Life 71 _ Đau thắt ngực, Angine de poitrine, Angina pectoris (Chest Pain)
0 0
Read Time:16 Minute, 0 Second

Đau thắt ngực, tuy có thể xảy ra do một số bệnh lý về hô hấp, nhưng đây cũng là dấu hiệu của một cơn đau tim tiềm ẩn và có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, để tránh được những cái chết đột ngột hoặc hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc của các cơn đau tim gây ra, nhất thiết chúng ta cần phải hiểu và nhận biết được rõ hơn về các dấu hiệu và triệu chứng của căn bệnh này mà đáng tiếc là trên thực tế chúng thường bị bỏ qua.

ĐAU THẮT NGỰC LÀ GÌ?

Đau thắt ngực là một bệnh lý của tim khi không được cung cấp đầy đủ oxy do nhiều lý do khác nhau trong đó thường là do động mạch vành bị hẹp, từ đó gây ra các cơn đau.

Nếu bạn có cơn đau thắt ngực xuất hiện, bạn sẽ cảm thấy như đang có một áp lực lớn đang đè ép vùng ngực, đặc biệt là ngực trái và có thể đi cùng với cảm giác nghẹt thở hoặc bỏng rát, đánh trống ngực v.v… Cơn đau có thể lan ra vai, cánh tay, cổ, hàm hoặc sau lưng. Một số người còn cảm thấy đầy bụng, khó tiêu.

Các chứng bệnh này thường khởi phát từ sự căng thẳng hoặc gắng sức làm việc gì đó, tuy nhiên đôi khi cũng có thể xảy ra ngay ở trong trạng thái nghỉ ngơi.

Đàn ông thường có dấu hiệu đau thắt ngực rõ ràng hơn phụ nữ. Thậm chí, có nhiều chị em có chứng bệnh này mà chỉ cảm thấy có một sự khó chịu ở ngực, cổ, hàm hoặc lưng mà không thấy quá nghiêm trọng. Điều này dễ khiến họ bỏ qua và không nghĩ rằng mình đang bị đau thắt ngực.

CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA ĐAU THẮT NGỰC

Như trên vừa nói, đau thắt ngực thường xảy ra khi gắng sức hoặc căng thẳng, đây cũng chính là lúc mà tim hoạt động mạnh nhất và đồng thời cũng đòi hỏi được cung cấp oxy nhiều nhất. Thế mà nếu các chức năng hô hấp không đảm bảo, hoặc động mạch vành bị tắc nghẽn v.v… thì tim sẽ bị thiếu oxy, và các cơn đau ắt sẽ xảy ra. Khi đó, người bệnh sẽ cảm thấy :

  • Đau tức ngực
  • Khó thở
  • Cảm giác bỏng rát, chuột rút
  • Đau ở cánh tay, cổ, hàm, vai, lưng …
  • Buồn nôn, ói mửa
  • Cảm giác khó tiêu
  • Mệt mỏi
  • Hụt hơi
  • Lo lắng
  • Đổ mồ hôi
  • Chóng mặt

NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU THẮT NGỰC

Có thể có nhiều nguyên nhân, cụ thể như :

Trước hết phải nói rằng, nguyên nhân đầu tiên và phổ biến nhất là bệnh mạch vành. Bởi, bản chất của các cơn đau thắt ngực là có nguyên nhân cơ tim thiếu oxy mà một trong những nguyên nhân trực tiếp là tình trạng hẹp mạch máu. Sự thu hẹp này của động mạch vành là do xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa được tạo thành chủ yếu từ các chất béo trong đó có cholestérol xấu, được tạo nên dần dần theo thời gian và cũng dần dần ngày càng ngăn cản sự lưu thông bình thường của máu đến nuôi tim.

Đó là còn chưa nói đến một tình trạng rất xấu khác là tình trạng tắc nghẽn mạch máu, xảy ra khi có sự xuất hiện của cục máu đông chèn vào chính chỗ bị thu hẹp nói trên của động mạch. Tất nhiên trong trường hợp này, nếu không kịp thời khơi thông mạch máu thì cơn nhồi máu cơ tim sẽ xảy ra, và đe dọa tới tính mạng người bệnh.
Ngoài ra, một số tình trạng bệnh lý khác cũng có thể gây nên các chứng bệnh này mặc dù hiếm, chẳng hạn như :

  • Bệnh vi mạch vành (MVD) – Tình trạng bệnh lý của hệ vi mạch vành gồm tiểu động mạch, tiền tiểu động mạch và mao mạch. Chúng có cấu trúc rất nhỏ, thường không nhìn thấy được trực tiếp trên hình chụp mạch vành hoặc chụp cắt lớp vi tính. Bệnh thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ thời kỳ mãn kinh.
  • Thuyên tắc động mạch phổi. Đây là hiện tượng tắc ít nhất một động mạch phổi hoặc nhánh động mạch phổi, thường do huyết khối từ tĩnh mạch sâu phía dưới di chuyển lên như tĩnh mạch chi dưới, tĩnh mạch chậu hông, tĩnh mạch thận v.v…
  • Phì đại cơ tim – Đây là tình trạng rối loạn cơ tim, khiến tim giảm khả năng co bóp lưu thông máu, ảnh hưởng nhịp tim và gây rối loạn nhịp tim.
  • Hẹp động mạch chủ – Động mạch lớn nhất trong cơ thể đưa máu từ tim đi nuôi toàn bộ cơ thể.
  • Rồi các bệnh về tim như viêm màng ngoài tim, van tim bị tổn thương hoặc bệnh cơ tim v.v…

NHỮNG NGƯỜI CÓ NGUY CƠ VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ :

Những người có người nhà hoặc bản thân đang mắc bệnh tim mạch.

Người bệnh tăng huyết áp: Tăng huyết áp làm giảm tính đàn hồi của động mạch, khiến nó ngày càng yếu đi và dễ bị tổn thương. Điều này sẽ tạo điều kiện hình thành các mảng bám hoặc cục máu đông, gây hẹp động mạch vành, thiếu máu cơ tim.

Người bị rối loạn mỡ máu, đặc biệt là người có hàm lượng cholesterol xấu trong máu quá cao: Rối loạn mỡ máu tạo thành mảng bám trong lòng động mạch vành, gây nên bệnh mạch vành.

Người cao tuổi: Do sự thoái hóa, lão hóa các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là mạch máu gây tình trạng xơ vữa. Ở người lớn tuổi, bệnh mạch vành và thiếu máu cơ tim cục bộ là hai nguyên nhân chính gây đau thắt ngực.

Người bệnh đái tháo đường: Biến chứng của bệnh tiểu đường là biến chứng mạch máu và biến chứng thần kinh. Tổn thương mạch máu lớn dẫn đến xơ vữa động mạch và nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.

Người béo phì, hút thuốc lá, lối sống thiếu lành mạnh: Có nguy cơ cao bị đau thắt ngực, bởi họ thường bị rối loạn chuyển hóa, rất dễ có nguy cơ tạo ra các mảng xơ vữa động mạch vành.

Nếu bạn cũng nằm trong những đối tượng có nguy cơ như vậy, bạn cần phải chủ động tìm hiểu và sớm phòng ngừa các chứng bệnh này.

CÁC DẠNG ĐAU THẮT NGỰC :

Có 4 dạng chủ yếu là : đau thắt ngực ổn định, đau thắt ngực không ổn định, đau thắt ngực Prinzmetal và đau thắt ngực vi mạch.

Mỗi dạng đau nói trên có mức độ nguy hiểm và phương pháp điều trị khác nhau. Việc biết cách phân biệt các dạng đau này sẽ giúp bạn không bỏ qua thời điểm vàng để có thể xử trí cơn đau thắt ngực hiệu quả, tránh được những hậu quả xấu đáng tiếc.

Đau thắt ngực ổn định

Đây là loại đau thắt ngực phổ biến nhất, xảy ra khi hoạt động gắng sức như đi bộ, leo cầu thang vì tim cần nhiều oxy hơn để hoạt động. Lúc này người bệnh có thể thấy cơn đau lan xuống cánh tay, lưng hoặc khu vực khác, kèm theo đầy bụng khó tiêu.

Ngoài ra, các yếu tố khác có thể kích hoạt cơn đau thắt ngực ổn định bao gồm căng thẳng, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, sau khi ăn no, hút thuốc lá.

Các cơn đau thắt ngực ổn định thường có thể dự đoán trước và giảm sau khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch.
Loại đau thắt ngực ổn định thường do bệnh mạch vành mãn tính gây ra.

Nói như vậy không có nghĩa là đau thắt ngực dạng ổn định không nguy hiểm để mà can thiệp khẩn cấp, mà trái lại trong một số trường hợp, cơn đau dạng này có thể trở nên tồi tệ hơn và trở thành dạng đau thắt ngực không ổn định mà tôi sẽ nói sau đây. Ví dụ, các cơn đau trở nên thường xuyên hơn, mạnh hơn và xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi, hoặc cơn đau trở nên kém đáp ứng với thuốc điều trị. Những người bị ảnh hưởng bởi sự chuyển bệnh này đi từ cơn đau thắt ngực chỉ khi gắng sức, đến cơn đau thắt ngực ngay cả khi nghỉ ngơi, sau đó có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Đau thắt ngực không ổn định

Đau thắt ngực không ổn định xảy ra do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa làm tắc nghẽn đột ngột một phần hoặc hoàn toàn động mạch vành.

Các cơn đau có thể xảy ra nặng và kéo dài hơn so với đau thắt ngực ổn định (có thể kéo dài hơn 30 phút)

Bạn cần phải lưu ý rằng, loại đau thắt ngực này là do bệnh mạch vành cấp tính gây ra và không thuyên giảm ngay cả khi nghỉ ngơi hoặc đã dùng thuốc điều trị thường dùng. Đau thắt ngực không ổn định là tình trạng nguy hiểm và cần được cấp cứu kịp thời, bởi nó cho thấy một cơn đau tim có thể sắp xảy ra. Thời gian cấp cứu nhanh hay chậm sẽ quyết định sự sống còn của người bệnh.

Đau thắt ngực thể co thắt mạch vành Prinzmetal

Đây là biến thể đau thắt ngực hiếm gặp, thường xuất hiện vào lúc nửa đêm về sáng.

Tuy đau thắt ngực thể co thắt mạch vành cũng đau cả trong trạng thái nghỉ ngơi giống như dạng đau thắt ngực không ổn định nói trên, nhưng nguyên nhân hoàn toàn khác.

Nếu như các dạng đau thắt ngực nói trên liên quan trực tiếp đến sự tắc nghẽn bên trong lòng động mạch vành bởi các mảng xơ vữa hoặc các cục máu đông, thì đau thắt ngực thể co thắt mạch vành không liên quan đến các mảng xơ vữa hay cục máu đông như vậy mà liên quan đến sự co thắt của chính những động mạch này. Sự co thắt động mạch vành cũng gây bó hẹp lòng động mạch và làm chậm sự lưu thông máu đến tim gây ra sự thiếu oxy cho tim và sẽ tạo ra các triệu chứng cũng giống như các cơn đau thắt ngực nói trên.

Cơn đau thắt ngực thể co thắt mạch vành thường xảy ra theo thời gian đều đặn và tái phát theo chu kỳ. Hai thời điểm điển hình là: nửa sau của đêm hoặc khoảng thời gian sau bữa ăn.

Cơn đau thắt ngực thể co thắt mạch vành có thể dẫn đến ngất và có xu hướng trở nên nghiêm trọng và cần được điều trị nhanh chóng, nhất là đối với các trường hợp động mạch vành cũng có mảng xơ vữa, khi đó động mạch vành vừa bị hẹp do co thắt, vừa bị tắc nghẽn do các mảng xơ vữa bên trong. Lúc này nguy cơ bị nhồi máu cơ tim là rất cao.

Đau thắt ngực vi mạch máu

Đau thắt ngực vi mạch máu là dạng đau thắt ngực gây nên do tình trạng bệnh lý của hệ vi mạch vành gồm tiểu động mạch, tiền tiểu động mạch và mao mạch.

Đau thắt ngực vi mạch máu diễn ra trong thời gian dài hơn và cũng làm tổn thương tim nghiêm trọng hơn so với tất cả các loại khác. Nó kèm theo các biểu hiện như hơi thở ngắn, khó ngủ, mệt mỏi, thiếu năng lượng và khởi phát bởi sự căng thẳng về tinh thần.

CÁC BIẾN CHỨNG

Một điều dễ dàng nhận thấy là cơn đau thắt ngực có thể cản trở một số hoạt động hàng ngày và cần được nghỉ ngơi.
Nhưng, biến chứng nghiêm trọng nhất của các cơn đau thắt ngực chính là nhồi máu cơ tim dẫn đến nguy cơ đột tử và rủi ro này phải được tính đến. Trong trường hợp này, động mạch tim, động mạch vành không còn chỉ là bị hẹp lại như trong cơn đau thắt ngực mà nó bị tắc hoàn toàn.

Do đó, bạn cần phải được chăm sóc và theo dõi y tế ngay từ khi xuất hiện cơn đau thắt ngực đầu tiên.

CHẨN ĐOÁN

Nếu có nghi ngờ người bệnh có cơn đau thắt ngực không ổn định hoặc đau liên quan tới bệnh tim nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm như điện tâm đồ, thử nghiệm căng thẳng, chụp X quang, chụp mạch vành và thông tim, chụp cắt lớp động mạch vành, xét nghiệm máu… Qua đó, bác sĩ sẽ tìm ra nguồn gốc của cơn đau.
Đương nhiên, đó là công việc của các bác sĩ.

CÒN BẠN, BẠN PHẢI LÀM GÌ NẾU BẠN BỊ ĐAU THẮT NGỰC?

Trước tiên, bạn phải luôn luôn nhớ rằng, đau thắt ngực trước hết là một lời cảnh báo rằng tim đang kêu cứu vì đau do thiếu oxy, trước khi dẫn đến tình trạng nghiêm trọng đặc biệt là nhồi máu cơ tim.

Do đó, ngay khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên, bạn cần lập tức nghỉ ngơi và nhanh chóng đến gặp bác sĩ để có các chẩn đoán đau thắt ngực thông qua các cuộc kiểm tra y tế khác nhau, tìm nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Nói là phải nghỉ ngơi khi bị đau thắt ngực tức là nghỉ ngơi như thế nào? Ngay khi cảm thấy cơn đau thắt ngực, bạn cần dừng lại, ngồi xuống ở tư thế nửa nằm nửa ngồi và nghỉ ngơi. Tiếp đó, hãy dùng các thuốc chống đau thắt ngực như nitrogIycerin nếu trước đó bác sĩ đã kê đơn cho bạn.

Nên nhớ rằng, việc xuất hiện cơn đau thắt ngực rất dễ khiến bạn trở nên lo lắng và sợ hãi. Tuy nhiên, bạn phải thật cố gắng giữ bình tĩnh, bởi vì, nếu càng căng thẳng thì cơn đau sẽ càng tăng nặng.

Nếu cơn đau không giảm sau 10 phút hoặc càng ngày càng trở nên tồi tệ dù bạn đã nghỉ ngơi hay dùng thuốc, bạn cần gọi ngay cấp cứu hoặc nhờ người chở đến bệnh viện. Lưu ý rằng, phải hết sức tránh việc tự lái xe đến bệnh viện để tránh gây ra nguy hiểm không những cho bản thân mà còn cho người khác trên đường giao thông.

Ở bệnh viện, các bác sĩ có thể điều trị cho bạn như thế nào? Dưới đây là một số ví dụ xin đưa ra để bạn hình dung :

CÁC CÁCH ĐIỀU TRỊ

Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật để khôi phục lại dòng máu nuôi tim.

Thuốc điều trị cơn đau thắt ngực

Nitrat là nhóm thuốc thường được dùng nhất trong điều trị các chứng bệnh này.

Nhờ tác dụng giãn mạch vành mà thuốc sẽ giúp tăng lưu lượng máu tới tim, làm giảm sự thiếu oxy của tim. Điển hình trong nhóm thuốc Nitrat này là các dạng viên ngậm dưới lưỡi, xịt dưới lưỡi, viên nén, thuốc mỡ, miếng dán, dịch truyền với các tên gọi như nitroglycerin, isosorbide dinitrate, và isosorbide mononitrate v.v…

Ngoài nitrat, người bệnh có thể được bác sỹ chỉ định dùng các thuốc khác để điều trị đau thắt ngực như thuốc làm loãng máu như aspirin, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc ức chế men chuyển… nhằm giúp kiểm soát huyết áp và cholesterol máu, làm chậm nhịp tim, làm giãn mạch máu và giảm áp lực cho tim, và ngăn ngừa hình thành cục máu đông …

Cuối cùng, nếu thấy cần thiết, khi mà các biện pháp sử dụng thuốc như trên không đủ, người bệnh phải được can thiệp bằng phẫu thuật.

Phẫu thuật

Một số loại can thiệp phẫu thuật có thể được bác sĩ chỉ định nếu thuốc không kiểm soát được các cơn đau thắt ngực, chẳng hạn như : nong mạch, đặt stent và bắc cầu động mạch vành… Những phương pháp này sẽ giúp mở rộng lòng mạch máu bị hẹp, từ đó cải thiện lưu lượng máu tới tim, làm giảm đau ngực và ngăn chặn cơn đau tim.

Trong mọi trường hợp, việc theo dõi y tế đối với người bị đau thắt ngực phải thường xuyên. Và nếu bạn có xuất hiện một triệu chứng mới, bạn nhất thiết phải nhanh chóng tham khảo ý kiến mà không cần chờ đến lịch hẹn tiếp theo.

PHÒNG NGỪA

Sử dụng thảo dược

Việc sử dụng các loại thảo dược có tác dụng thông kinh hoạt lạc, thông máu trị tắc mạch, đã được áp dụng trong đông y từ hàng ngàn năm nay. Ngày nay khoa học hiện đại cũng đã có nhiều kết quả chứng minh thảo dược có tác dụng rất hiệu quả cụ thể trong việc làm giãn mạch, hoạt huyết, cải thiện tuần hoàn mạch vành, giảm áp lực lên tim, giảm đau thắt ngực và phòng ngừa nhồi máu cơ tim, suy tim.

Các vị thuốc thường được dùng ở đây là đan sâm, hoàng đằng, hồng hoa v.v…

Như vậy, bên cạnh việc sử dụng các thuốc tây y, bạn cũng có thể tham khảo các thầy thuốc đông y để có thể được áp dụng những bài thuốc đông y quý giá có tác dụng thông khí hoạt huyết, phòng ngừa và góp phần chữa trị tích cực đau thắt ngực một cách an toàn và hiệu quả.

Và, bạn phải luôn luôn nhớ là, bên cạnh những yếu tố không thể thay đổi được chẳng hạn như giới tính, tuổi tác, di truyền v.v…, thì việc thay đổi lối sống là một việc quan trọng đầu tiên mà mỗi người chúng ta có thể làm được và phải làm để phòng và trị đau thắt ngực.

Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống tuy không giúp cắt cơn đau thắt ngực ngay lập tức, nhưng về lâu dài giải pháp này sẽ giúp bạn phòng ngừa. Dưới đây là những thói quen lành mạnh bạn nên áp dụng mỗi ngày:

  • Tránh làm việc nặng hoặc gắng sức và nghỉ ngơi ngay nếu cơn đau xuất hiện khi làm việc nặng.
  • Tránh ăn quá no, hoặc ăn nhiều thực phẩm gây khó tiêu gây đầy bụng nếu bạn thấy cơn đau xuất hiện sau bữa ăn.
  • Luôn luôn giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng, stress kéo dài.
  • Bỏ thuốc lá và thực hiện các biện pháp giảm cân nếu bị béo phì
  • Hạn chế ăn mỡ, nội tạng động vật và ngũ cốc tinh chế.
  • Uống thuốc đầy đủ và đúng chỉ dẫn của bác sĩ để kiểm soát huyết áp, cholesterol, đường máu v.v…
  • Tập thể dục đều đặn với những nội dung tập luyện thích hợp hàng ngày, tốt nhất là tập luyện khoảng 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày. Các môn tập có tác dụng rất tốt đối với các chứng bệnh đau ngực là yoga, thái cực dưỡng sinh, bơi lội v.v…
  • Và cuối cùng là, những người bị đau thắt ngực cũng cần được tư vấn tiêm phòng cúm hàng năm để tránh gặp phải cơn nhồi máu cơ tim sau này.

About Post Author

Maître VIKUDO

Docteur en Physiopathologie
Happy
Happy
100 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
huyệt tình minh, bright eyes, jingming, acupoint bl1, bl1 Previous post Huyệt Tình minh _ Kinh Bàng quang _ Acupoint BL1
Life 72 _ Heart attack _ Myocardial Infarction Next post Nhồi máu cơ tim _ Phòng và trị _ Life 72

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *