Table of Contents
ĐỘT QUỴ LÀ GÌ?
Đột quỵ cũng còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng, xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn bởi các nguyên nhân khác nhau chẳng hạn do tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu não. Khi đó, lượng oxy và dinh dưỡng nuôi các tế bào não bị thiếu hụt trầm trọng. Chỉ sau vài phút bị thiếu oxy và dưỡng chất như vậy, các tế bào não sẽ bắt đầu chết và các biến chứng nghiêm trọng bắt đầu xảy ra, tính mạng người bệnh trực tiếp bị đe dọa.
Nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời, nếu thời gian tai biến mạch máu não càng bị kéo dài thì số lượng tế bào não chết càng tăng và do đó càng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khó hoặc không thể hồi phục, liên quan trực tiếp đến khả năng vận động, cảm giác, cảm xúc, tư duy v.v… và hậu quả nặng nề nhất có thể xảy ra chính là tử vong.
Vậy làm thế nào có thể nhận biết được một cơn tai biến mạch máu não? Dưới đây là một số dấu hiệu, triệu chứng quan trọng có thể giúp bạn nhận biết được sớm cơn tai biến mạch máu não, nếu xảy ra đối với chính bản thân bạn, người thân của bạn hoặc bất kỳ ai mà bạn nhìn thấy.
DẤU HIỆU BÁO TRƯỚC CƠN ĐỘT QUỴ SỚM NHẤT
3 dấu hiệu quan trọng cần nhớ :
Có nhiều dấu hiệu có thể báo trước một cơn đột quỵ, tuy nhiên dưới đây là 3 dấu hiệu quan trọng và dễ nhớ nhất, bạn cần phải nhận biết được nếu xảy ra :
Mặt bị biến dạng :
Mặt mất cân xứng một cách bất thường. Nếu người bệnh có hiện tượng khuôn mặt bị mất cân xứng không bình thường, đặc biệt là thấy miệng bị méo, rãnh mũi môi bị lệch sang một bên v.v… thì bạn nên nghĩ ngay đó là dấu hiệu của một cơn đột quỵ và cần phải có các biện pháp để phòng và cứu chữa.
Tay bị tê liệt :
Khả năng vận động bị đột ngột giảm sút thậm chí đình đốn. Cụ thể là chân tay bị tê mỏi, khó cử động trong khi đó một bên cơ thể bị tê dại.
Nói ngọng đột ngột :
Miệng lưỡi tê cứng, khó phát âm, nói ngọng bất thường
Nếu xuất hiệu 3 dấu hiệu như vậy, bạn phải nghĩ ngay đến nguy cơ đột quỵ và cần khẩn trương gọi xe cấp cứu, đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế sớm nhất.
Ngoài ra, các dấu hiệu khác cũng có thể giúp bạn xác định thêm nguy cơ của một cơn đột quỵ :
Các dấu hiệu khác
Thị lực giảm sút.
Thị lực giảm sút mà cụ thể là mắt mờ, nhìn không rõ v.v… Tuy nhiên trên thực tế thì biểu hiện liên quan đến thị lực thường không rõ rệt nên có thể làm cho người bệnh không nhận ra.
Khả năng nhớ, tư duy và biểu đạt bị rối loạn
Trí nhớ bị rối loạn, nhận thức và suy nghĩ bị khó khăn, có cảm giác mơ hồ, lời nói không rõ, lộn xộn hoặc thậm chí không có nghĩa.
Đau đầu dữ dội
Cơn đau đầu có thể đến nhanh và có thể gây buồn nôn hoặc nôn mửa v.v…
Xin lưu ý là, tùy thể trạng sức khỏe của mỗi người mà dấu hiệu đột quỵ khác nhau.
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp một tình trạng mà y học gọi là “Cơn thiếu máu não thoáng qua” với các triệu chứng giống hệt đột quỵ nhưng chỉ xảy ra trong vòng vài phút (Sẽ nói rõ hơn ở phần dưới).
Cơn thiếu máu não thoáng qua là dấu hiệu cảnh báo tình trạng đột quỵ sắp xuất hiện, có thể là trong vòng vài ngày hoặc một tháng sắp tới. Thế mà, những dấu hiệu đột quỵ như vậy có thể đến và qua đi rất nhanh khiến người bệnh không kịp chú ý và đề phòng.
Do vậy, bạn cần học cách lắng nghe cơ thể, khi thấy các dấu hiệu này xuất hiện cần chủ động đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được kiểm tra.
Việc điều trị đột quỵ phải được tiến hành ngay lập tức và càng nhanh càng tốt. Mỗi phút của cơn đột quỵ kéo dài, mức độ tổn thương của hệ thần kinh càng nghiêm trọng với gần 2 triệu nơ-ron chết mỗi phút. Do đó, xin nhắc lại, nếu bạn thấy có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo đột quỵ nào, hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc các dịch vụ cấp cứu gần nhất.
CÁC LOẠI ĐỘT QUỴ CHÍNH
Có 2 loại đột quỵ thường xảy ra nhất là đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ do xuất huyết, cụ thể :
Loại thứ nhất _ Đột quỵ do thiếu máu cục bộ:
Gây ra bởi tắc nghẽn trong động mạch, chiếm khoảng 85% số trường hợp đột quỵ. Trong số các loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ, hai loại dưới đây là phổ biến nhất:
Đột quỵ do huyết khối:
Tắc nghẽn do hình thành các cục máu đông (hay còn gọi là huyết khối) hoặc do mảng bám của các chất béo tích tụ trong động mạch ở cổ hoặc não.
Đột quỵ do tắc mạch:
Tắc nghẽn bởi các cục máu đông hình thành ở đâu đó trong cơ thể (thường là tim) và di chuyển đến não. Căn nguyên phổ biến thường là nhịp bất thường ở hai buồng phía trên của tim (tức rung tâm nhĩ), có thể làm hình thành cục máu đông.
May mắn thay, các liệu pháp dự phòng có hiệu quả cho tất cả các loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Loại thứ hai _ Đột quỵ do xuất huyết:
Xuất huyết có nghĩa là chảy máu. Loại đột quỵ này được gây ra bởi sự rò rỉ hoặc vết nứt trên một động mạch não hoặc trên bề mặt não. Những vết nứt này có thể là do phình mạch tại một khu vực mỏng và yếu trên thành động mạch, hoặc bởi sự dị dạng của hệ thống mạch máu não. Có khoảng 15% trường hợp đột quỵ là do xuất huyết.
Xuất huyết bên trong các mô não
Xuất huyết có thể xảy ra trong não, tức là chảy máu bên trong các mô não vì nhiều nguyên nhân như do một động mạch não bị vỡ làm máu tràn vào các mô xung quanh, do xuất huyết trong nhu mô tức chảy máu trong mô não, hoặc xuất huyết não thất tức chảy máu trong hệ thống não thất của não.
Xuất huyết dưới nhện
Ngoài ra, xuất huyết cũng có thể xảy ra bên ngoài mô não nhưng vẫn trong hộp sọ mà cụ thể là giữa màng nhện và màng mềm – (là lớp trong cùng mỏng manh của 3 lớp màng não bao quanh não). Do đó dạng xuất huyết này cũng được gọi là “Xuất huyết dưới nhện“.
Ngoài 2 dạng đột quỵ chính nói trên, người bệnh cũng có thể gặp phải loại đột quỵ nữa, có tên gọi là “Cơn thiếu máu não thoáng qua” như vừa nói tới ở trên.
Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA)
Thường gọi là đột quỵ nhỏ, thực chất là những giai đoạn ngắn có triệu chứng của đột quỵ và thường chỉ kéo dài vài phút.
Tuy rằng cơn thiếu máu não thoáng qua được gây ra bởi sự giảm tạm thời dòng máu cung cấp cho một phần của não và không gây ra tác dụng rõ rệt lâu dài. Nhưng dạng đột quỵ nhỏ này được coi là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ cao hơn, và cần phải được xem xét, đánh giá bởi các bác sỹ chuyên ngành.
Vậy, nguy cơ nào gây nên các cơn đột quỵ?
CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY NÊN ĐỘT QUỴ
Trong số các yếu tố nguy cơ có thể gây nên đột quỵ, có những yếu tố không thể thay đổi, hay còn gọi là các yếu tố không thể kiểm soát được, và những yếu tố có thể thay đổi và có thể kiểm soát được, cụ thể như :
Các yếu tố không thể thay đổi :
- Tuổi tác. Độ tuổi nào cũng có nguy cơ đột quỵ, Tuy nhiên, người già có nguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ. Kể từ sau tuổi 55, cứ mỗi 10 năm tăng thêm, nguy cơ bị đột quỵ lại tăng lên gấp đôi.
- Giới tính. Nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nữ giới.
- Tiền sử gia đình. Người có người thân từng bị đột quỵ hoặc mắc các bệnh lý nhồi máu cơ tim, thiếu máu não thoáng qua có nguy cơ đột quỵ cao hơn so với người bình thường.
- Chủng tộc. Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc đột quỵ cao gần gấp đôi so với người da trắng.
Các yếu tố có thể kiểm soát được :
- Tiền sử đột quỵ. Người có tiền sử bị đột quỵ có nguy cơ cao bị đột quỵ tái phát, nhất là trong vòng vài tháng đầu. Nguy cơ này kéo dài khoảng 5 năm và giảm dần theo thời gian.
- Đái tháo đường. Các vấn đề liên quan đến đái tháo đường có khả năng làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Bệnh tim mạch. Người mắc các bệnh lý tim mạch như suy tim, rung tâm nhĩ, nhiễm trùng tim, rối loạn nhịp tim v.v… có khả năng bị đột quỵ cao hơn người bình thường
- Cao huyết áp. Cao huyết áp gây gia tăng sức ép lên thành động mạch, lâu dần khiến thành động mạch bị tổn thương dẫn đến xuất huyết não. Ngoài ra, cao huyết áp còn tạo điều kiện cho các cục máu đông hình thành, cản trở quá trình lưu thông máu lên não. Do đó khám huyết áp cũng là một trong những biện pháp để tìm ra nguyên nhân đột quỵ.
- Mỡ máu. Các loại mỡ máu trong đó có Cholesterol xấu trong máu có hàm lượng cao có thể tích tụ trên thành động mạch, tạo thành vật cản gây tắc nghẽn mạch máu não.
- Thừa cân, béo phì. Người bị thừa cân béo phì rất có thể dễ dàng dẫn đến nhiều bệnh như cao huyết áp, mỡ máu, tim mạch. Tăng nguy cơ bị đột quỵ.
- Hút thuốc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người hút thuốc có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 2 lần so với người không hút. Khói thuốc làm tổn thương thành mạch máu, gia tăng quá trình xơ cứng động mạch. Thuốc lá cũng gây hại cho phổi, khiến tim làm việc nhiều hơn, gây tăng huyết áp. Tin tốt là, nếu bạn dừng hút thuốc ngay hôm nay thì trong vòng hai đến năm năm sau, nguy cơ đột quỵ của bạn sẽ giảm xuống ngang với người chưa bao giờ hút thuốc.
- Lối sống không lành mạnh. Ăn uống không điều độ, không cân bằng đầy đủ các loại dưỡng chất, lười vận động là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.
- Ngoài ra, đột quỵ cũng được cho là có liên quan đến việc sử dụng các chất kích thích như cocain và methamphetamin, uống quá nhiều rượu, bia, sử dụng thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hormon với estrogen v.v…
Và, một người sau khi đã bị đột quỵ mà may mắn cứu sống, hậu quả có thể phải gánh chịu là gì?
HẬU QUẢ SAU ĐỘT QUỴ
Sự phục hồi sau đột quỵ khác nhau ở mỗi người. Có một số người có thể phục hồi hoàn toàn trong khi những người khác có thể bị khuyết tật nhẹ, trung bình hoặc nghiêm trọng.
Hậu quả cụ thể trên một người sống sót sau đột quỵ sẽ phụ thuộc vào vị trí và phạm vi của đột quỵ và việc người đó đã được sơ cứu đúng cách và điều trị nhanh như thế nào. Đột quỵ xảy ra ở bán cầu não trái có thể ảnh hưởng đến giao tiếp và trí nhớ cũng như khả năng vận động ở phần cơ thể bên phải. Đột quỵ xảy ra ở bán cầu não phải có thể ảnh hưởng đến các khả năng không gian và nhận thức, cũng như khả năng vận động ở phần cơ thể bên trái.
Trên thực tế không thể có hai trường hợp nào có tổn thương hoặc khuyết tật giống hệt nhau. Tuy nhiên những hậu quả về thể chất, nhận thức và cảm xúc chung của những người này thường là:
- Tê liệt hoặc yếu: Thường là chỉ xảy ra ở một bên cơ thể, bao gồm cả mặt và miệng. Cụ thể là bệnh nhân có thể bị khó nuốt và có thể bị mất cảm giác về sự tồn tại của bên cơ thể bị ảnh hưởng.
- Giảm thị lực: Bệnh nhân có thể mất khả năng thị giác một cách rõ rệt, có thể có điểm mù hoặc giảm sút tầm nhìn ngoại vi.
- Giảm khả năng hiểu và biểu đạt trong giao tiếp, cụ thể là người bệnh có thể ít hay nhiều mất khả năng nói, hiểu, đọc và viết.
- Rối loạn cảm xúc, mất khả năng kiểm soát cảm xúc. Người bệnh có thể có các biểu hiện vui, buồn, cười hay khóc một cách vô lý và bất kiểm soát. Trên thực tế, những biểu hiện này thường đến và đi nhanh chóng, và có thể giảm dần theo thời gian.
- Trầm cảm. Chứng rối loạn lo âu thường xuất hiện ở người đã bị đột quỵ với sự lo lắng về một cơn đột quỵ tái phát. Đây là chứng bệnh có thể có nguyên nhân sinh lý và tâm lý và đặc biệt năng nề đối với những người quá lo lắng về một cơn đột quỵ có thể xảy ra trong tương lai và lo lắng về những hậu quả xấu nhất v.v… Những trường hợp như vậy, việc sử dụng thuốc là cần thiết để giảm nhẹ những triệu chứng quá lo âu này.
ĐIỀU TRỊ ĐỘT QUỴ NHƯ THẾ NÀO?
Trước hết, chúng ta cùng nhau nói về cách sơ cứu một người bị đột quỵ trước khi nhập viện hoặc trước khi các nhân viên cấp cứu có mặt.
Sơ cứu bệnh nhân đột quỵ
Xin nhắc lại, triệu chứng của một người bị đột quỵ là gương mặt méo xệch, tê liệt một bên chân hoặc tay, nói ngọng hoặc nói ú ớ không rõ tiếng, mắt mờ, đau đầu v.v…
Dưới đây là một số điều lưu ý và cách sơ cứu cụ thể, có thể giúp bệnh nhân một cách hiệu quả nhất :
- Việc đầu tiên mà bạn phải làm là cố gắng đánh giá mức độ tỉnh táo của bệnh nhân để vừa có thể cung cấp thông tin cho nhân viên y tế, vừa có thể trực tiếp can thiệp cứu giúp người bệnh.
- Đặt bệnh nhân vào nơi an toàn, thoải mái nhất để chờ sự hỗ trợ của nhân viên y tế.
- Gọi xe cấp cứu ngay lập tức.
- Trong thời gian chờ đợi các nhân viên y tế, bạn cần phải chăm sóc bệnh nhân phù hợp với tình trạng của họ
- Nếu bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo, hãy đặt họ vào vị trí thoải mái nhất. Bạn cũng có thể đắp cho họ một tấm chăn mỏng hay một vật tương tự để tránh sự mất nhiệt cho bệnh nhân
- Nói chuyện với bệnh nhân một cách bình tĩnh và tích cực. Luôn luôn động viên và trấn an bệnh nhân.
- Thường xuyên kiểm tra xem bệnh nhân còn thở hay không. Nếu họ thở khó, hãy nới lỏng quần áo cho họ, đặc biệt là nên tháo lỏng một số thứ như cà vạt, khăn quàng cổ, thắt lưng v.v…
- Trong thời gian chờ hỗ trợ, cần theo dõi chặt chẽ để kịp thời phát hiện các thay đổi bất thường về tình trạng của người bệnh. Nếu cần thiết, nhất là trong trường hợp bệnh nhân không còn tỉnh táo, hãy đặt họ nằm nghiêng sang một bên, đầu hơi nâng để đề phòng trường hợp họ nôn mửa. Bạn nên nhớ rằng, tư thế nằm nghiêng còn được gọi là tư thế hồi sức cấp cứu. Đây là tư thế nhằm bảo vệ đường thở của bệnh nhân, cũng là lựa chọn tốt nhất trong việc đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
- Ở người bệnh hôn mê, khi nằm ngửa, lưỡi sẽ bị tụt xuống họng, gây cản trở, bít tắc đường thở. Nếu bệnh nhân nôn trong khi đang nằm ngửa và ý thức không hoàn toàn tỉnh táo, sẽ dễ dàng hít phải các chất nôn vào phổi, gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp, rất nguy hiểm. Do đó cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng về một bên để các chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài.
- Trong trường hợp người bệnh bị co giật thì phải lấy chiếc đũa đã được quấn lớp vải để ngáng ngang miệng không cho người bệnh cắn vào lưỡi. Đồng thời phải đảm bảo rằng chiếc đũa này không cản trở các chất nôn thoát ra ngoài.
- Tình trạng xấu là, nếu bệnh nhân ngừng tim thì bạn hãy tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực.
Xin lưu ý, khi thực hiện sơ cứu đột quỵ tại chỗ, tuyệt đối không cho bệnh nhân sử dụng thuốc hay ăn uống bất cứ thứ gì, cũng như không được tự ý can thiệp bằng bất cứ biện pháp điều trị gì nếu bạn không được đào tạo về chuyên môn này. Ngược lại, bạn cần phải ghi lại thời điểm người bệnh khởi phát biểu hiện đột quỵ bất thường và ghi chú lại những loại thuốc mà người bệnh đang dùng hoặc đang mang theo đơn thuốc để cung cấp cho các nhân viên y tế.
Điều trị đột quỵ
Khi đột quỵ xảy ra, nhập viện là cần thiết để xác định nguyên nhân và loại đột quỵ để điều trị hoặc ngăn ngừa các biến chứng tiếp theo. Có thể cần điều trị bằng thuốc cũng như bằng phẫu thuật.
Bạn hãy nhớ rằng, nếu thời gian kéo dài càng lâu thì số lượng tế bào não bị chết càng nhiều! Thế mà các tế bào thần kinh thì không có khả năng sinh mới. Vì vậy, khả năng vận động và tư duy của cơ thể càng bị ảnh hưởng và khó hồi phục, thậm chí có thể tử vong. Do đó, người bị đột quỵ cần phải được cấp cứu y tế, chẩn đoán và điều trị ngay lập tức.
Trong cấp cứu và điều trị đột quỵ, người ta cũng thường có câu “thời gian là não”, có nghĩa là càng kéo dài thời gian thì càng mất não. Trên thực tế, để điều trị đột quỵ nói chung, hiệu quả nhất đối với bệnh nhân là trong vòng 3 giờ đầu tiên. Ngược lại, hy vọng cứu sống sẽ là rất thấp sau 6 giờ bị đột quỵ. Cụ thể như:
- Nếu bệnh nhân được can thiệp y tế kịp thời trong vòng 1-3 giờ đầu, bệnh nhân sẽ có thể hồi phục và trở lại với cuộc sống thường ngày
- Nếu bệnh nhân được can thiệp y tế trong vòng 4-6 giờ tiếp theo, bệnh nhân vẫn còn có cơ hội được sống nhưng có thể có nhiều di chứng nặng nề
- và, nếu bệnh nhân được nhập viện quá muộn, chỉ được can thiệp y tế sau 6 giờ, tỷ lệ sống sót là rất thấp.
Do đó, “Thời gian vàng trong cấp cứu và điều trị đột quỵ” là thực sự quý giá mà người bệnh cần được thăm khám, chẩn đoán và điều trị nhanh nhất mà không được bỏ lỡ, tránh để bị tổn thương não nặng, hiệu quả can thiệp kém dẫn đến tai biến sau can thiệp cao.
Một khi tình trạng của người sống sót sau đột quỵ đã ổn định và các tế bào thần kinh không tiếp tục bị chết do thiếu máu nuôi, thì giai đoạn phục hồi chức năng bắt đầu.
Bạn cần biết rằng, phục hồi chức năng không chữa khỏi được đột quỵ. Mà thay vào đó, nó tập trung vào việc giảm thiểu tổn thương vĩnh viễn và tăng cường thích nghi với một cơ thể đã bị tổn thương nhiều hoặc ít.
Phục hồi chức năng có thể bao gồm việc tập luyện tích cực với các lĩnh vực khác nhau bao gồm chuyển động, thăng bằng, nhận thức về không gian và cơ thể, ngôn ngữ và các phương pháp mới về thích nghi tâm lý và cảm xúc, đồng thời với việc kiểm soát hệ tiêu hóa / bài tiết v.v…
Chương trình phục hồi chức năng sau đột quỵ như vậy bao gồm các nỗ lực phối hợp của nhiều chuyên gia y tế.
Có tới 80% trường hợp sống sót sau đột quỵ với sự thiếu hụt về thể chất, nhận thức và ngôn ngữ có thể được giúp đỡ thông qua phục hồi chức năng. Đây là một quá trình điều trị lâu dài và tốn kém, đòi hỏi sự cố gắng, kiên trì của bản thân và gia đình, đồng thời cần có sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng thông qua các hình thức bảo hiểm, trợ cấp xã hội hay các nguồn lực cộng đồng khác v.v…
Vậy, chúng ta có thể phòng tránh đột quỵ được không và phòng tránh như thế nào?
PHÒNG TRÁNH ĐỘT QUỴ
Kiểm soát các yếu tố có thể kiểm soát
Để phòng tránh đột quỵ, điều quan trọng chúng ta có thể làm và phải làm là kiểm soát các yếu tố có thể kiểm soát, cụ thể như :
- Phát hiện và điều trị bệnh tiểu đường sớm nhất. Điều trị và kiểm soát biến chứng của bệnh tiểu đường hiệu quả.
- Phát hiện các dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh tim mạch, đề phòng và chữa trị kịp thời các bệnh tim mạch
- Phát hiện và kiểm soát tốt các tình trạng mỡ máu cao, huyết áp cao v.v…
- Uống nhiều nước lọc, nước trái cây.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh với các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe nói chung và đặc biệt là có lợi cho hệ tim mạch nói riêng. Đồng thời tránh các món ăn, thực phẩm có hại, có thể làm cho tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.
Nên ăn nhiều các loại thực phẩm có lợi cho hệ tim mạch
Một số loại thực phẩm đặc biệt quý cho hệ tim mạch, phòng tránh đột quỵ :
- Thực phẩm giàu Omega-3 như cá hồi, cá ngừ, cá thu.
- Đậu lăng, rau có màu sẫm, măng tây, bông cải, các loại hạt, củ cải… giàu folate.
- Thực phẩm giúp giảm Cholesterol xấu như yến mạch, đậu nành, hạnh nhân.
- Thực phẩm giàu magie như ngũ cốc, chuối, quả bơ, các loại đậu, rong biển, mâm xôi…
Nên tránh tiêu thụ một số thực phẩm có hại cho hệ tim mạch:
- Thức ăn đóng hộp và chế biến sẵn.
- Các món ăn quá mặn như cà muối, dưa muối v.v… Càng nạp muối nhiều vào cơ thể thì càng dễ khiến huyết áp tăng cao.
- Hạn chế ăn thịt mỡ và các loại sữa béo vì chúng có nhiều chất béo bão hòa, không có lợi cho sức khỏe tim mạch.
- Không ăn nhiều lòng đỏ trứng và các thực phẩm chứa nhiều cholesterol như: bơ thực vật, tôm, khoai tây chiên, gan động vật, phô mai…
- Hạn chế hoặc bỏ bia rượu, thuốc lá để ngăn chặn quá trình xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ tái phát đột quỵ.
Thay đổi lối sống để phòng tránh đột quỵ
Ngoài các biện pháp đã nêu ở trên, một việc không thể thiếu mà nếu bỏ qua sẽ khó có thể phòng ngừa đột quỵ thành công cho dù những biện pháp nói trên bạn có làm tốt đến mức độ nào, đó chính là thay đổi lối sống. Cụ thể, bạn phải :
- Biết cân bằng giữa làm việc với nghỉ ngơi;
- Biết kiểm soát và chế ngự cảm xúc tiêu cực, giảm bớt nóng giận và giảm bớt stress;
- Biết đảm bảo nhịp sinh hoạt hợp lý và khoa học, không tắm đêm, không thức quá khuya v.v…
- Biết giữ gìn sức khỏe, giữ ấm cơ thể, nhất là trong thời điểm giao mùa.
- và, tập thể dục hằng ngày với nội dung tập và thời lượng thích hợp
Khám bệnh đều đặn
Cuối cùng, bạn phải đều đặn khám sức khỏe định kỳ. Tùy tình trạng thể chất mà có thể tiến hành khám 6 tháng / 1 lần hoặc khám hàng năm để tầm soát bệnh kịp thời (tim mạch, tiểu đường…). Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm nhất nguy cơ đột quỵ và các bệnh lý tiềm ẩn. Từ đó, bác sĩ sẽ có các biện pháp can thiệp chủ động để điều trị và hướng dẫn phòng ngừa bệnh hiệu quả.