Life 69 _ Protein in Urine _ Proteinuria _ Prevent and Treat
0 0
Read Time:9 Minute, 34 Second

PROTEIN NIỆU – ĐẠM NIỆU

Protein niệu là gì ?

Bình thường, protein di chuyển trong máu và chỉ một lượng rất nhỏ được lọc qua thận vào nước tiểu. Vì hầu hết các phân tử protein có kích thước lớn hơn lỗ lọc ở cầu thận, do đó trong nước tiểu không có hoặc có rất ít protein.

Thế nhưng, đôi khi do một số nguyên nhân như lao động quá sức, tập thể dục quá mức hoặc cơ thể đang có bệnh mà lượng protein trong nước tiểu có thể tạm thời tăng lên.

Đến khi cơ thể hết mệt nhọc hoặc khỏi bệnh, hiện tượng protein trong nước tiểu nói trên sẽ chấm dứt và nước tiểu trở lại bình thường, không có hoặc có rất ít protein.

Tuy nhiên, khi hàm lượng protein luôn luôn ở mức cao liên tục thì rất có thể đây là dấu hiệu của bệnh thận và tình trạng đó được gọi là protein niệu, hay còn được gọi là đạm niệu.

Việc protein xuất hiện trong nước tiểu là một dấu hiệu quan trọng cảnh báo tình trạng thận bị tổn thương cùng với các vấn đề nguy hiểm của thận có thể xảy ra.

Làm thế nào để nhận biết tình trạng protein niệu?

Thông thường, người bệnh protein niệu không có triệu chứng gì đáng chú ý. Bệnh protein niệu thường được phát hiện trong các quá trình xét nghiệm nước tiểu thường kỳ.

Và, khi nguyên nhân gây protein niệu tiến triển nặng thêm khiến hàm lượng protein trong nước tiểu tăng cao, người bệnh có thể nhận thấy các dấu hiệu và triệu chứng như :

  • Đi tiểu nhiều lần
  • Đi tiểu có nhiều bọt
  • Nước tiểu có máu
  • Mệt mỏi, thở nông
  • Buồn nôn và có thể nôn
  • Sưng mặt, bụng, bàn chân, cổ chân
  • Sưng húp quanh mắt, nhất là vào buổi sáng
  • Chán ăn
  • Chuột rút vào ban đêm
  • v.v…

Nếu hàm lượng protein trong nước tiểu quá cao thì có thể là bệnh tình đã là nghiêm trọng, người bệnh có thể đã mắc phải hội chứng thận hư. Khi đó, nước bị tích tụ trong cơ thể gây phù cổ chân, ngón tay, mặt, xung quanh mắt… Và nếu nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể có các triệu chứng như phù chân và lưng, phình bụng và khó thở.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng khác nữa mà ở đây còn chưa đề cập hết. Do đó, nếu bạn có những triệu chứng nghi ngờ thận đang gặp vấn đề, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời.

KHI NÀO CẦN PHẢI ĐI XÉT NGHIỆM PROTEIN NIỆU?

Bạn nên đi xét nghiệm protein niệu khi có một hoặc một số trường hợp sau:

  • Có bệnh về thận, chức năng thận giảm sút
  • Bệnh tăng huyết áp
  • Bệnh tiểu đường
  • Các bệnh lý về tim mạch, chẳng hạn bệnh mạch vành, suy tim…
  • Các bệnh lý lupus ban đỏ hệ thống
  • Có người nhà bị bệnh thận
  • Có máu trong nước tiểu
  • Và, có thai

XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN BỆNH PROTEIN NIỆU

Việc chẩn đoán bệnh protein niệu có thể dựa trên các xét nghiệm nước tiểu định tính và định lượng protein niệu 24 giờ. Tôi xin nói qua để bạn có thể hình dung một số phương pháp xét nghiệm chẩn đoán phổ biến nhất hiện nay:

Phương pháp định tính

Định tính bằng phương pháp đốt nước tiểu : Đựng nước tiểu trong một ống nghiệm và đốt trên ngọn đèn cồn, protein trong nước tiểu sẽ đông vón ở nhiệt độ cao, làm vẩn đục nước tiểu và được nhận ra bằng mắt thường.

Định tính bằng phương pháp làm lạnh bằng acid sulfosalicylic : Cũng do protein có tính chất đông vón trong môi trường acid, do đó người ta có thể nhỏ acid sulfosalicylic 3% vào nước tiểu và quan sát sự đông vón của protein trong đó để phát hiện ra bệnh protein niệu.

Phương pháp bán định lượng

Đây là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt đáp ứng nhu cầu sàng lọc bệnh thận trong cộng đồng.
Các que thử này được tẩm Tétra bromophénol citraté (pH3), màu bị biến đổi khi có protein trong nước tiểu. Phản ứng này phát hiện protein với lượng ít nhất là 150 – 200 mg/l.

Và, dựa vào mức độ thay đổi màu sắc của que thử khi so sánh với bảng màu chuẩn mà có thể nhận biết được mức độ tồn tại của protein trong nước tiểu.

Phương pháp định lượng

Đây là phương pháp cho ra kết quả chính xác nhất, tất nhiên không chỉ là định tính có hay không protein trong nước tiểu mà còn định lượng protein trong đó với các con số cụ thể, chính xác.

Các nhân viên y tế sẽ hướng dẫn người bệnh lấy nước tiểu 24h. Sau khi lấy xong nước tiểu, người bệnh sẽ mang đến cơ sở y tế để nhân viên y tế thực hiện định lượng Protein nước tiểu. Phương pháp này giúp định lượng chính xác lượng protein nước tiểu trong 24h qua đó giúp cho bác sĩ có định hướng chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.

Phương pháp điện di protein niệu :

Những phương pháp kể trên chỉ có thể chỉ ra rằng có hay không và có nhiều hay ít protein trong nước tiểu để biết được tình trạng bệnh protein niệu nặng hay nhẹ.

Tuy nhiên, phương pháp điện di protein niệu còn có thể giúp xác định được các thành phần của protein trong nước tiểu, qua đó mà biết được nguyên nhân gây bệnh, vị trí tổn thương và chức năng của thận giúp bác sĩ xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp.

Phương pháp định lượng micro albumin niệu bằng kỹ thuật miễn dịch phóng xạ :

Đây là phương pháp sử dụng kỹ thuật định lượng phóng xạ miễn dịch -Micro Albumin, dựa trên nguyên lý định lượng miễn dịch phóng xạ cạnh tranh, cho phép định lượng invitro Micro Albumin trong nước tiểu người.

Phương pháp sinh thiết thận :

Đôi khi bác sĩ phải thực hiện sinh thiết thận, tức là lấy một phần mô thận rất nhỏ để soi dưới kính hiển vi nhằm tìm kiếm nguyên nhân gây ra protein niệu.

Sinh thiết thận được thực hiện khi dữ liệu lâm sàng và các xét nghiệm khác không đủ để xác định bản chất của bệnh. Các kết quả của sinh thiết thận là tiêu chuẩn để phát hiện các tổn thương thận giúp bác sĩ đánh giá kết quả và đưa ra chẩn đoán chính xác và tối ưu hóa việc điều trị.

NGUYÊN NHÂN GÂY RA PROTEIN NIỆU

Bệnh protein niệu có thể bị gây nên bởi nhiều nguyên nhân, có những nguyên nhân không gây tổn thương cho thận và cũng có những nguyên nhân do thận đã bị tổn thương bởi các loại bệnh lý khác nhau.

Những nguyên nhân gây ra protein niệu nhưng không gây tổn thương thận :

Các nguyên nhân như lao động quá sức, tập thể dục quá mức, do tư thế (mức độ protein trong nước tiểu tăng lên khi đứng thẳng), do tiếp xúc với môi trường lạnh khắc nghiệt, sốt, tình trạng tinh thần căng thẳng v.v… có thể gây nên bệnh protein niệu lành tính. Khi đó, bệnh thường xuất hiện đơn độc, không đi kèm với các triệu chứng khác như tăng huyết áp, hồng cầu niệu v.v…

Dù vậy, nếu ở trong trường hợp này, bạn cũng cần phải theo dõi chặt chẽ và đi khám lại ngay nếu có các dấu hiệu bất thường.

Những nguyên nhân có thể gây ra protein liên quan đến bệnh thận :

  • Các bệnh lý của thận, như hội chứng thận hư, viêm cầu thận, nhiễm trùng thận v.v…
  • Bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, viêm màng ngoài tim.
  • Hội chứng Goodpasture – một hội chứng tự miễn dịch xuất huyết phế nang và bệnh viêm cầu thận gây ra bởi việc lưu thông các kháng thể kháng màng đáy cầu thận (anti GBM).
  • Bệnh Amyloidosis – một bệnh hiếm gặp xảy ra do tình trạng tích tụ một chất có tên amyloid trong các cơ quan. Amyloid là một protein bất thường, được tổng hợp trong tủy xương và có thể lắng đọng trong bất kì mô hoặc cơ quan nào.
  • Bệnh U hạt (hay còn gọi là bệnh Sarcoidosis) là tình trạng tăng trưởng quá mức của các tế bào viêm ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, dẫn đến các bệnh viêm cơ quan – thường gặp nhất là ở phổi, hạch bạch huyết, mắt và da.
  • Bệnh lý viêm khớp dạng thấp, lupus.
  • Các bệnh lý về máu chẳng hạn đa u tủy xương, các bệnh lý ung thư…
  • Rối loạn hệ thống miễn dịch v.v…

NHỮNG YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY NÊN BỆNH PROTEIN NIỆU :

Trước hết xin nói rằng, protein niệu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính, chủng tộc.
Tuy nhiên, các yếu tố sau đây cũng có thể làm tăng khả năng mắc bệnh protein niệu :

  • Các loại bệnh lý như đã nói ở phần nguyên nhân nói trên
  • Tuổi cao. Tuổi trên 65 đặc biệt có nguy cơ cao mắc bệnh protein niệu
  • Tiền sử gia đình có bệnh thận
  • Mang thai, tiền sản giật
  • Bị chấn thương
  • Bị nhiễm độc
  • Nhiễm trùng
  • Sử dụng kéo dài một số loại thuốc như NSAID (ibuprofen, naproxen, diclofenac, celecoxib, mefenamic acid, etoricoxib
  • indomethacin, high-dose aspirin …)

ĐIỀU TRỊ CHỨNG BỆNH PROTEIN NIỆU

Protein niệu không phải là một căn bệnh cụ thể. Vì vậy, việc điều trị sẽ phụ thuộc vào việc xác định và điều trị các nguyên nhân. Việc xác định đúng nguyên nhân sẽ giúp các bác sĩ định hướng và điều trị đúng và có hiệu quả nhất.

  • Protein niệu ở mức độ nhẹ thì tuy chưa cần phải điều trị, nhưng vẫn cần khám và theo dõi định kỳ, thường xuyên.
  • Protein do các bệnh thận thì cần điều trị tích cực để tránh tình trạng suy thận mạn tính.
  • Các trường hợp protein niệu gây nên bởi các bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường v.v… cần có các biện pháp điều trị phù hợp để ngăn chặn tổn thương thận khiến tình trạng protein niệu xảy ra.

Có hai loại thuốc thường được dùng cho những trường hợp tiểu đường và huyết áp cao bạn có thể tham khảo, là:

  • Các chất ức chế men chuyển (“angiotensin-converting enzyme”), có tác dụng chống lại sự co thắt mạch máu và tăng huyết áp. Hầu hết tên gọi của các thuốc thuộc nhóm này đều kết thúc bằng đuôi “pril”, như captopril, enalapril,…
  • Các thuốc chẹn thụ thể angiotensin – có tác dụng chống hiện tượng co mạch làm thu hẹp các mạch máu trong cơ thể, gây tăng huyết áp. Các thuốc chẹn thụ thể angiotensin thường được dùng là Losartan, Telmisartan, Irbesartan, Valsartan, Olmesartan, Candesartan, Azilsartan,…

CÓ PHÒNG NGỪA ĐƯỢC BỆNH PROTEIN NIỆU KHÔNG?

Rất không đơn giản và dễ dàng chỉ bằng một vài biện pháp hay thủ thuật nhỏ nào đó mà có thể chắc chắn ngăn chặn được protein niệu.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Chắng hạn một số biện pháp quan trọng sau đây :

  • Thực hiện ăn nhạt, giảm lượng muối trong chế độ ăn uống mỗi ngày
  • Luôn luôn uống đủ nước cần thiết cho cơ thể
  • Kiểm soát chế độ ăn uống thích hợp, trong đó đặc biệt ăn ít dầu mỡ và đặc biệt là các chất béo bão hòa, chất béo từ mỡ động vật và chất béo chuyển hóa.
  • Tập thể dục siêng năng và đều đặn với các bộ môn thích hợp với tình trạng thể chất của mỗi người
  • Và, cần đi khám sức khỏe định kỳ và thường xuyên để phát hiện bệnh và có biện pháp điều trị tốt nhất.
https://youtu.be/aFsT5AVlz_0

About Post Author

Maître VIKUDO

Docteur en Physiopathologie
Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Acupoint DU25 _ Huyệt Tố liêu _ Đốc mạch Previous post Huyệt Tố liêu _ Đốc mạch _ Acupoint DU25
Huyệt Dũng tuyền _ VIKUDO _ ACUVI Next post Huyệt Dũng tuyền – Kinh Túc thiếu âm thận Acupoint KI1

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *