0 0
Read Time:8 Minute, 34 Second

BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

Bệnh tiểu đường được ví như một sát thủ thầm lặng. Tuy nó không gây ra cái chết nhanh chóng như bất kỳ một bệnh cấp tính nào khác, nhưng vì bệnh diễn biến âm thầm và hiện vẫn còn chưa có phương cách chữa khỏi và bệnh thường dẫn đến các biến chứng cực kỳ nguy hiểm như mù mắt, hỏng thận, hoại tử chi, đột quỵ, tai biến mạch máu não v.v…

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là một bệnh mãn tính thuộc nhóm bệnh lý nội khoa, bị gây ra bởi sự thiếu hoặc sự rối loạn chuyển hóa của một loại hooc-môn gọi là insulin trong cơ thể.

Thông thường, insulin cho phép các tế bào sử dụng đường từ máu mang đến để được chuyển hóa thành năng lượng, nhưng ở người bị bệnh tiểu đường thì chức năng này bị ảnh hưởng, dẫn đến lượng đường trong máu cứ thế tăng dần (gọi là tăng đường huyết) và bị thải ra ngoài qua nước tiểu trong khi các tế bào thì luôn luôn ở trong tình trạng thiếu năng lượng.

Đây là một căn bệnh phổ biến trên toàn thế giới và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Dự tính đến năm 2030 có khoảng một nửa tỷ người mắc bệnh tiểu đường và chiếm hơn ⅔ gánh nặng y tế ở các nước đang phát triển.

Bệnh tiểu đường, đặc biệt là bệnh tiểu đường tuýp 2, là nguyên nhân nhiều nhất làm hỏng hệ thống mao mạch võng mạc gây mù lòa, làm hỏng thận dẫn đến phải chạy thận nhân tạo và gây hoại tử các chi ở các bệnh nhân nặng. Đồng thời, bệnh tiểu đường cũng là một nguyên nhân gây các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ do tiểu đường, những biến chứng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vọng.

Bệnh tiểu đường, rất không may là một loại bệnh chưa có cách chữa khỏi, nhưng ngược lại cũng còn rất may mắn là có thể được điều trị và kiểm soát một cách tích cực lượng đường trong máu ổn định cho người bệnh.

Triệu chứng

Nếu ngày xưa các cụ thường nhận biết bệnh tiểu đường bằng các “chỉ thị sinh học tự nhiên” là ruồi, là kiến sau mỗi lần đi tiểu ở ngoài vườn, thì ngày nay, với cách sinh hoạt hiện đại “tiễn đi không để lại dấu vết” trong các toilette “đi nhanh, xả lẹ” đã gây không ít khó khăn cho việc “tự chẩn đoán” bằng việc quan sát bằng mắt thường.

Thực tế, có nhiều người bị mắc bệnh tiểu đường trong vài tháng thậm chí vài năm mà không hề hay biết chỉ vì các dấu hiệu biểu hiện bệnh tật ít hoặc không rõ ràng cùng với sự thiếu chú ý tự quan sát bản thân.

Ngoài các dấu hiệu “trực quan” như trên, các triệu chứng sau đây cũng có thể có liên quan đến bệnh tiểu đường mà chúng ta rất nên chú ý :

* Tiểu nhiều lần, nhiều nước tiểu : Trong ngày nếu bạn đi tiểu quá nhiều lần (đến gần chục lần mỗi ngày) thì bạn phải nghĩ đến khả năng bị mắc bệnh này. Nguyên nhân là lượng đường trong máu quá cao dẫn đến cơ thể có phản xạ tống bớt đường thừa này ra ngoài làm cho thận phải hoạt động mạnh hơn, nên đi tiểu nhiều hơn.  

* Khát nhiều bất thường, miệng khô và đắng : Khi lượng đường trong máu tăng cao, do sự chênh lệch nồng độ lớn chất hòa tan là đường trong máu khiến cho nước trong các tế bào bị hút ngược trở lại máu để hòa tan đường, dẫn đến các tế bào bị mất nước và từ đó gây ra cho cơ thể phản xạ khát nước liên tục, miệng khô thường xuyên.

* Hay đói và mệt mỏi bất thường : Các tế bào luôn luôn có nhu cầu hấp thụ đường từ trong máu nhưng không được đáp ứng vì không có insulin, trong khi đó đường thì cứ bị tích tụ lại trong máu để rồi bị thải ra ngoài qua nước tiểu. Từ chỗ các tế bào thường xuyên bị đói năng lượng dẫn đến cơ thể luôn luôn có cảm giác đói và mệt mỏi.  

* Giảm cân đột ngột không rõ lý do : Khi các tế bào không hấp thụ được đường trong máu, chúng buộc phải lấy năng lượng từ các nguồn mỡ và cơ. Do đó cơ thể sẽ bị mất mỡ tích lũy và mất cơ nhanh chóng, đi liền đó là sự sụt cân nhanh trong một thời gian ngắn.  

* Mờ mắt : Lượng đường trong máu cao dẫn tới hệ thống các mao mạch ở đáy mắt bị phá hủy, từ đó gây ra xuất huyết, phù nề mà trong đó đặc biệt nghiêm trọng là phù nề ở điểm vàng, dẫn tới giảm thị lực, gây mù lòa.  

* Có bệnh nào đó chữa trị chậm khỏi, nhiều bộ phận có thể bị nhiễm trùng như bộ phận sinh dục, tiết niệu : Lượng đường trong máu cao và hệ thống miễn dịch bị suy giảm, hậu quả hiển nhiên sẽ là cơ thể dễ bị nhiễm trùng, nấm cũng như các mầm mống gây bệnh tật khác. Đồng thời, do hệ thống miễn dịch suy giảm dẫn đến lâu lành bệnh.  

* Các ngón tay, ngón chân, bàn chân nóng ngứa : Cũng là do nguyên nhân lượng đường trong máu cao dẫn đến phá hủy các hệ thống mao mạch ở tứ chi, người bệnh sẽ có cảm giác tê, nóng, ngứa như kiến bò. Đồng thời, người bệnh có thể luôn luôn có cảm giác khó chịu, bồn chồn, bất an.   

Các bạn cũng nên nhớ, không phải là cứ phải có tất cả các triệu chứng trên mới có thể mắc bệnh tiểu đường, mà trên thực tế có người chỉ thấy có một vài dấu hiệu trong số đó, thậm chí đối với một số  người, các triệu chứng bệnh xuất hiện rất mờ nhạt, khó nhận biết nếu thiếu sự chú ý quan sát, tự chăm sóc bản thân hàng ngày.

Theo tôi, nếu chúng ta có bất cứ dấu hiệu gì bất thường mà không lý giải được thì đều nên nhanh chóng đi thăm khám ở các cơ sở y tế.

Hơn nữa, đối với những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 thì các triệu chứng có thể xuất hiện rất đa dạng, có thể đột ngột và cũng có thể từ từ. Đối với những người tiền tiểu đường thì còn đáng ngại hơn vì có nhiều trường hợp không có các triệu chứng bệnh dẫn đến khi phát hiện ra bệnh tật thì cũng đã muộn.

Biến chứng của bệnh tiểu đường

Tiểu đường là một bệnh mãn tính, tuy nhiên có thể gây ra những biến chứng cấp tính, xảy ra đột ngột trong một thời gian ngắn có thể gây tử vong nếu không được xử lý hoặc cấp cứu kịp thời. Một trong những tình trạng cấp tính đó là khi người bệnh bị hạ đường huyết (lượng đường trong máu sụt nhanh xuống đến 3,6 mmol/L)

Các biến chứng từ từ nhưng cũng hết sức nguy hiểm của bệnh tiểu đường :

* Mù lòa : Như trên đã nói, đường huyết tăng cao phá hủy hệ thống mao mạch ở đáy mắt gây ra bệnh võng mạc tiểu đường, nhẹ thì bị suy giảm thị lực, nặng thì có thể bị đục thể thủy tinh, tăng nhãn áp thậm chí  mù lòa.

* Tổn thương hệ tim mạch : Bệnh tiểu đường thường dẫn tới hậu quả rất khó tránh khỏi là các biến chứng nguy hiểm như : cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não gây di chứng liệt hoặc tử vong.

* Suy thận : Lượng đường trong máu cao gây tổn thương tới hệ thống vi mạch tại thận, làm suy giảm chức năng lọc và bài tiết của thận, thậm chí dẫn đến suy thận không thể phục hồi.

* Tăng nguy cơ viêm nhiễm, hoại tử : Lượng đường trong máu cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, đồng thời làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Do đó những cơ quan “cửa ngõ” và thường xuyên tiếp xúc với nguồn vi khuẩn sẽ dễ bị tấn công và hủy hoại như răng lợi, hệ tiết niệu, sinh dục, các vết thương v.v… đồng thời có thể gây ra hoại tử vì các mô không được nuôi dưỡng do hệ thống mao mạch cung cấp chất dinh dưỡng bị phá hỏng.

* Ngoài ra, lượng đường trong máu cao còn có thể gây tổn thương đến các bộ phận khác như não bộ, cơ khớp, da …

Kiểm soát tiểu đường như thế nào là hiệu quả?

Tuy bệnh tiểu đường hiện nay vẫn chưa có phương pháp chữa trị khỏi dứt điểm, song người bệnh vẫn có thể kiểm soát tốt căn bệnh bằng cách tuân thủ điều trị bằng thuốc đồng thời áp dụng các chế độ dinh dưỡng đúng cách cùng với việc tập thể dục thích hợp và với việc theo dõi các chỉ số đường huyết thường xuyên.

Càng sớm phát hiện ra bệnh thì càng có tăng cơ hội phòng ngừa hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh cùng với các biến chứng của nó.

Có những loại bệnh tiểu đường nào ?

Có nhiều loại bệnh tiểu đường, tuy nhiên người ta chia ra làm 4 loại chính, phổ biến :

  • Tiền tiểu đường (Xem bài “Tiền tiểu đường”)
  • Tiểu đường tuýp 1 (Xem bài “Tiểu đường tuýp 1)
  • Tiểu đường tuýp 2 (Xem bài “Tiểu đường tuýp 2)
  • Tiểu đường thai kỳ (có thể gọi là tiểu đường tuýp 3) (Xem bài “Tiểu đường thai kỳ”)

vikudo.com

Các bạn có thể like, share v.v.. bằng cách nhấn vào các nút ở ngay dưới đây. Rất cảm ơn sự cổ vũ của các bạn !


About Post Author

Maître VIKUDO

Docteur en Physiopathologie
Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Previous post “Anh cứ đi đi !”
Next post Tự lắng nghe _ Cảm giác đói, cảm giác no

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *