Life 73 _ Ngừng tim đột ngột Life 73 _ Arrêt cardiaque soudain Life 73 _ Sudden Cardiac Arrest
1 0
Read Time:15 Minute, 25 Second

NGỪNG TIM ĐỘT NGỘT LÀ GÌ?

Ngừng tim đột ngột (SCA) là tình trạng tim ngừng đập đột ngột và bất ngờ, khiến máu ngừng chảy đến não và các cơ quan. Và, nó thường gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời chỉ trong vòng vài phút. Tuy vậy, thực tế thì hầu hết những người bị ngừng tim đột ngột đều không qua khỏi, tỷ lệ sống sót rất thấp. Cái chết như vậy trong y học còn có tên gọi là “Đột tử do tim“.
Xin bạn lưu ý, ngừng tim đột ngột không phải là một cơn đau tim hay còn gọi là nhồi máu cơ tim như tôi đã đề cập trong các buổi nói chuyện trước. Trong các cơn đau tim đó, tim thường vẫn đập tuy trong đau đớn. Cơn đau tim xảy ra khi có sự tắc nghẽn ở động mạch vành bao quanh tim và trong tình trạng các tế bào cơ tim bị tổn thương hoặc dần dần chết vì thiếu máu nuôi, thiếu oxy và dưỡng chất. Trong khi đó, ngừng tim đột ngột xảy ra vì một lý do hoàn toàn khác, liên quan đến điện tim. Tim ngừng đập ngay trong tình trạng các tế bào cơ tim chưa hề bị tổn thương như trong các trường hợp nhồi máu cơ tim nói trên.
Bình thường, trái tim có một hệ thống dẫn truyền xung động giúp nó đập theo nhịp ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu bơm máu đi nuôi dưỡng cơ thể. Khi hệ thống điện tim bị trục trặc, nhịp đập của tim cũng liền bị rối loạn, đập quá nhanh, đập quá chậm hoặc đập loạn nhịp. Trong số các loại rối loạn nhịp tim, hiện tượng gọi là “rung thất” xảy ra thường xuyên nhất. Khi đó, các buồng tâm thất của tim tuy có cử động nhưng chỉ là co giật một cách rối loạn, chứ không còn có khả năng bơm máu.


Vậy, làm thế nào để nhận biết được ngừng tim đột ngột?

TRIỆU CHỨNG CỦA NGỪNG TIM ĐỘT NGỘT

Thông thường, các dấu hiệu của ngừng tim đột ngột là ngay lập tức, hết sức quyết liệt và không có dấu hiệu báo trước. Chẳng hạn như :

  • Ngất xỉu, tức người bệnh mất ý thức hoàn toàn.
  • Không sờ thấy mạch hoặc nhịp tim
  • Và, ngừng thở

Ngoài ra, cũng có một số ít trường hợp có thể có các dấu hiệu và triệu chứng báo trước ít phút. Chẳng hạn như :

  • Khó chịu ở ngực
  • Tim đập nhanh, đánh trống ngực
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Khó thở
  • Mệt xỉu
  • Chóng mặt

Và, bạn có biết tại sao ngừng tim đột ngột?

NGUYÊN NHÂN GÂY RA NGỪNG TIM ĐỘT NGỘT

Rung thất

Trước hết, phải nói đến một nguyên nhân quan trọng nhất, gây ra hầu hết các trường hợp ngừng tim đột ngột. Đó chính là hiện tượng rung thất – một loại rối loạn nhịp tim.
Khi xảy ra rung thất, các ngăn dưới của tim là tâm thất đập không bình thường. Chúng chuyển từ trạng thái co bóp mạnh mẽ và nhịp nhàng đẩy máu đi nuôi cơ thể sang trạng thái run rẩy, mất nhịp và không còn sức lực bơm đẩy máu như trước. Chỉ trong vài phút trong tình trạng như vậy, người bệnh có thể bị tử vong.
Ngoài ra, một số tình trạng bệnh lý khác cũng có thể gây ra các sự cố điện tim dẫn đến ngừng tim đột ngột. Chẳng hạn bệnh tim thiếu máu cục bộ, tình trạng căng thẳng thể chất nghiêm trọng, các tình trạng thay đổi cấu trúc tim v.v… Cụ thể :

Bệnh tim thiếu máu cục bộ :

Đây là tình trạng thiếu máu cơ tim, gây nên bởi tình trạng tắc nghẽn trong lòng động mạch vành (tức động mạch bao quanh tim, nuôi dưỡng tim) bởi các mảng bám là các loại chất béo, cholesterol xấu và các chất lắng đọng khác.
Khi một khu vực mảnh bám bị vỡ ra, một cục máu đông sẽ ngay lập tức được hình thành từ các tế bào tiểu cầu ngay trên bề mặt của mảng bám bị vỡ. Cục máu đông này sẽ bít chặt lòng động mạch vốn đã chật hẹp bởi mảng bám trước đó, gây tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn dòng chảy của máu đi nuôi các tế bào cơ tim, lập tức gây ra cơn đau tim.
Trong cơn đau tim, một số tế bào cơ tim bị chết rồi được thay thế bằng mô sẹo và từ đó các mô sẹo làm hỏng hệ thống điện của tim. Sự xuất hiện của các mô sẹo làm cho các tín hiệu điện tim được tiếp nhận và lan truyền trong tim một cách bất thường và sai lệch, trực tiếp làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim và ngừng tim đột ngột.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ dường như gây ra hầu hết các trường hợp ngừng tim đột ngột ở người trưởng thành. Tuy nhiên cũng có nhiều người trưởng thành bị ngừng tim đột ngột mà không có báo trước bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng gì của bệnh tim.

Tình trạng căng thẳng về thể chất :

Một số loại căng thẳng về thể chất cũng có thể làm hỏng hệ thống điện tim, chẳng hạn như hoạt động thể chất cường độ cao. Hiện tượng này thường gặp ở những người vận động thể chất căng thẳng và kéo dài, chẳng hạn như trong các cuộc thi đấu marathon, điền kinh, bóng đá v.v… Khi hoạt động thể chất cường độ cao, một loại hormone có tên là adrenaline được giải phóng và có thể kích hoạt ngừng tim đột ngột, nhất là đối với người đã có vấn đề về tim.

Nồng độ kali hoặc magiê trong máu quá thấp :

Kali và magie trong máu đóng một vai trò là chất điện giải, cực kỳ quan trọng trong việc truyền tín hiệu điện tim. Thiếu Kali và Magie, việc truyền tín hiệu điện tim dễ dàng bị ảnh hưởng, sai lệch hoặc không kịp thời.

Rối loạn di truyền :

Một số gia đình có khuynh hướng loạn nhịp tim, nghĩa là xu hướng này được di truyền từ cha mẹ sang con cái thông qua gen. Thành viên của những gia đình này có thể có nguy cơ bị ngừng tim đột ngột cao hơn.
Một ví dụ về rối loạn di truyền khiến bạn có nhiều khả năng bị rối loạn nhịp tim là hội chứng QT dài. Đây là một loại rối loạn hoạt động điện của tim, có thể gây ra nhịp tim đột ngột mất kiểm soát.

Một số tình trạng bệnh lý và cấu trúc của tim :

Những tình trạng bệnh lý cũng như những thay đổi về kích thước hoặc cấu trúc bình thường của tim có thể ảnh hưởng đến hệ thống điện của nó. Chẳng hạn như : Bệnh tim to, hay còn gọi là bệnh cơ tim, bệnh hở van tim, bệnh suy tim, bệnh tim bẩm sinh, nhiễm trùng tim v.v…
Ngoài ra ở một số người, vấn đề nằm ở chính hệ thống điện của tim thay vì vấn đề với cơ tim hoặc van tim. Chúng được gọi là bất thường nhịp tim nguyên phát và bao gồm các tình trạng như hội chứng Brugada (hội chứng gây nên do đột biến ở gene kênh natri tim) và hội chứng QT dài (một chứng rối loạn nhịp tim như vừa nói ở trên).

Và, một số tình trạng bệnh lý khác cũng có thể gây ngừng tim đột ngột, như một số vấn đề về phổi, thận, tiểu đường và một số tình trạng sốc chấn thương, sốc điện giật, sốc ma túy v.v…

Và, trong cuộc sống lao động hoặc đời thường, nếu bạn gặp một người bị ngừng tim đột ngột, trước khi nói đến chuyện họ được điều trị tại bệnh viện như thế nào, bạn có thể giúp được gì cho họ chỉ trong vòng vài phút? Xin nhắc lại, chỉ vài phút!

CÁCH SƠ CỨU NGỪNG TIM ĐỘT NGỘT :

Trước hết rất buồn mà phải nói rằng, trong số những người bị ngừng tim đột ngột thì đa số thường chịu hậu quả là tử vong. Lý do cũng rất dễ hiểu là căn bệnh thường xảy ra bất ngờ với rất ít hoặc không có dấu hiệu báo trước mà diễn biến nhanh chỉ trong vòng vài phút khiến người bệnh cũng như người xung quanh không kịp trở tay ngay từ những phút đầu sơ cứu.
Chỉ có số ít những trường hợp may mắn được cứu sống khi được cấp cứu và điều trị kịp thời bởi các nhân viên y tế hoặc những người có kiến thức về việc này và được tiến hành trong một điều kiện thuận lợi. Trên thực tế, cứ sau mỗi phút chậm trễ trong cấp cứu, tỷ lệ sống sót sẽ giảm khoảng 10%.
Dưới đây là một số cách cấp cứu ngừng tim đột ngột, bạn có thể tham khảo. Biết đâu nó cũng có thể có ích cho bạn và cho ai đó mà bạn gặp trong cuộc sống thường nhật.
Nếu chứng kiến ai đó bị ngừng tim đột ngột, bạn hãy gọi cấp cứu ngay lập tức và cũng tiến hành ngay lập tức các bước sơ cứu, cấp cứu đơn giản sau đây :

  • Trước hết bạn hãy kiểm tra nhanh nhịp thở của bệnh nhân. Nếu người bệnh không thở bình thường, hãy hô hấp nhân tạo ngay lập tức cho họ.
  • Tất nhiên là đối với người có đào tạo, họ có thể thực hiện được những kỹ thuật chính xác và tinh tế. Tuy nhiên đối với bạn và với những người không có được đào tạo bài bản, trong trường hợp này, khi mà mạng sống của người bệnh chỉ được tính bằng vài phút, thì trong khi chờ đợi những nhân viên cấp cứu chuyên nghiệp đến nơi, bạn cứ mạnh dạn cấp cứu cho bệnh nhân bằng tất cả khả năng và sự nỗ lực của mình. Hãy nhớ, mạng sống người bệnh chỉ còn hy vọng được cứu sống trong vòng dăm ba phút này thôi! Do đó bạn không được phép cầu toàn, các kỹ thuật dù không được thật sự chính xác hay chuẩn mực bạn vẫn cứ mạnh dạn làm trước khi có người có chuyên môn đến nơi.
  • Để thực hiện hô hấp nhân tạo cho người bệnh nếu họ không còn thở bình thường hoặc tắt thở, không còn mạch, bạn hãy tiến hành ép tim ngoài lồng ngực ngay:
  • Đặt bệnh nhân nằm ngửa trên một bề mặt vững chắc, đầu ngửa, cổ ưỡn và kéo hàm dưới để nâng cằm người bệnh lên. Lưu ý trong trường hợp nghi ngờ hoặc có chấn thương cột sống cổ thì bạn không kéo hàm, nâng cằm họ.
  • Móc sạch đờm dãi hay dị vật trong miệng nếu có.
  • Khi chắc chắn rằng trong đường thở của bệnh nhân không có dị vật, bạn bắt đầu thực hiện hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân.

Tôi xin nhấn mạnh rằng, những chỉ dẫn dưới đây là hết sức đơn giản, dành cho những người không được đào tạo bài bản thực hiện, nhằm tranh thủ thời gian giành giật sự sống cho bệnh nhân trước khi có nhân viên chuyên nghiệp có mặt. Cho dù bạn có thể thực hiện không thật chính xác nhưng vẫn có thể cứu được họ trong trường hợp này.
Trong thời gian tới nếu điều kiện cho phép, chúng tôi cũng sẽ phát hành các bài hướng dẫn thực hành sơ cứu, cấp cứu trong các trường hợp cụ thể một cách chi tiết và bài bản, với sự tham gia thể hiện và thực hành của nhiều người. Còn bây giờ, ta hãy làm tất cả những gì có thể để góp phần cứu sống bệnh nhân đã!
Bạn hãy làm theo hướng dẫn của tôi!

  • Nào, bạn hãy xòe một bàn tay ra phía trước.
  • Bàn tay kia đặt trên mu bàn tay này, các ngón tay đan vào nhau.
  • Rồi, đặt ức bàn tay lên vùng xương ức của bệnh nhân
  • Và, duỗi thẳng hai tay, dùng lực ấn cùng với sức nặng của cơ thể bạn, thực hiện các động tác ép lên lồng ngực bệnh nhân một cách mạnh mẽ mà có giới hạn, với tần suất từ 100-120 lần/ phút, nghĩa là khoảng 2 lần / giây và lực ép của bạn gây một độ lún khoảng 4-5 cm đối với người trưởng thành và chỉ một vài cm đối với trẻ nhỏ.
  • Chú ý ép nhanh, ép mạnh, không gián đoạn và để ngực phồng lên hết sau mỗi lần ép.
  • Nếu bạn đã được đào tạo hoặc có kiến thức cấp cứu, bạn có thể tiến hành thổi ngạt cho bệnh nhân với 1 chu kỳ là 30 lần ép tim/2 lần thổi ngạt.
  • Còn, nếu bạn chưa có đào tạo, thì bạn chỉ cần ép ngực như vậy. Tiếp tục ép ngực cho đến khi có máy khử rung tim di động hoặc nhân viên cấp cứu đến.

Nếu có máy khử rung tim di động, bạn hãy mạnh dạn sử dụng cho dù đây là lần đầu tiên và có thể cũng chỉ là một lần duy nhất trong đời bạn sử dụng nó để cứu người. Ưu điểm của máy là được sản xuất ra để phục vụ đại trà cho người không chuyên như bạn. Do đó nó đã được đơn giản tối đa để có thể có nhiều người nhất có thể sử dụng. Sau khi bật máy, nó sẽ hướng dẫn bạn từng bước bằng giọng nói.
Khử rung tim bằng máy AED được xem là cơ hội tốt nhất để cứu bệnh nhân. Chính vì sự quan trọng của nó cùng với yếu tố thời gian đặc biệt quan trọng như vậy mà bạn có thể dễ dàng nhìn thấy chiếc máy này nằm trong các hộp dễ đập vỡ hoặc mở nắp để lấy ra ở trong các khu vực công cộng như siêu thị, công sở lớn, sân bay, ga tàu, khách sạn, trường học v.v… để có thể phục vụ cấp cứu các trường hợp ngừng tim đột ngột được nhanh nhất trước khi có các nhân viên cấp cứu đến nơi.

Và, một câu hỏi chắc chắn sẽ được đặt ra là, có thể ngăn ngừa được ngừng tim đột ngột không?

PHÒNG NGỪA NGỪNG TIM ĐỘT NGỘT

Chúng ta có thể giảm được nguy cơ bị ngừng tim đột ngột bằng cách đi khám sức khỏe định kỳ, tầm soát bệnh tim và sống một lối sống lành mạnh cho tim.
Các cách ngăn ngừa tử vong do ngừng tim đột ngột khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp, cụ thể như sau:

Đối với những người đã sống sót sau cơn ngừng tim đột ngột :

Nếu bạn đã từng bị ngừng tim đột ngột, bạn sẽ có nguy cơ cao bị lại. Nghiên cứu cho thấy máy khử rung tim cấy ghép (ICD) làm giảm nguy cơ tử vong do ngừng tim đột ngột lần thứ hai. máy ICD được phẫu thuật đặt dưới da ở ngực hoặc bụng của bạn. Nếu ICD phát hiện nhịp tim nguy hiểm, nó sẽ tạo ra một cú sốc điện để khôi phục lại nhịp tim bình thường.

Đối với những người chưa từng bị nhưng có nguy cơ cao bị ngừng tim đột ngột :

Nếu bạn bị thiếu máu cơ tim nghiêm trọng, bạn sẽ có nhiều nguy cơ bị ngừng tim đột ngột. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn vừa bị đau tim .
Bác sĩ có thể kê một loại thuốc được gọi là thuốc chẹn beta để giúp giảm nguy cơ bị ngừng tim đột ngột. Bác sĩ cũng có thể thảo luận về việc bắt đầu điều trị bằng statin nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tim hoặc đột quỵ. Các bác sĩ thường kê toa statin cho những người: Bệnh tiểu đường, bệnh tim hoặc bị đột quỵ trước đó, mức cholesterol LDL cao,
Mặt khác, bác sĩ của bạn cũng có thể kê đơn các loại thuốc khác để giảm nguy cơ bị đau tim hoặc đột tử, hạ huyết áp, ngăn ngừa cục máu đông – nguyên nhân của đau tim hoặc đột quỵ, ngăn ngừa hoặc trì hoãn nhu cầu thực hiện một thủ thuật hoặc phẫu thuật, chẳng hạn như phẫu thuật tạo hình động mạch hoặc ghép cầu động mạch vành, giảm khối lượng công việc của tim và giảm các triệu chứng bệnh tim.
Uống tất cả các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Không thay đổi lượng thuốc của bạn hoặc bỏ qua một liều trừ khi bác sĩ của bạn yêu cầu.
Các phương pháp điều trị khác cho bệnh tim mạch vành – chẳng hạn như can thiệp mạch vành qua da, còn được gọi là nong mạch vành, hoặc ghép nối động mạch vành – cũng có thể làm giảm nguy cơ bị ngừng tim đột ngột. Bác sĩ của bạn cũng có thể đề nghị ICD nếu bạn có nguy cơ cao bị ngừng tim đột ngột.

Đối với những người không có yếu tố nguy cơ nào được biết đến khi bị ngừng tim đột ngột

Bệnh tim thiếu máu cục bộ dường như là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp bị ngừng tim đột ngột ở người lớn. Bệnh tim cũng là một yếu tố nguy cơ chính gây đau thắt ngực (đau ngực hoặc khó chịu) và đau tim, và nó góp phần gây ra các vấn đề về tim khác.

Đối với tất cả các trường hợp :

  • Tuân theo một lối sống lành mạnh cho tim có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ngừng tim đột ngột và các vấn đề về tim khác. Một lối sống lành mạnh cho tim bao gồm:
  • Ăn uống tốt cho tim mạch, ăn ít chất béo, ít muối và tinh bột.
  • Giảm cân nếu thừa cân.
  • Kiểm soát bệnh tiểu đường, cholesterol xấu, và huyết áp.
  • Tập thể dục thường xuyên với các nội dung và thời lượng tập luyện thích hợp
  • Kiểm soát căng thẳng, học cách tự điều tiết và chế ngự cảm xúc, giữ thăng bằng tinh thần.
  • Không nghiện rượu bia, không hút thuốc lá.

Ngoài ra, việc giáo dục các thành viên trong gia đình cũng hết sức quan trọng, đặc biệt là đối với gia đình có thành viên có nguy cơ bị đột tử do tim. Tất cả các thành viên trong gia đình cần hiểu được tầm quan trọng của bệnh và việc cần cấp cứu nhanh, kịp thời. Mọi người nên học cách thực hiện hô hấp nhân tạo và gọi cấp cứu hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp.

https://youtu.be/KK-vQkHC5po

About Post Author

Maître VIKUDO

Docteur en Physiopathologie
Happy
Happy
100 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Flying Crow Pose _ EKA PADA BAKASANA _ VIKUDO Previous post Tư thế Quạ bay _ 3 bước thực hành _ Yoga VB46
Life 74 _ Stroke _ Causes, signs, prevent and treat Next post Đột quỵ _ Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh _ Life 74

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *