Tinh dầu dùng trong hương liệu pháp
Table of Contents
Liệu pháp tinh dầu – Hương liệu pháp – Aromatherapy
Yếu tố quan trọng hàng đầu trong bất kỳ liệu pháp tinh dầu nào, đó là chất lượng của tinh dầu đem áp dụng. Đây là những tinh dầu nguyên chất, chúng rất khác với các loại dầu nặng được sử dụng trong nhà bếp. Với các đặc tính đậm đặc, nhẹ, dễ bay hơi và rất dễ cháy, chúng thường phải được trộn với các loại dầu nặng khác gọi là dầu nền để làm chất dẫn với tỷ lệ rất nhỏ, trong đó tinh dầu chỉ được đo bằng giọt cho mỗi lần sử dụng.
BẢN CHẤT CỦA TINH DẦU TRONG HƯƠNG LIỆU PHÁP
Tinh dầu có bản chất là các tinh chất tự nhiên, được chiết xuất từ các bộ phận khác nhau của các loại thảo mộc như hoa, lá, thân, rễ, củ, quả, hạt, vỏ, nhựa v.v…
Việc thu hái và chiết xuất này rất tinh tế và phải tuân thủ những quy trình hết sức nghiêm ngặt. Chẳng hạn, việc thu hái một số loại hoa hay lá phải được tiến hành đúng thời điểm để đảm bảo thu được dầu cả về lượng và chất. Trong Hương liệu pháp, chỉ có những loại tinh dầu tinh khiết nhất mới được sử dụng nhằm tối đa hóa tác dụng trị liệu với những hiệu quả có thể dự tính được.
Do cấu trúc phân tử rất nhỏ nên tinh dầu có thể rất dễ dàng xâm nhập vào da, trong khi mà các loại dầu thực vật thông thường chỉ nằm lại bề mặt. Qua nhiều thế kỷ được sử dụng trong y học, các loại tinh dầu giờ đây cùng với các hình thức chăm sóc sức khỏe bằng hương liệu pháp đã rất thịnh hành, nhất là ở những khu vực có mức sống và dân trí cao, có thể hỗ trợ rất đắc lực trong việc ngăn ngừa và điều trị hầu hết các chứng đau nhức, căng thẳng, mệt mỏi, lo âu hay rối loạn các chức năng sinh lý, sinh học của cơ thể – những chứng bệnh phổ biến của cuộc sống hiện đại..
CÁCH TÁC ĐỘNG CỦA TINH DẦU ĐẾN CƠ THỂ
Tinh dầu có thành phần gồm các phân tử có phân tử lượng nhỏ nên rất dễ hòa tan trong rượu, chất lỏng thể sữa và nhất là chất béo. Nhờ các đặc tính ấy mà chúng có thể dễ dàng xâm nhập vào trong cơ thể chúng ta qua các tế bào da và rồi hòa lẫn vào các mô mỡ nếu được tiếp xúc qua da. Ngoài ra, cũng do có cấu trúc phân tử nhỏ, nhẹ và dễ bay hơi, chúng cũng dễ dàng khuếch tán vào trong không khí để rồi xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp khi chúng ta hít vào.
Các phân tử tinh dầu, xâm nhập qua các tế bào khứu giác và các tế bào của hệ thống hô hấp, tác động thẳng đến não bộ và làm thay đổi cảm xúc bằng cách tác động trực tiếp đến hệ thống limbic (hoặc vỏ paleomammalian) nằm trên đồi thị của não bộ – một cấu trúc chuyên xử lý cảm xúc bởi các tín hiệu nhận vào từ hệ thống các giác quan.
Do vậy, với cách chăm sóc sức khỏe bằng Hương liệu pháp, các loại tinh dầu có thể giúp hồi phục và tăng cường không những về sức khỏe thể chất mà đồng thời còn điều hòa trạng thái tâm lý, giúp hồi phục và tăng cường sức khỏe tinh thần.
Mỗi loại tinh dầu khác nhau, vì có thành phần hóa học khác nhau nên có các đặc tính lý, hóa cũng như cách thức tác động đến cơ thể và hiệu quả tác động đối với cơ thể chúng ta hoàn toàn khác nhau.
MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP SẢN XUẤT TINH DẦU PHỔ BIẾN
Chưng cất
Để chưng cất tinh dầu từ hoa hồng, người Ai Cập đã lưu trữ nguyên liệu thô trong các nồi đất sét lớn hoặc thạch cao. Sau đó là đến công đoạn cho nước vào các nồi, đun nóng để làm cho tinh dầu thoát ra từ các cánh hoa để được hấp thụ bởi miếng vải bông đón ở phía trên cổ nồi thắt nhỏ lại. Các miếng vải bông được đem vắt và ép vào trong bình thu gom tinh chất.
Ngày nay mặc dù công nghệ sản xuất đã rất tân tiến, nhưng các nguyên tắc cổ vẫn được áp dụng. Hơi nước áp suất cao được “thổi” qua lá hoặc hoa một cách rất tinh vi trong môi trường chân không để làm cho tinh dầu bay hơi thoát ra khỏi cấu trúc lá hoặc hoa đó. Khi nước mang tinh dầu đi qua hệ thống làm mát, dầu được ngưng tụ và tách ra khỏi nước.
Một điều chúng ta cần phải ghi nhận rằng, sản lượng tinh dầu hoa hồng rất thấp, để có được 1 kg tinh dầu, cần phải huy động tới hơn 2 vạn bông hồng. Điều đó cũng lý giải được tại sao tinh dầu hoa hồng đắt đỏ bậc nhất trong số các loại khác.
Ướp
Đây là một hình thức khai thác được sử dụng dựa trên khả năng hấp thụ tinh dầu của chất béo. Thường được dùng cho các loại hoa hồng trăm cánh, violet, hoa cam, hoa quế, hoa nhài …
Có hai hình thức ướp :
- Ướp lạnh
- Ướp nóng
Ướp lạnh :
Kỹ thuật này đắt hơn quy trình chưng cất truyền thống nhưng cần thiết để xử lý những loại hoa mỏng manh (chẳng hạn hoa nhài), vẫn giữ được mùi sau khi thu hái.
Chất béo không mùi (thường là mỡ động vật được tinh chế) được trải đều trên cả hai mặt của một khung gỗ. Sau khi được sắp xếp cẩn thận, các bông hoa hoặc cánh hoa được đâm nát trong mỡ. Quá trình ướp kéo dài hàng tháng đến khi tinh chất từ hoa hòa tan bão hòa trong mỡ.
Sau quá trình ướp lạnh như vậy, chất béo chứa hương thơm đó được thu thập rất thủ công từng muỗng nhỏ, được làm tan chảy nhẹ nhàng rồi được khử bằng phương pháp xử lý éthyle (rượu). Tiếp theo, hỗn hợp này được đưa vào trong một cái máy chiết xuất có tác dụng làm cho các phân tử hương thơm hòa tan vào trong rượu, tức là rượu đã lấy hương thơm ra khỏi các chất mỡ ban đầu. Cuối cùng, bằng kỹ thuật chưng cất chân không ở nhiệt độ thấp, rượu bị loại bỏ và người ta thu được tinh dầu tuyệt đối (thơm tinh khiết).
Về mặt công nghiệp, kỹ thuật này đã bị bỏ rơi vào khoảng những năm 1930 vì nó đòi hỏi quá nhiều nhân lực và vật liệu như các khung gỗ để ướp hoa. Hơn nữa, mỡ cũng rất khó xử lý vì nó dễ bị tan chảy ngay khi quá nóng.
Ướp nóng
Kỹ thuật này được áp dụng phổ biến ở Ai Cập và ở Pháp.
Trước hết, người ta làm tan chảy mỡ trong các nồi lớn được đun cách thủy rồi bỏ hoa vào. Hỗn hợp được khuấy đều trong 2 giờ rồi tiếp tục để tinh chất hoa ngấm vào mỡ cho đến ngày hôm sau. Các hoa cũ được vớt bỏ và thay thế bằng các hoa mới. Cứ như vậy các hoạt động tương tự được lặp lại đến chục lần, khi mà mỡ trong nồi đã bão hòa, không thể hấp thụ được tinh dầu thêm được nữa thì được đem đi xử lý bằng kỹ thuật chiết xuất trong rượu tương tự kỹ thuật ướp lạnh nói trên.
Ngâm
Hoa được ngâm trong dầu nóng để phá vỡ cấu trúc các tế bào và giải phóng ra các tinh chất và hòa tan vào dầu.
Dầu thu được chứa các tinh chất hòa tan sẽ được đi vào các công đoạn tinh chế và chiết xuất trong rượu, cũng tương tự phương pháp nói trên.
Ép lạnh
Dùng kỹ thuật ép trái cây, vỏ trái cây hoặc hạt bằng các máy ép thép hiện đại với một quy trình đơn giản, dễ hình dung.
Quá trình ép diễn ra trong môi trường lạnh (thường ở dưới -120 độ F) gây áp lực khiến dầu thấm ra ngoài và từ đó người ta thu lại rồi thực hiện các công đoạn chiết xuất dầu tinh chất như chưng cất hay tách bằng máy ly tâm …
KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG
Sau khi hoa hay các bộ phận khác nhau của cây được thu hoạch, chúng thường được xử lý và lưu trữ nhanh chóng để đảm bảo được độ tươi.
Khí hậu, đất đai và độ cao (altitude) đều có thể ảnh hưởng đến đặc tính của một loại dầu. Ví dụ đơn giản như một loại hoa oải hương của Pháp nổi tiếng thế giới vì hương thơm của nó, nhưng cũng giống như chất lượng của từng vụ nho khác nhau vì các điều kiện khí hậu, thời tiết có thể có diễn biến thất thường mà chất lượng của sản phẩm là rượu nho hay tinh dầu oải hương cũng không hoàn toàn giống nhau từng năm.
BẢO QUẢN, GIAO DỊCH VÀ SỬ DỤNG
Tinh dầu là cơ sở thiết yếu cho tất cả các hình thức hương liệu pháp truyền thống. Mỗi loại có một mùi hương và tính chất riêng và do đó nghệ thuật pha trộn và kết hợp giữa các loại tinh dầu khác nhau phụ thuộc vào trình độ của mỗi nhà chuyên môn và phụ thuộc vào mục đích điều trị trong hương liệu pháp đối với từng đối tượng được điều trị.
Vì tinh dầu là chất dễ bay hơi nên cần được xử lý, pha trộn, bảo quản hết sức cẩn thận và sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm.
Cần nhớ, chỉ cần một sự cố nhỏ gây tràn hoặc vương vãi tinh dầu dù với một lượng nhỏ cũng đủ làm cho toàn bộ căn phòng bị ngộp thở vì mùi hương và ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ.
Các loại tinh dầu đều rất mạnh và tinh tế, tuyệt đối không bao giờ cố gắng dí mũi trực tiếp vào chai để ngửi một loại tinh dầu nguyên chất. Nếu muốn thẩm định sản phẩm, chỉ cần đặt một giọt tinh dầu lên mặt kính rồi cảm nhận, đánh giá và ghi chép nếu thấy cần.
Để sử dụng trong hương liệu pháp, tinh dầu được trộn lẫn với các loại dầu thông thường chất lượng tốt (ta gọi là dầu nền). Dầu nền có vai trò quan trọng trong việc pha loãng, giảm tốc độ bay hơi và phân bố tinh dầu tỏa đều ra khắp nơi trên bề mặt da như mong muốn.
Đối với mỗi lần sử dụng, số lượng tinh dầu chỉ được tính bằng giọt. Khi pha trộn, sử dụng chai tốt nhất là bằng thủy tinh hoặc sứ, lấy một lượng dầu nền cần thiết cho vào trong chai, dùng ống nhỏ giọt hoặc pipet để lấy tinh dầu theo số lượng giọt cần thiết (khác nhau và cụ thể ở từng loại tinh dầu và từng mục đích sử dụng). Chai được dán nhãn và ghi chép rõ ràng.
Nếu vô tình bị làm vương vãi tinh dầu, hãy ngay lập tức lau sạch bằng khăn giấy loại thấm tốt rồi vứt ngay ra ngoài nếu không thì mùi của chúng sẽ nồng nặc và tràn ngập căn phòng.
Tinh dầu cần được bảo quản trong chai thủy tinh sẫm màu có nắp đậy chắc và kín. Để chúng ở nơi tối và mát. Không như các chai rượu vang thường được để nằm, các chai lọ tinh dầu phải được để đứng thẳng và luôn tránh xa tầm ngắm và tầm với tay của trẻ em. Ngoài ra, không bao giờ lưu trữ chúng trong chai nhựa bởi chúng sẽ hòa tan nhựa chai.
Về thời hạn sử dụng tinh dầu, trước hết phải nói rằng, việc bảo quản đúng cách sẽ giúp kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm. Ngoài ra thời hạn sử dụng của chúng được xác định bởi thành phần hóa học, mức độ oxy hóa (biến chất) hoặc khả năng bay hơi của từng loại.
- Các loại có chứa nhiều monoterpen hoặc oxit có thời hạn sử dụng ngắn nhất, chỉ từ 1-2 năm.
- Loại chứa nhiều phenol có thời hạn sử dụng đến 3 năm.
- Các loại có chứa ketone, monoterpenol và / hoặc este có thể tồn tại đến 4-5 năm.
- Các loại chứa nhiều sesquiterpen và sesquiterpenol có thể tồn tại lâu nhất, đến 6 năm.
Bạn có thể tham khảo thêm:
Sử dụng tinh dầu trong hương liệu pháp
EOV 2 _ Phòng và trị trầm cảm bằng tinh dầu _ Công thức 1