Life 53 _ Kidney stones
0 0
Read Time:17 Minute, 7 Second

SỎI THẬN

Sỏi thận (còn gọi là sỏi niệu) là những chất cặn cứng được tạo thành từ các khoáng chất và muối hình thành bên trong thận hoặc niệu quản, tức ống dẫn kết nối thận với bàng quang.

Sỏi thận là nguyên nhân nhập viện phổ biến ở Bắc Mỹ. Người ta ước tính có khoảng 10% người dân trên lục địa này bị sỏi thận ít nhất một lần trong đời và dễ bị sỏi nhất khi họ ở độ tuổi từ 20 đến 50.

Theo thống kê, tỷ lệ nam giới bị sỏi thận nhiều gấp 3 lần nữ giới. Và, bệnh có nguy cơ tái phát ở những người đã từng mắc sỏi thận trước đó.

Sỏi thận có thể xảy ra ở trên bất kỳ vị trí nào kể từ thận, qua đường tiết niệu rồi đến bàng quang. Thông thường, sỏi hình thành khi nước tiểu trở nên cô đặc và nồng độ chất khoáng trong thận tăng cao rồi kết tinh và kết dính với nhau thành các hạt nhỏ, khối lượng các hạt này sẽ tăng lên và rắn chắc theo thời gian rồi hình thành sỏi thận.

Trên thực tế, kích thước của các viên sỏi có thể rất nhỏ và dễ dàng được bài tiết ra khỏi cơ thể theo nước tiểu mà không gây đau đớn, nhưng cũng có thể to tới vài cm và sẽ khiến bệnh nhân rất đau đớn do khi viên sỏi di chuyển xuống niệu quản, bàng quang và cũng do vậy mà dễ gây tổn thương đường tiết niệu. Trong trường hợp sỏi thận bị kẹt lại gây tắc nghẽn, ảnh hưởng trực tiếp tới các dây thần kinh thận và gây đau đớn cho bệnh nhân. Nhiều trường hợp tắc ống dẫn nước tiểu làm cho nước tiểu đọng ứ gây viêm nhiễm. Sỏi thận chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thận.

Tuy nhiên, mặc dù là việc vượt qua sỏi thận có thể khá đau đớn, nhưng may mắn là sỏi thường không gây tổn thương vĩnh viễn nếu chúng được phát hiện kịp thời. Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh mà có thể chỉ cần uống thuốc giảm đau và uống nhiều nước để thải sỏi thận. Chỉ trong các trường hợp đặc biệt – ví dụ, nếu sỏi bị mắc kẹt trong đường tiết niệu, có liên quan đến nhiễm trùng tiết niệu hoặc gây ra các biến chứng – mới có thể cần phải phẫu thuật

CÁC LOẠI SỎI THẬN

Biết loại sỏi thận mà bạn mắc phải có thể giúp xác định nguyên nhân của nó và đương nhiên có thể có thêm các cách giảm nguy cơ tái mắc bệnh sỏi thận. Do đó trên thực tế, nếu bạn đi tiểu ra sỏi mà nếu có thể, hãy thu lại một vài viên sỏi của bạn để cung cấp cho bác sĩ để phân tích.

Dựa vào thành phần của sỏi, sỏi thận được phân loại thành 6 loại thường gặp là sỏi canxi, oxalat, phosphat, acid uric, struvit, cystin. Mỗi loại có nguyên nhân hình thành và phương pháp điều trị khác nhau.

Sỏi canxi

Sỏi canxi là loại thường gặp nhất trong các loại sỏi. Sỏi canxi có khả năng tái phát cao và thường gặp ở nam giới từ 20 – 30 tuổi. Nguyên nhân chính là do tình trạng nước tiểu quá bão hòa về muối canxi do tăng hấp thu canxi ở ruột hoặc tăng tái hấp thu canxi ở ống thận, làm tăng nồng độ canxi trong nước tiểu, tăng nguy cơ gây sỏi thận.

Sỏi oxalat.

Đây là loại sỏi chiếm tỷ lệ cao ở các nước nhiệt đới. Khi nước tiểu bão hòa về oxalate thì đương nhiên sẽ có quá nhiều oxalate trong thận và do đó có thể dẫn đến bệnh sỏi thận. Oxalat thường kết hợp với canxi để tạo thành sỏi oxalat calci.

Sỏi phosphat

Loại sỏi phosphat thường gặp là loại amoni-magné-phosphat. Loại sỏi này có kích thước lớn, hình san hô, cản quang. Sỏi hình thành do hậu quả của sự nhiễm khuẩn trên hệ niệu, đặc biệt là do vi khuẩn proteus.

Sỏi acid uric

Sỏi acid uric thường gặp ở nam giới. Sự tăng nồng độ uric trong máu, ngoài việc lắng đọng ở các tổ chức sụn, túi nhầy, da cơ… thì nồng độ uric tại thận cũng tăng cao. Lắng đọng uric trong thận là nguyên nhân chính gây nên sỏi uric, hay gặp ở bệnh nhân gout (hệ quả của rối loạn chuyển hóa acid nucleic).

Sỏi struvit

Sỏi struvit thường gặp ở phụ nữ bị viêm đường tiết niệu. Sỏi struvit hình thành do nhiễm khuẩn lâu dài đường niệu. Những viên sỏi này có thể phát triển nhanh chóng và trở nên có kích thước lớn và dễ gây tắc đường tiết niệu. Tuy nhiên nó thường có ít triệu chứng hoặc ít cảnh báo

Sỏi cystin.

Sỏi cystin là loại tương đối hiếm gặp. Sỏi hình thành do cystin bị đào thải nhiều qua thận nhưng ít hòa tan nên dễ đọng lại. Sỏi này thường do bẩm sinh rối loạn vận chuyển tái hấp thu cystin ở ống thận và niêm mạc ruột.

TRIỆU CHỨNG BỆNH SỎI THẬN

Trong khi mà các viên sỏi đang được hình thành trong thận cũng như trong toàn bộ hệ thống tiết niệu thì hầu như không gây ra các triệu chứng. Chỉ đến khi các viên sỏi di chuyển trong thận hoặc đi vào niệu quản (tức ống nối thận với bàng quang) thì mới bắt đầu gây chuyện.

Nếu nó bị mắc kẹt trong niệu quản thì nó có thể chặn dòng chảy của nước tiểu và làm cho thận sưng lên và niệu quản co thắt gây đau đớn. Và, tại thời điểm này sẽ xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Đau dữ dội, đau nhói ở thắt lưng và bên lưng, dưới xương sườn, đau lan xuống bụng dưới và bẹn và đau theo từng đợt, lúc đau nhiều, lúc đau ít. Cơn đau quặn thận diễn ra từng cơn và tiến triển thành các cơn đau kéo dài vài phút mỗi cơn và thường xuất hiện nhiều nhất vào sáng sớm hoặc đêm khuya, khi người bệnh đang nghỉ ngơi trong tư thế nằm hoặc ngồi. Niệu quản là đường dẫn nước tiểu từ thận tới bàng quang. Khi sỏi được hình thành ở đây sẽ gây ra sự cọ xát hoặc tắc ứ nước tiểu dẫn tới triệu chứng đau ở lưng, đau có thể lan ra phía bụng dưới, mạn sườn và bắp đùi.
  • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu, tiểu rắt, tiểu són. Khi sỏi bị tắc ở niệu quản hay bàng quang, người bệnh sẽ có cảm giác buồn đi tiểu và rất hay đi tiểu nhưng lượng nước tiểu lại rất ít. Điều này khiến cho cơ thể cảm thấy bị mệt mỏi. Đặc biệt khi sỏi ở niệu quản và gây tắc, nước tiểu không xuống được bàng quang và ứ tại thận gây ra những cơn đau quặn thận. Khi sỏi di chuyển từ niệu quản tới bàng quang hoặc từ bàng quang tới niệu đạo (tức đoạn cuối cùng trước khi tống nước tiểu ra ngoài) sẽ gây đau thậm chí đau buốt khi đi tiểu.
  • Tiểu ra máu, nước tiểu màu hồng, đỏ hoặc nâu, nước tiểu đục hoặc có mùi hôi. Tiểu ra máu do sự cọ xát của viên sỏi khi di chuyển tới những chỗ bị tổn thương. Đây được xem như triệu chứng hay gặp của bệnh sỏi thận. Tuy nhiên, tùy vào những tổn thương mà biểu hiện tiểu ra máu có thể nhìn thấy được bằng mắt thường hoặc phải quan sát trên kính hiển vi mới thấy được.
  • Cảm giác buồn nôn và nôn. Thận và ruột có liên quan với nhau qua các dây thần kinh. Khi bị sỏi thận có thể gây ra những ảnh hưởng tới đường tiêu hóa và khiến người bệnh bị buồn nôn và thậm chí là nôn.
  • Sốt và ớn lạnh nếu bị nhiễm trùng. Bệnh sỏi thận rất dễ dẫn tới nhiễm trùng đường tiết niệu. Bởi, khi sỏi di chuyển gây ra những tổn thương hoặc sỏi gây tắc, nước tiểu không thể tống được ra ngoài. Tất cả những điều này sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng ngược dòng. Tức là nếu dòng nước tiểu bị cản trở, thận có thể bị xâm hại nhanh chóng mà một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng được gọi là viêm bể thận rất dễ xảy ra trong tình trạng này.

Bạn phải hẹn gặp bác sĩ hoặc đến bệnh viện càng sớm càng tốt nếu :

  • Bạn bị đau dữ dội ở vùng bụng dưới, vùng thắt lưng hoặc đau xuống tinh hoàn đối với nam giới
  • Đau bụng kèm theo buồn nôn và nôn
  • Đau bụng kèm theo sốt và ớn lạnh
  • Khó đi tiểu hoặc có máu trong nước tiểu

NGUYÊN NHÂN VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ

Sỏi thận thường không có nguyên nhân xác định, đơn lẻ, mặc dù một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Chế độ ăn uống, trọng lượng cơ thể dư thừa, một số điều kiện y tế và một số chất bổ sung và thuốc là một trong nhiều nguyên nhân gây ra sỏi thận.

Trong quá trình hoạt động, thay vì thải các chất độc hòa tan và nước tiểu ra ngoài thì lại để lắng đọng lại và tạo thành các viên sỏi trong thận. Với chức năng là cơ quan giữ cân bằng nước cho cơ thể đồng thời loại bỏ và đào thải các chất độc hại cho cơ thể qua đường nước tiểu, khi bị sỏi thận, chức năng đó không được thực hiện hiệu quả. Tùy từng thời gian, vị trí và độ lắng đọng mà các viên sỏi có kích thước khác nhau.

Dưới đây là một số nguyên nhân cũng như một số nguy cơ cụ thể có thể gây ra sỏi thận như sau:

Gia đình hoặc tiền sử cá nhân.

Nếu ai đó trong gia đình bạn từng bị sỏi thận, bạn cũng có nhiều khả năng bị sỏi. Tức là, khi gia đình có người mang gen này, mọi người trong nhà sẽ có nguy cơ cao bị sỏi thận. Chẳng hạn đối với loại sỏi cystine, chúng được hình thành ở những người mắc chứng rối loạn di truyền được gọi là cystinuria khiến thận bài tiết quá nhiều một loại axit amin cụ thể nào đó. Hay, một số yếu tố di truyền cũng có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi acid uric. Mặt khác, nếu bạn đã từng có một hoặc nhiều viên sỏi thận, bạn sẽ có nhiều nguy cơ phát triển những viên sỏi khác.

Cơ thể thiếu nước

Việc không uống đủ nước mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Bởi uống nước không đủ dẫn đến tình trạng nước tiểu bị cô đặc, nồng độ các tinh thể bão hòa trong nước tiểu.

Những người sống ở vùng khí hậu khô, ấm và những người đổ mồ hôi nhiều thì thường đi tiểu ít và, có thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.

Chế độ ăn uống chưa khoa học, sử dụng nhiều oxalate, một chế độ ăn kiêng nhất định nào đó.

Ăn một chế độ ăn giàu protein, ăn mặn, ăn nhiều dầu mỡ và nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại sỏi thận. Điều này đặc biệt đúng với chế độ ăn nhiều natri tức ăn mặn. Quá nhiều muối trong chế độ ăn uống của bạn sẽ làm tăng lượng canxi mà thận của bạn phải lọc và làm tăng đáng kể nguy cơ bị sỏi thận.

Trong đó, dạng canxi oxalat là một chất được tạo ra hàng ngày bởi gan trong quá trình trao đổi glyco hoặc được hấp thụ từ chế độ ăn uống quá mặn hoặc có hàm lượng oxalat cao chẳng hạn các loại thực phẩm như hạnh nhân, hạt điều, đậu phụng cũng như các loại đậu; các loại trái cây như các loại quả mọng, kiwi, nho tím; các loại rau như đậu bắp, tỏi tây, rau bina, củ cải … rồi các loại socola, cacao, trà v.v… cũng chứa hàm lượng oxalat cao.

Sử dụng thuốc tùy tiện và tự kê đơn, sử dụng thuốc bừa bãi không theo chỉ dẫn của bác sĩ

Những việc làm đó sẽ có thể dẫn tới bệnh sỏi thận. Theo thống kê của các chuyên gia tại Anh quốc cho thấy, việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận. Một số nhóm kháng sinh thường được nhắc tới như: Cephalosporin, Penicillin

Việc sử dụng lâu dài một số loại thuốc dù có chỉ định của bác sĩ đối với các trường hợp cần thiết cũng có thể gây sỏi thận. Chẳng hạn như acetazolamide (Diamox), thuốc lợi tiểu quai, Glucocorticoids, Theophyline, Vitamin DC là những tác nhân thúc đẩy quá trình hình thành sỏi canxi. Thuốc lợi tiểu nhóm Thiazides, Salicylate, Probenecid, Allopurinol là những tác nhân thúc đẩy quá trình hình thành tạo sỏi axit uric. Khi dùng thuốc như Triamterine, Acyclovir, Indinavir các thuốc này sẽ lắng đọng lên sỏi đã hình thành và làm sỏi phát triển nhanh và to hơn.

Ngoài ra, việc sử dụng quá mức một số loại thực phẩm chức năng, thuốc nhuận tràng, thuốc kháng axit dựa trên canxi, và một số loại thuốc được sử dụng để điều trị trầm cảm hay điều trị chứng đau nửa đầu hoặc co giật, chẳng hạn như topiramate (Topamax, Trokendi XR, Qudexy XR) v.v… cũng có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận

Người có các bệnh tiêu hóa và phẫu thuật.

Người đã từng trải qua phẫu thuật hoặc sử dụng một số loại thuốc có nguy cơ cao bị sỏi thận. Phẫu thuật cắt dạ dày, bệnh viêm ruột hoặc tiêu chảy mãn tính có thể gây ra những thay đổi trong quá trình tiêu hóa ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi và nước, làm tăng lượng chất tạo sỏi trong nước tiểu của người bệnh.

Người có các tình trạng y tế khác

  • Những tình trạng như bệnh nhân bị phì đại tiền liệt tuyến, u xơ, túi thừa trong bàng quang làm cho nước tiểu bị đọng lại ở khe kẽ. Người bị nhiễm toan ống thận, cystin niệu, cường cận giáp hoặc bệnh lý giàu hormon tuyến cận giáp, bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu lặp đi lặp lại, hay bệnh viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn, các bệnh lý về ruột giảm vi khuẩn ruột có tên khoa học là Oxalobacter formigenes làm tăng hấp thu oxalat ở ruột cũng góp phần làm nên sỏi thận; rồi bệnh có tên là bệnh Dent (MD) – một chứng rối loạn di truyền làm tổn thương thận; bệnh tiểu đường, béo phì v.v… và rồi, phẫu thuật nối ruột và một số bệnh rối loạn chuyển hóa cũng có thể làm tăng nồng độ canxi hoặc oxalat trong nước tiểu.
  • Người có dị dạng bẩm sinh hoặc do nước tiểu không thể thoát ra bị tích trữ lại lâu dần tạo thành sỏi.
  • Người nằm một chỗ một thời gian dài.
  • Người béo phì. Chỉ số khối cơ thể (BMI) cao, vòng eo lớn và tăng cân có liên quan đến việc tăng nguy cơ sỏi thận.
  • Người bị mất ngủ kéo dài. Mô thận bị tổn thương có khả năng tự tái tạo khi cơ thể chìm vào giấc ngủ. Do đó, nếu người bệnh bị mất ngủ kéo dài thì chức năng này sẽ không được thực hiện, càng để lâu thì nguy cơ dẫn tới sỏi thận càng tăng.

Người thường xuyên nhịn ăn sáng.

Dịch mật đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa thức ăn. Đặc biệt vào buổi sáng, cơ thể cần nhiều năng lượng sau 1 đêm ngủ dài. Tuy nhiên, việc nhịn ăn sáng khiến dịch mật không được phóng thích để tiêu hóa thức ăn mà bị tích tụ trong túi mật và đường ruột làm lượng cholesterol và canxi tăng cao, nguyên nhân trực tiếp không chỉ gây sỏi mật mà cả sỏi thận. Trên thực tế, những người mắc sỏi mật thì có nguy cơ cao bị sỏi thận và ngược lại, nguyên nhân do cả hai bệnh đều có chung cơ chế là sự rối loạn chuyển hóa các chất.

Và, người hay có thói quen nhịn tiểu.

Việc nhịn tiểu thường xuyên khiến các chất khoáng không được đào thải mà dẫn đến sự lắng đọng. Khi lượng calci tích tụ lại đủ lớn sẽ hình thành sỏi thận.

PHÒNG NGỪA BỆNH SỎI THẬN

Trước khi nói đến chuyện phải gặp bác sĩ hoặc được chữa trị tại bệnh viện, dưới đây là những việc mà bất cứ ai trong số chúng ta đều có thể thực hiện được để phòng ngừa và thậm chí có thể góp phần tích cực vào việc tự điều trị sỏi thận một cách an toàn và hiệu quả.

Về ăn uống

  • Nên uống đủ lượng nước trong 1 ngày. Đối với những người có sỏi thận hoặc có nguy cơ cao sỏi thận, nên uống từ 2-3 lít nước/ngày.
  • Nước chanh là 1 sự lựa chọn tốt vì có thể giúp phòng ngừa sỏi axit uric cũng như oxalat canxi.
  • Nước ép quả nam việt quất: Sỏi thận được phát hiện có liên quan đến lượng canxi trong nước tiểu cao và nước ép nam việt quất đã được chứng minh là làm giảm nồng độ canxi trong nước tiểu.
  • Ngược lại, cần tránh các loại nước ngọt, đồ uống có cồn. Hạn chế uống cà phê, ca cao và trà.
  • Thực hiện ăn nhạt, cắt giảm lượng muối. Ăn nhạt cũng có thể làm giảm nguy cơ sỏi thận bởi vì chế độ ăn mặn thường khiến canxi mất đi theo đường tiết niệu và đương nhiên là phải đi qua thận. Càng nhiều canxi và oxalate ở thận thì nguy cơ sỏi thận càng tăng.
  • Hạn chế ăn thịt đỏ và thay thế bằng các loại thịt gia cầm và cá. Tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn, các loại thức ăn chiên rán, các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, cholesterol, các loại phomat v.v…
  • Đối với những người có sỏi thận hoặc có nguy cơ cao sỏi thận, cần hạn chế các loại thực phẩm có hàm lượng acid oxalic cao như táo, tỏi, hành tây, dâu tây và các loại hạt…
  • Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn ăn các loại thực phẩm giàu acid oxalic nói trên thì cần ăn kèm với các loại thức ăn giàu canxi thì sẽ tránh được nguy cơ sỏi thận. Bởi vì trong quá trình tiêu hóa, oxalate và canxi sẽ kết hợp với nhau trước khi đến thận, làm giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.
  • Như vậy, ta nên ăn nhiều các loại thực phẩm giàu canxi như sữa, yogurt, phô mai hoặc các loại rau như súp lơ, cải xoăn, cải xoong, đậu bắp để làm tăng lượng canxi vào cơ thể. Các cây họ đậu như đậu đỏ, đậu xanh, quả óc chó hay cá hồi cũng chứa khá nhiều canxi.
  • Rồi, nếu bạn ăn mầm lúa mì với bột yến mạch, hãy nhớ thêm vào một ít sữa. Nếu bạn ăn sinh tố quả kiwi, hãy nhớ thêm vào một ít sữa để cân bằng.
  • Sau đó, cần phải nói rằng sỏi thận có lẽ không phải do chế độ ăn uống quá nhiều sản phẩm từ sữa như một số quan niệm không đúng trước đây để rồi xa lánh các sản phẩm từ sữa. Mặc dù sỏi được tạo thành từ canxi, nhưng đã có nhiều nghiên cứu khoa học khác nhau đã chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều canxi thực sự làm giảm nguy cơ mắc sỏi.
  • Ngoài ra, Magiê cũng đã được chứng minh là có thể ngăn ngừa tất cả các loại sỏi thận. Bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu magiê hơn. Một số loại thực phẩm này bao gồm hạt bí, đậu phụ, mầm lúa mì, hải sản và các loại rau có màu xanh đậm như rau bina.

Về vận động cơ thể.

  • Cần duy trì chế độ tập luyện thể dục nhẹ nhàng như: tập yoga, đi bộ, đạp xe, bơi lội để có sức khỏe tốt, loại trừ các nguy cơ gây bệnh.
  • Duy trì khối lượng cơ thể hợp lý, tránh thừa cân và béo phì

Bổ sung vitamin và khoáng chất.

Nếu bạn có xu hướng bị sỏi thận, hãy bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày 800 mg magiê và 100 mg vitamin B6. Cả hai chất dinh dưỡng này đã được chứng minh là có thể ngăn ngừa tái phát ở những người đã từng bị sỏi thận.

About Post Author

Maître VIKUDO

Docteur en Physiopathologie
Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
ẩn bạch, huyệt ẩn bạch, huyet an bach, an bach, túc thái âm tỳ, hidden white, yinbai, spleen, 隱白, yǐn bái, 足太阴脾经, eun baek 은백, im paku, 족태음비경, Previous post Huyệt Ẩn bạch – Kinh Túc thái âm tỳ _ Acupoint SP1
Bấm huyệt chữa mất ngủ bởi Stress, Insomnie par stress avec Acupression, Insomnia by Stress with Acupressure Next post Bấm huyệt chữa mất ngủ bởi Stress _ Acupress V4

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

2 thoughts on “Sỏi thận _ Phòng và trị _ Life 53

  1. Breathtaking Website. I was inquiring your self specifically How to define the answers to my difficulties, following that instantaneously I observed your blog site web site and can not prevent myself from checking out The complete blog site web site. Your remarkable blog web site handles all my inquiries. Which is sharing your tips with most of the people. I Also attempted to discuss the simplest cars as well as their maintenance. You may study my blog site regarding Medical professional On Get in touch with and feel free to discuss my very own in addition. Many thanks for this great materials!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *