Life 72 _ Heart attack _ Myocardial Infarction
0 0
Read Time:11 Minute, 59 Second

NHỒI MÁU CƠ TIM

Nhồi máu cơ tim xảy ra khi dòng máu nuôi dưỡng tim đột ngột bị cắt đứt, gây tổn thương các tế bào cơ tim và đồng thời xuất hiện các cơn đau thắt ngực.

Sự cắt đứt đột ngột dòng máu nuôi tim xảy ra do sự tắc nghẽn của một hay nhiều động mạch vành (tức động mạch bao quanh tim, nuôi dưỡng tim).

Sự tắc nghẽn động mạch vành thường là do sự tích tụ lâu ngày của các loại mỡ máu, cholestérol xấu và các chất khác tạo thành mảng bám trong lòng động mạch, làm bó hẹp động mạch, giảm lưu lượng máu nuôi tim và gây ra các cơn đau thắt ngực.

Và, một khi các mảng bám này bị vỡ, các tiểu cầu sẽ lập tức kết lại với nhau ở chỗ đó và tạo thành cục máu đông, lấp đầy lòng động mạch vốn đã chật hẹp bởi các mảng bám, gây nghẽn mạch máu một phần hoặc hoàn toàn, khiến cho cơ tim bị thiếu oxy và dưỡng chất. Và, lúc này, một cơn đau tim cấp tính xảy ra với cái tên gọi là “Nhồi máu cơ tim”.

Nhồi máu cơ tim là bệnh lý thực sự nguy hiểm, trực tiếp đe doạ đến tính mạng người bệnh. Do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim mà cơ tim không còn được cung cấp đủ máu. Nếu cơ tim hoàn toàn không được cung cấp máu thì vùng cơ tim ấy sẽ hoại tử gây triệu chứng đau ngực dữ dội. Mức độ nhẹ hay nặng của bệnh phụ thuộc vào mức độ bị hủy hoại của các cơ tim gây nên bởi sự tắc nghẽn động mạch vành như vậy. Thông thường, tim sẽ bị tổn thương đến mức không thể hồi phục bắt đầu trong vòng 30 phút kể từ khi bị tắc nghẽn.


Tại sao nhồi máu cơ tim?

NGUYÊN NHÂN NHỒI MÁU CƠ TIM

  • Nguyên nhân phổ biến nhất của nhồi máu cơ tim là xơ vữa động mạch, xảy ra do có sự hình thành các mảng xơ vữa tích tụ dần theo thời gian và bám vào thành mạch máu. Trong số các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp tính, có tới 70% các trường hợp tử vong là do tắc nghẽn từ các mảng xơ vữa động mạch. Thành phần tạo ra các mảng xơ vữa là các chất béo chẳng hạn cholestérol xấu, các mảnh vỡ tế bào và một số loại muối khoáng …
  • Trên thực tế bắt đầu từ tuổi 30 của cuộc đời một con người, trong hệ động mạch của cơ thể đã có thể bắt đầu hình thành và phát triển các mảng xơ vữa. Quá trình này thường diễn ra âm thầm trong thời gian từ vài năm đến vài chục năm.
  • Ở những người có một số yếu tố nguy cơ như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá v.v… mạch máu thường càng ngày càng dễ bị tổn thương. Ngoài hiện tượng lắng đọng ngày càng nhiều các mảng xơ vữa trong lòng động mạch, việc hút thuốc lá và sử dụng ma túy cũng thường gây co thắt động mạch vành, làm cho các động mạch vốn đã bị hẹp do các mảng xơ vữa ở bên trong càng trở nên hẹp thậm chí gây tắc nghẽn bởi sự co thắt như vậy. Một cơn nhồi máu cơ tim vốn đã rất nghiêm trọng, xảy ra trong trường hợp này thường đặc biệt nghiêm trọng, thực sự đe dọa đến tính mạng người bệnh.


Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim :

MỘT SỐ YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY NHỒI MÁU CƠ TIM

  • Tuổi tác. Nam giới sau tuổi 45 và nữ giới sau tuổi 55 có khả năng bị đau tim hơn so với tuổi trẻ hơn
  • Hút thuốc lá, bao gồm cả người trực tiếp hút thuốc và cả các trường hợp hít phải khói thuốc do người khác hút.
  • Huyết áp cao. Theo thời gian, huyết áp cao có thể làm hỏng các động mạch nuôi dưỡng tim. Đặc biệt là, huyết áp cao sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim nếu người bệnh còn có thêm các tình trạng khác như béo phì, cholestérol cao, tiểu đường v.v…
  • Mỡ máu cao. Hàm lượng các chất béo trung tính Triglyceride hoặc cholestérol xấu trong máu cao, làm tăng khả năng làm hẹp động mạch vành, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
  • Thừa cân và béo phì. Người có thể được coi là thừa cân nếu có chỉ số BMI cao từ 25 trở lên và là béo phì nếu chỉ số BMI cao từ 30 trở lên. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng chỉ số này bằng 23 đã được coi là thừa cân. Người càng thừa cân càng có thể có mỡ máu cao tức mức chất béo trung tính và cholestérol trong máu cao, huyết áp cao và nguy cơ bị tiểu đường cao. Thế mà, các chứng bệnh này lại là những nguy cơ trực tiếp gây nên các cơn đau tim. Bạn nên biết rằng, chỉ cần giảm được 10% trọng lượng cơ thể thì bạn đã giảm được các nguy cơ này rất đáng kể.
  • Tiền sử gia đình bị đau tim. Nếu bạn có ông bà, cha mẹ, hoặc anh chị em ruột bị đau tim sớm thì bạn cũng có thể có nguy cơ bị đau tim cao hơn.
  • Thiếu hoạt động thể chất. Sự thiếu hoạt động thể chất sẽ góp phần làm tăng mỡ máu và béo phì. Người tập thể dục thường xuyên và đúng cách sẽ có sức khỏe tim mạch tốt hơn.
  • Stress. Sự căng thẳng tinh thần rất dễ dẫn đến những cơn đau tim, nhồi máu cơ tim.
  • Sử dụng thuốc kích thích. Các chất kích thích chẳng hạn như cocaine hoặc amphetamine v.v… có thể gây co thắt động mạch vành, nguyên nhân trực tiếp gây nên các cơn đau tim, nhồi máu cơ tim.
  • Tiền sử sản giật. Tình trạng này gây ra huyết áp cao trong thai kỳ của người phụ nữ, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim suốt đời.
  • Các bệnh tự miễn. Các loại bệnh lý tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus có thể làm tăng nguy cơ đau tim.

TRIỆU CHỨNG CỦA NHỒI MÁU CƠ TIM

Vậy, các triệu chứng nào có thể giúp bạn nhận ra được mình đang có một cơn nhồi máu cơ tim?

Để giảm thiểu nguy cơ bị tử vong do nhồi máu cơ tim cấp tính, bạn cần phải nhận biết được những biểu hiện xuất hiện ở giai đoạn sớm của nhồi máu cơ tim để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Dưới đây là các triệu chứng quan trọng của nhồi máu cơ tim cấp tính:

  • Đau tức nặng ở ngực
  • Khó thở
  • Đau không những ở ngực mà còn có thể đau ra lưng, hàm và các nơi khác của phần trên của cơ thể. Cơn đau kéo dài trên 1 phút rồi có thể biến mất rồi lại quay trở lại.
  • Đổ mồ hôi lạnh,
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Choáng váng, chóng mặt đột ngột
  • Tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực
  • Huyết áp có thể tụt và cũng có thể tăng vọt
  • Khả năng gắng sức bị giảm sút rõ rệt và nhanh chóng
  • Tâm trạng lo lắng, hoảng sợ
  • Ngất xỉu
  • và, tình trạng xấu nhất có thể xảy ra là tử vong

Bạn cần phải lưu ý là, không phải tất cả những người nhồi máu cơ tim cấp đều trải qua các triệu chứng giống nhau và mức độ như nhau, mà có thể rất khác nhau ở từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, bạn có thể chỉ bị khó chịu ở ngực nhẹ trong khi người khác thì bị đau dữ dội.

  • Người lớn tuổi và những người bị bệnh tiểu đường có thể không có hoặc rất nhẹ các triệu chứng đau tim. Do đó, đừng bao giờ loại bỏ các triệu chứng đau tim, ngay cả khi chúng có vẻ không nghiêm trọng.
  • Phụ nữ thì lại có thể có tất cả các tình huống, có thể có nhiều, có thể chỉ có một vài hoặc thậm chí không có các triệu chứng đau tim điển hình. Một số loại đau, áp lực hoặc khó chịu ở ngực vẫn là một triệu chứng phổ biến của cơn đau tim ở phụ nữ.
  • Tuy nhiên cho dù người bệnh là nam hay nữ thì triệu chứng phổ biến nhất ở cả hai giới là đau ngực mỗi khi bị nhồi máu cơ tim. Và, nếu bạn càng có nhiều dấu hiệu và triệu chứng thì khả năng bạn đang bị đau tim càng lớn.
  • Bạn cần lưu ý! Bạn đừng “cố gắng” vượt qua các triệu chứng đau tim quá 5 phút. Trong trường hợp đó, hãy gọi các dịch vụ cấp cứu ngay để được giúp đỡ.

Có nhiều người có các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo trước hàng giờ, ngày hoặc tuần. Cảnh báo sớm nhất có thể là các cơn đau thắt ngực do hoạt động tăng gây ra và thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Nhưng cũng có người thì cơn đau tim xảy ra đột ngột. cá biệt cũng có người có rất ít triệu chứng báo hiệu mà khi xảy ra cơn nhồi máu cơ tim thì tim cũng liền ngừng đập.

Như vậy, nếu cơn nhồi máu cơ tim xảy ra, hậu quả có thể là gì?

BIẾN CHỨNG CỦA NHỒI MÁU CƠ TIM:

Các biến chứng của nhồi máu cơ tim thường liên quan đến tổn thương tim trong cơn đau tim, có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như:

  • Suy tim. Một cơn đau tim có thể làm tổn thương nhiều mô cơ tim đến nỗi phần cơ tim còn lại không thể gánh vác nổi chức năng bơm đủ máu vào hệ động mạch đi nuôi cơ thể. Suy tim có thể là tạm thời rồi hồi phục ít nhiều, nhưng thường thì nó sẽ là một tình trạng mãn tính, vĩnh viễn một khi tim đã bị tổn thương trên diện rộng.
  • Loạn nhịp tim. Hiện tượng gọi là “Đoản mạch điện tim” có thể xuất hiện và phát triển, dẫn đến nhịp tim bất thường, thậm chí rối loạn và dẫn đến tử vong.
  • Và, biến chứng nguy hiểm nhất cuối cùng có thể xảy ra là, ngừng tim đột ngột. Nếu không có các dấu hiệu cảnh báo mà tim người bệnh đã đột ngột ngừng đập, người bệnh có thể tử vong nếu không được cấp cứu ngay lập tức với thời gian chỉ được tính bằng phút.

BẠN PHẢI LÀM GÌ NẾU BỊ NHỒI MÁU CƠ TIM?

Trước tiên bạn hãy nhớ rằng, cần phải hành động ngay lập tức mỗi khi nhận ra rằng mình đang bị nhồi máu cơ tim mà không được phép chờ đợi sự tự khỏi bệnh.

  • Trước hết, khi xảy ra cơn đau tim hoặc nghi ngờ mình đang bị nhồi máu cơ tim, bạn cần phải gọi ngay sự trợ giúp y tế khẩn cấp theo các số gọi khẩn cấp của địa phương của bạn.
  • Nếu không có dịch vụ chuyên chở bạn đến bệnh viện, hãy nhờ người chở bạn đến bệnh viện gần nhất. Hãy nhớ rằng, bạn chỉ tự lái xe đến bệnh viện khi không có lựa chọn nào khác vì việc làm này có rất nhiều rủi ro, không những rủi ro cho chính bản thân bạn vì dễ làm cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn, mà còn rủi ro gây tai nạn giao thông cho bản thân bạn và cho những người khác trên đường.
  • Bạn hãy sử dụng thuốc nitroglycérine nếu bác sĩ đã kê đơn cho bạn, bình tĩnh thực hiện hướng dẫn trong khi chờ đợi sự giúp đỡ khẩn cấp.
  • Bạn có thể sử dụng thuốc aspirin để chống đông máu nếu được khuyến nghị của bác sĩ. Vì aspirin có thể tương tác với các loại thuốc khác, do đó bạn không nên dùng aspirin trừ khi bác sĩ hoặc nhân viên y tế cấp cứu khuyến nghị.

PHÒNG NGỪA NHỒI MÁU CƠ TIM

Và, bạn cũng nên biết rằng, không bao giờ là quá muộn để thực hiện các bước để ngăn ngừa nhồi máu cơ tim – ngay cả khi bạn đã bị đau tim. Bạn nên tìm hiểu kỹ về căn nguyên gây bệnh để có hướng phòng tránh tốt nhất cho bản thân và gia đình.
Hy vọng rằng, mỗi chúng ta có thể không để xảy ra cơn nhồi máu cơ tim bằng việc thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa.
Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa nhồi máu cơ tim cụ thể mà ai cũng có thể thực hiện được:

  • Sử dụng thuốc. Dùng thuốc đúng cách theo đơn và hướng dẫn của bác sĩ có thể làm giảm các nguy cơ bị đau tim tiếp theo, đồng thời giúp tim phần nào hồi phục tổn thương và hồi phục chức năng.
  • Các yếu tố về lối sống. Bạn biết đấy, duy trì cân nặng hợp lý, áp dụng tốt một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim mạch, tập thể dục đều đặn với các bài tập phù hợp, không hút thuốc, hạn chế hoặc bỏ rượu bia, kiểm soát căng thẳng và kiểm soát mỡ máu, đường huyết v.v… sẽ có tác dụng trực tiếp đến tình trạng tim mạch, có tác dụng hữu hiệu đến việc phòng ngừa các bệnh tim mạch, phòng ngừa nhồi máu cơ tim. Nội dung này tôi cũng đã nói rõ trong các buổi nói chuyện trước về các bệnh tim mạch, bạn có thể xem lại để nắm được chi tiết hơn.

Tóm lại, nhồi máu cơ tim là căn bệnh nguy hiểm rất dễ dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán sớm sẽ giúp cứu sống vùng cơ tim bị thiếu máu nuôi kịp thời, đồng thời hạn chế những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng và những biến chứng lâu dài sau này. Do đó, bạn hãy tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu bệnh lý để được điều trị nhồi máu cơ tim tối ưu nhất.

https://youtu.be/8aqxhyr7YW4

About Post Author

Maître VIKUDO

Docteur en Physiopathologie
Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Life 71 _ Đau thắt ngực, Angine de poitrine, Angina pectoris (Chest Pain) Previous post Đau thắt ngực _ Phòng và trị _ Life 71
Flying Crow Pose _ EKA PADA BAKASANA _ VIKUDO Next post Tư thế Quạ bay _ 3 bước thực hành _ Yoga VB46

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *