lưu này lại có số lượng người quan tâm tăng đột ngột như vậy trong một số năm gần đây?
Có phải mọi người đột nhiên trở nên dễ mắc chứng không dung nạp gluten không?
Hay đây có phải là một chiến lược tiếp thị?
Hay thực phẩm không chứa gluten là một chế độ ăn kiêng mới nhất mà được nhiều người ưa thích?
Và, hay là việc tự chẩn đoán phát hiện ra rằng mình bị mắc bệnh không dung nạp gluten đã lây lan và thành trào lưu?
Trên thực tế, bệnh celiac, nhạy cảm với gluten và dị ứng lúa mì thường bị nhầm lẫn với nhau do đều liên quan đến hiện tượng không dung nạp lúa mì và biểu hiện nhiều triệu chứng tương tự nhau. Thế nhưng đây lại là những tình trạng rất khác nhau cần được kiểm soát theo những cách riêng biệt.
BỆNH CELIAC :
Bệnh Celiac là một chứng rối loạn tự miễn, là bệnh lý đường ruột gây ra do tình trạng không dung nạp và dị ứng với gluten và tất nhiên là ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa. Trong trường hợp bị mắc bệnh, hệ miễn dịch của người bệnh sẽ phản ứng với gluten và làm phá hủy niêm mạc ruột non bằng cách gây viêm và bất sản niêm mạc ruột non, gây ra hàng loạt các rối loạn tiêu hóa, giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng tại ruột non. Kết quả là, cơ thể của người bệnh không thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn do ruột non bị tổn thương và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.
Nguyên nhân gây bệnh celiac
Bệnh celiac có tỷ lệ mắc khoảng 1% dân số, tương đương ở cả hai giới và bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi.
Đây là bệnh lý liên quan đến yếu tố di truyền, nếu giả sử một thành viên trong gia đình bạn mắc bệnh Celiac, thì sẽ có khoảng 1 người trong số 10 thành viên khác trong gia đình của bạn cũng có khả năng mắc bệnh này.
Bệnh có thể xuất hiện sớm khi còn nhỏ và thường liên quan đến các bệnh lý tự miễn khác như tiểu đường tuýp 1, viêm tuyến giáp tự miễn hay một số loại bệnh lý khác như Hội chứng Down, thiếu hụt IgA có chọn lọc (là một loại bệnh lý suy giảm miễn dịch tiên phát), Hội chứng Turner, Hội chứng Williams. Và, bệnh cũng có thể gặp ở nhiều độ tuổi như thanh thiếu niên, trưởng thành và người lớn tuổi.
Tuy nhiên, dù nếu bạn có mắc bệnh Celiac nhưng bạn cũng sẽ không biểu hiện triệu chứng nếu không có yếu tố gây bệnh chẳng hạn như ăn các thức ăn có chứa gluten như lúa mì, lúa mạch, yến mạch; quá căng thẳng thần kinh như stress; bị nhiễm trùng đường ruột; sinh con hay làm phẫu thuật v.v… Khi đó, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công và gây nên những tổn thương tại ruột non của bạn.
Triệu chứng bệnh Celiac
Ở trẻ em:
Các triệu chứng bệnh Celiac ở trẻ em có thể xuất hiện sớm nhất vào khoảng 6 tháng tuổi, khi bé bắt đầu làm quen với thức ăn đặc có chứa gluten.
Trẻ thường biểu hiện các triệu chứng về tiêu hóa như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, phân có mùi hôi bất thường và nhờn như có dầu mỡ. Trẻ có thể kém phát triển, kém tăng cân, cáu bẳn, hay quấy khóc, ít chơi đùa. Nặng hơn trẻ xuất hiện các dấu hiệu suy dinh dưỡng như bụng lớn, cơ đùi teo nhỏ và mông lép v.v… mà trong dân gian ta có câu “bụng ỏng, đít beo”.
Ở người lớn:
Thường ít thấy các biểu hiện trên đường tiêu hóa, đa phần chỉ là thấy sức khỏe kém, bao gồm mệt mỏi, đau xương hoặc đau khớp, dễ cáu, lo lắng và trầm cảm, ở phụ nữ có thể mất chu kỳ kinh nguyệt.
Bệnh gây tình trạng kém hấp thu các chất dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin. Sau đây là một vài dấu hiệu cụ thể điển hình, thường gặp ở người mắc bệnh celiac :
- Giảm cân và chậm tăng trưởng, mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng do kém hấp thụ carbohydrate và chất béo
- Thiếu máu do kém hấp thụ các chất tham gia vào quá trình tạo hồng cầu như sắt, acid folic, vitamin B12.
- Loãng xương và dễ gãy xương do kém hấp thu Ca và vitamin D
- Thiếu hụt selen do kém hấp thu selen trong thức ăn. Đây là một loại khoáng chất cần thiết cho các chức năng của cơ thể như tổng hợp DNA, sinh sản, miễn dịch, nội tiết, chuyển hóa và hệ tuần hoàn v.v…
- Chảy máu bất thường do thiếu vitamin K, do kém hấp thụ vitamin K
- Không dung nạp lactose làm giảm tiêu hóa các sản phẩm sữa như tôi đã nói ở buổi nói chuyện trước. Đây là triệu chứng khá phổ biến ở những bệnh nhân mắc bệnh Celiac ở bất cứ lứa tuổi nào.
- Viêm da dạng herpes (tức hiện tượng nổi mụn nước) và loét niêm mạc miệng cũng là dấu hiệu thường gặp ở những người bị bệnh Celiac.
Biến chứng của bệnh Celiac
Khoảng 20% người bệnh celiac không có bất kỳ dấu hiệu nào. Tuy nhiên, ngay cả khi không có triệu chứng mà nếu không được điều trị, người bệnh vẫn có thể phải chịu những hậu quả lâu dài về sức khỏe, chẳng hạn như : Thiếu máu do thiếu sắt, suy nhược cơ thể, xương yếu, cơ thể thấp bé, vô sinh, bệnh tuyến giáp, đa xơ cứng, viêm loét ruột non và co hẹp ruột non do sẹo, và, ung thư đường ruột v.v…
Vì vậy, cần phải tiến hành các xét nghiệm y tế để phát hiện bệnh celiac và có các biện pháp chữa trị kịp thời.
Điều trị bệnh Celiac:
Tuy rằng, như trên vừa nói, bệnh Celiac không điều trị lâu ngày có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Thế nhưng, thông thường việc điều trị bệnh chủ yếu chỉ là thay đổi chế độ ăn uống. Nếu bạn mắc bệnh celiac, bạn hoàn toàn có thể tự kiểm soát bệnh này bằng cách tuân thủ một chế độ ăn không có gluten, nghĩa là bạn không ăn bất kỳ thực phẩm nào chứa gluten.
Bằng cách tuân thủ chế độ ăn uống đúng, những tổn thương dù đã do bệnh Celiac gây ra vẫn có thể phục hồi và giúp cơ thể khỏe hơn. Cái quan trọng cần làm đó là bạn cần được phát hiện sớm bệnh qua khám bệnh và xét nghiệm chẩn đoán để được điều trị bệnh sớm nhất có thể.
Đó là, tôi vừa nói với bạn về một bệnh có tên là celiac, hay còn gọi là bệnh không dung nạp gluten, một rối loạn tự miễn nghiêm trọng nhưng có thể điều trị được.
Bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau đề cập đến một loại bệnh lý khác, tuy cũng có nhiều dấu hiệu, triệu chứng gần giống, nhưng bản chất bệnh tật hoàn toàn khác so với bệnh celiac, được gọi là « Nhạy cảm với gluten»
NHẠY CẢM VỚI GLUTEN
Nhạy cảm với gluten còn gọi là hội chứng không dung nạp lúa mì .
Bạn lưu ý là nhạy cảm với gluten không phải là dị ứng thực phẩm mà lát nữa tôi sẽ nói kĩ, và cũng không phải là bệnh Celiac nói trên (tức không có kết quả dương tính với bệnh celiac).
Người nhạy cảm với gluten sẽ xảy ra các triệu chứng tương tự như bệnh Celiac nếu ăn các thức ăn có gluten và sẽ được cải thiện nếu dừng ăn các thức ăn này
Ngoài ra, ngoài các triệu chứng tương tự như bệnh Celiac, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhạy cảm với gluten cũng có thể gây tổn thương nhẹ cho ruột non giống như bệnh Celiac. Nhưng khác với bệnh celiac là nhạy cảm với gluten dường như không di truyền. Một số trẻ nhạy cảm với gluten cũng có thể được chẩn đoán là hội chứng ruột kích thích (Irritable Bowel Syndrome = IBS) – một rối loạn tiêu hoá chức năng đặc trưng bởi triệu chứng đau bụng và thay đổi thói quen đi đại tiện mà không tìm thấy bất kì tổn thương thực thể nào.
Theo Nông nghiệp và Nông sản Canada, trong khi số người bệnh celiac ở nước này chỉ chiếm 1% dân số, thì số người nhạy cảm với gluten lên tới 6% (tức tương đương hơn 2 triệu người).
Các triệu chứng điển hình của nhạy cảm với gluten :
Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến cho thấy bạn có thể nhạy cảm với gluten sau khi ăn các loại thực phẩm chứa gluten:
- Đau bụng, đầy hơi.
- Tiêu chảy mãn tính
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Viêm và sưng khớp
- Khó chịu, lo lắng hoặc trầm cảm v.v…
Và, chúng ta vừa nói với nhau về hai dạng bệnh lý na ná nhau về các dấu hiệu, triệu chứng, nhưng khác nhau về bản chất bệnh, đó là bệnh Celiac và nhạy cảm với gluen.
Cả hai dạng bệnh lý này đều có những yêu cầu về thăm khám bệnh, phòng và trị bệnh cụ thể giống và khác nhau như vừa nói ở trên. Và, đều có một điểm chung rất quan trọng, đó là có thể không gây nên những tình huống chết người ngay lập tức cần phải được cấp cứu y tế khẩn cấp giống như loại bệnh lý sau đây, với tên gọi là «Dị ứng lúa mì»
DỊ ỨNG LÚA MÌ
Dị ứng lúa mì là một loại dị ứng thực phẩm, có liên quan đến một phần khác của hệ miễn dịch. Nếu bạn bị dị ứng lúa mì, hệ miễn dịch của bạn đã xác định các protein lúa mì là chất kích ứng và ngay lập tức cơ thể sản xuất ra kháng thể kháng lại các protein lúa mì này. Do đó, bất cứ khi nào ăn hoặc hít phải các chất có chứa lúa mì, chỉ sau vài phút hoặc vài giờ bạn sẽ có phản ứng dị ứng, khiến cơ thể tiết ra một chất đặc biệt có tên là histamine, gây ra hàng loạt các phản ứng rối loạn của cơ thể với các triệu chứng từ sổ mũi và chảy nước mắt đến phát ban, đỏ da, phù nề, khó thở, ngứa, ho, buồn nôn… mà trầm trọng hơn cả là gây sốc phản vệ và có thể nhanh chóng dẫn tới tử vong.
Ở đây có một điều rất đáng chú ý là, có một số người bị dị ứng lúa mì chỉ xuất hiện các triệu chứng nếu như họ có tập thể dục trong vòng vài giờ sau khi ăn lúa mì. Tại sao vậy? Có thể là do cơ thể do tập thể dục đã kích hoạt phản ứng dị ứng hoặc làm trầm trọng hơn phản ứng của hệ miễn dịch với protein lúa mì. Tình trạng này tuy không phổ biến, nhưng khi đã xảy ra thì thường dẫn đến hậu quả rất lớn là sốc phản vệ, cùng với các triệu chứng điển hình sau :
- Sưng hoặc co thắt cổ họng;
- Đau thắt ngực;
- Khó thở nặng;
- Khó nuốt;
- Da nhợt nhạt;
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu.
Xin nhắc lại, dị ứng với lúa mì có thể dẫn đến sốc phản vệ đe dọa đến tính mạng, cần được cấp cứu và chăm sóc y tế ngay lập tức.
Ngược lại, nếu may mắn không bị dị ứng lúa mì đến mức độ sốc phản vệ nói trên, ở cả trẻ em lẫn người lớn, trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi ăn thực phẩm có chứa lúa mì, dị ứng lúa mì thường có thể gây nên các triệu chứng dị ứng thực phẩm điển hình như :
- Nổi mề đay, phát ban, nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy
- Sưng hoặc ngứa môi, miệng và cổ họng
- Nghẹt mũi, khó thở, thở khò khè
- Buồn nôn, ói mửa
- Và, tiêu chảy v.v…
Một số yếu tố có liên quan đến nguy cơ cao mắc bệnh dị ứng lúa mì :
- Tiền sử gia đình: Bạn có nguy cơ dị ứng với lúa mì hoặc dị ứng gluten trong lúa mì nếu cha mẹ bạn cũng gặp phải tình trạng này.
- Tuổi tác: Trong số các độ tuổi từ sơ sinh đến trưởng thành, các bé ở độ tuổi sơ sinh và trẻ nhỏ với hệ thống miễn dịch và hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, nếu bị dị ứng lúa mì thì thường có những hậu quả hết sức nặng nề. Hơn nữa ở độ tuổi này các cháu thường không ý thức được đồ ăn thức uống, đồng thời cũng còn chưa có khả năng hiểu và nói lại cho người khác những gì đã xảy ra để được giúp đỡ. Sự an toàn của các cháu như vậy có thể nói là hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của người lớn.
Ở độ tuổi thanh thiếu niên thì mức độ dị ứng với lúa mì giảm rõ rệt. Nhưng lại xảy ra nhiều hơn ở một số người lớn tuổi. Hiện tượng này có lẽ liên quan đến hệ thống miễn dịch bị giảm sút, tuy rằng mức độ dị ứng ở người lớn tuổi thường không nghiêm trọng bằng ở các bé sơ sinh và trẻ nhỏ.
Nguyên nhân gây dị ứng lúa mì :
Ở người bị dị ứng lúa mì, việc tiếp xúc với 1 trong 4 loại protein có trong lúa mì là ngoài gluten còn bao gồm 3 loại nữa là albumin, globulin và gliadin sẽ kích thích hệ miễn dịch tạo ra phản ứng dị ứng.
Tuy rằng một số thực phẩm có chứa lúa mì rất dễ nhận biết, chẳng hạn như bánh mì. Thế nhưng tất cả các protein lúa mì nói trên, đặc biệt là gluten, có thể được tìm thấy trong nhiều mặt hàng chế biến khác nhau rất khó nhận ra, chẳng hạn ở mỹ phẩm, xà phòng tắm gội và đất nặn cho trẻ em.
Trên thực tế, những nguồn thực phẩm có thể chứa protein lúa mì bao gồm:
Bánh mì và vụn bánh mì
Bánh gato và bánh muffin
Bánh quy
Ngũ cốc ăn sáng
Mì ống pasta
Bột gạo, bột báng, bột mì nâu
Đạm thực vật thủy phân
Xì dầu (nước tương)
Các sản phẩm thịt (xúc xích hoặc thịt nguội, …)
Các sản phẩm sữa (kem, …)
Hương liệu tự nhiên
Bột thạch rau câu hoặc gelatin
Tinh bột biến tính tức dẫn xuất tinh bột, có thể được điều chế bằng phương pháp vật lý, enzyme hoặc hóa học tự nhiên để thay đổi tính chất của tinh bột như độ nhớt, độ thay thế, độ kết dính, nhiệt độ hồ hóa v.v… để đáp ứng các yêu cầu khác nhau trong công nghệ sản xuất thực phẩm.
Kẹo cao su.
Rồi, lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen, tiểu hắc mạch v.v…
Và, nếu bạn không chỉ bị dị ứng với lúa mì mà còn bị dị ứng với các loại ngũ cốc khác, bạn sẽ phải tuân thủ theo một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt hơn nữa – tuyệt đối không có gluten.
Phòng và trị bệnh dị ứng lúa mì :
- Việc đầu tiên và tốt nhất là cần phải tránh protein lúa mì. Do protein lúa mì xuất hiện trong rất nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn, vì vậy bệnh nhân cần đọc nhãn sản phẩm cẩn thận trước khi mua, cho dù đó là loại đã được dùng an toàn trước đây. Phải chắc chắn không chứa protein lúa mì, đặc biệt là gluten.
- Thông báo với người khác có liên quan nếu trẻ hoặc bản thân bạn bị dị ứng lúa mì để có các biện pháp phòng tránh, nhận biết và xử lý phản ứng dị ứng
- Thận trọng khi dùng bữa. Bạn phải thông báo với nhân viên nhà hàng về mức độ nghiêm trọng của chứng dị ứng mà bạn gặp nếu ăn phải lúa mì, bao gồm cả nguồn protein lúa mì tiềm ẩn có trong nước sốt, các món chiên ngập dầu hoặc được nấu với những nguyên liệu khác có chứa lúa mì.
- Trên thực tế, việc tránh tiếp xúc với nguồn protein lúa mì hoàn toàn không đơn giản, bởi protein lúa mì có thể có ở nhiều loại thực phẩm tưởng như không hề có liên quan và không hề dễ nhận ra, chẳng hạn như nước tương, kem và xúc xích. Do đó, người bệnh dị ứng lúa mì phải luôn cẩn trọng trong khâu ăn uống hàng ngày.
- Đeo vòng tay nhận dạng y tế cũng là một giải pháp đặc biệt có ý nghĩa. Trên vòng tay ghi rõ tình trạng dị ứng và yêu cầu được chăm sóc khẩn cấp nếu bạn bị sốc phản vệ và không thể giao tiếp.
- Bạn có thể được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn sử dụng một số loại thuốc chẳng hạn thuốc kháng histamin có thể làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng lúa mì ở mức độ nhẹ.
- Ở mức độ nghiêm trọng hơn là việc can thiệp y tế khẩn cấp khi bị sốc phản vệ, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để có thể được hướng dẫn mang theo mình bút tiêm cấp cứu chẳng hạn loại có tên là epinephrine (EpiPen, Adrenaclick) để dự phòng trong trường hợp cần thiết.
- Cuối cùng, tôi cũng xin nói với bạn một tin vui cho những người dị ứng thực phẩm nói chung là, hiện nay các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu một số liệu pháp miễn dịch để điều trị dị ứng thực phẩm. Theo đó, bệnh nhân sẽ được tiếp xúc trước hết với một lượng nhỏ chất gây dị ứng và sau đó tăng mức độ phơi nhiễm theo thời gian. Cách này được kỳ vọng làm cho cơ thể quen dần và dần dần hết mẫn cảm với chất gây dị ứng, từ đó không xuất hiện các triệu chứng hay ít gặp và nhẹ hơn.