Mất ngủ do căng thẳng _ Xoa bóp, bấm huyệt _ Acupress V13
Table of Contents
CÓ NHIỀU NGUYÊN NHÂN GÂY RA MẤT NGỦ…
Mất ngủ, mặc dù có thể bị gây nên bởi nhiều nguyên nhân, nhưng trong số những người thường xuyên bị mất ngủ thì có rất nhiều trường hợp có những nguyên nhân liên quan đến các vấn đề về tâm lý, tinh thần.
Đây là một tình trạng sức khỏe hết sức tồi tệ nếu xảy ra với mỗi người chúng ta. Nó khiến chúng ta rất khó đi vào giấc ngủ, khó có một giấc ngủ sâu và dài, hay bị thức giấc thường xuyên trong đêm và, thường xuyên bị thức dậy quá sớm mặc dù suốt đêm đã không thể ngủ ngon v.v…
Trong tình trạng như vậy, khi mà ban đêm chúng ta không thể ngủ tốt, thì trái lại, ban ngày ở nơi làm việc chúng ta lại không thể tập trung vào công việc chỉ vì luôn luôn cảm thấy buồn ngủ quá mức, mệt mỏi, bực tức và căng thẳng đồng thời với sự suy giảm chất lượng lao động và đặc biệt nguy hiểm là không đảm bảo được an toàn khi tham gia giao thông v.v…
Tất nhiên không phải là tất cả, nhưng những trường hợp dưới đây sẽ rất dễ bị rơi vào tình trạng có vấn đề về tâm lý, tinh thần căng thẳng và do đó cũng dễ bị rơi vào tình trạng mất ngủ kéo dài như vừa nói ở trên :
- Việc làm có vấn đề hoặc không đáp ứng được nhu cầu chính đáng của bản thân, gia đình.
- Hôn nhân trục trặc, hạnh phúc gia đình bị tan vỡ hoặc có nguy cơ tan vỡ
- Mất người thân yêu
- Mắc bệnh hiểm nghèo
- Có sự thay đổi quá lớn trong cuộc sống v.v…
Một vòng luẩn quẩn có thể xảy ra là, một khi bị mất ngủ kéo dài thì người ta thường xuất hiện sự lo lắng bắt đầu từ chính sự mất ngủ rồi kéo theo vô số các vấn đề khác khiến lo lắng theo. Do đó sự căng thẳng ngày càng bị gia tăng và ngược lại làm trầm trọng thêm các triệu chứng mất ngủ.
CHỮA MẤT NGỦ, PHẢI CHỮA TOÀN DIỆN
Để điều trị được tình trạng đáng sợ là mất ngủ này nếu nó đang xảy ra đối với bạn, nhất thiết bạn phải học cách kiểm soát được tình trạng căng thẳng bên cạnh việc thực hiện các biện pháp khác liên quan đến lối sống hàng ngày của bạn.
Các biện pháp liên quan đến lối sống bao gồm thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và có lợi cho giấc ngủ; tập thể dục và tập thư giãn đều đặn hàng ngày với các động tác và kỹ thuật có lợi cho giấc ngủ; và, ngủ trong một môi trường phòng ngủ, chăn ga gối nệm thích hợp, yên tĩnh, thoáng khí và không có các loại thiết bị thông tin, truyền thông trong phòng ngủ v.v…
Xin nhắc lại, để chữa trị được chứng mất ngủ, nhất thiết bạn phải thực hiện tốt tất cả các biện pháp liên quan đến lối sống, ăn uống và sinh hoạt như đã nói ở trên. Bạn phải tâm niệm rằng, tất cả các biện pháp đó đều quan trọng và đều nhất định phải được thực hiện nghiêm túc và triệt để. Nếu làm được như vậy, không những bạn sẽ nhanh chóng thoát khỏi những đêm dài vật vã, mà bạn còn có được một lối sống lành mạnh cùng một sức khỏe tổng thể tốt và bền vững cả đời.
BÀI XOA BÓP, BẤM HUYỆT CHỮA MẤT NGỦ CỔ ĐIỂN
Bây giờ, tôi xin chia sẻ với bạn một bài tập xoa bóp, bấm huyệt cổ điển, bao gồm 3 huyệt quan trọng. Hy vọng rằng nó sẽ giúp bạn thoát khỏi tình trạng mất ngủ đáng sợ này.
Bạn có thể thực hiện bài này vào bất kì thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên bạn nên ưu tiên thực hành bài tập này vào buổi tối, trước giờ đi ngủ.
Như trên tôi vừa nói, đây là một bài xoa bóp và bấm huyệt cổ điển, sử dụng một bộ 3 huyệt kinh điển, trong đó có 2 huyệt thuộc kinh Tâm là huyệt Thiếu hải và huyệt Thần môn và một huyệt thuộc kinh Tâm bào là huyệt Nội quan.
Huyệt Thiếu hải _ HT3
Trước hết, chúng ta sẽ kích thích lên huyệt Thiếu hải
Huyệt Thiếu hải như tôi vừa nói là một huyệt nằm trên kinh Tâm, có ký hiệu quốc tế viết tắt theo tiếng Anh là HT3. Theo các tài liệu Đông y thì huyệt Thiếu hải có chức năng hạ tâm hỏa, trị căng thẳng muộn phiền, chữa các chứng mất ngủ, hay mơ hoảng v.v…
Bạn có thể xem lại kỹ hơn cách xác định huyệt Thiếu hải trong video HT3.
Tôi xin nhắc lại, cách lấy huyệt Thiếu hải tương đối đơn giản như sau, bạn hãy thực hành theo tôi (Hình dưới) :
- Chúng ta duỗi thẳng tay và một bàn tay về phía trước. Ở đây tôi duỗi tay trái.
- Co cẳng tay gập với cánh tay một góc khoảng 90 độ
- Đây là ngấn khuỷu tay
- Và, đây là đầu trong của ngấn khuỷu tay. Đó chính là vị trí của huyệt Thiếu hải.
Vậy xác định được vị trí của huyệt Thiếu hải rồi thì bây giờ ta sẽ tác động lên nó như thế nào?
Có nhiều cách tác động lên huyệt Thiếu hải. Tuy nhiên với mục tiêu chữa mất ngủ, tôi xin gợi ý bạn 5 cách tác động sau, theo đó bạn có thể áp dụng một vài cách hoặc cả 5 cách trong cùng một buổi đều có tác dụng tốt tùy theo ý thích của bạn :
Cách 1 : Vỗ
Bạn có thể dùng bàn tay vỗ nhẹ phần ngón tay lên huyệt Thiếu hải trong trạng thái cánh tay duỗi thẳng hoặc hơi co lại như thế này.
Xin lưu ý là bàn tay vỗ phải mềm mại sao cho lực tác động lên huyệt không quá mạnh và thô. Chú ý thở đều, chậm và sâu bằng bụng dưới để tạo điều kiện tốt hơn cho tác dụng của huyệt Thiếu hải là thanh tâm, hạ hỏa và căng thẳng – các nguyên nhân gây nên tình trạng mất ngủ kéo dài.
Bạn có thể vỗ nhẹ nhàng như vậy trong vòng 1 – 2 phút.
Cách 2 : Xoa
Kể cả bạn đã áp dụng cách 1 hay chưa, bạn vẫn có thể áp dụng luôn cách 2 này.
Nếu như cách 1 ta có thể dùng các ngón tay để vỗ nhè nhẹ lên huyệt Thiếu hải thì bây giờ ta xoa lên nó bằng cả lòng bàn tay ấm nóng của mình.
Thời gian xoa lên huyệt Thiếu hải như thế này kéo dài cũng nên từ 1 – 2 phút.
Cách 3 : Bấm sâu
Ở các kỹ thuật vỗ và xoa nói trên, dù không xác định được thật chính xác vị trí của huyệt cần tác động vẫn có thể có tác dụng tốt.
Tuy nhiên khi áp dụng các kỹ thuật bấm huyệt nói chung, thì nhất thiết bạn cần phải bấm chính xác huyệt được bấm thì mới có hiệu quả thậm chí trong một số trường hợp còn có thể tránh được những tác dụng ngược vì bấm nhầm huyệt.
Ở đây, đối với huyệt Thiếu hải thì cách xác định vị trí của nó tương đối đơn giản như tôi vừa hướng dẫn ở trên. Nếu bạn muốn, bạn có thể lấy bút đánh dấu lên để dễ nhớ và nhớ lâu cho mình.
Để bấm sâu vào huyệt Thiếu hải để thanh tâm hạ hỏa và chữa mất ngủ, bạn có thể dùng đầu ngón tay cái của tay kia, bấm trực tiếp vào huyệt như thế này. Các ngón tay khác ôm phần đối diện của khuỷu tay để tăng cường lực bấm.
Chú ý là bạn phải cắt ngắn móng tay trước khi bấm huyệt, không để móng tay làm tổn thương lên vùng huyệt.
Bạn hãy bấm từ từ với lực bấm mạnh dần, mạnh tới ngưỡng chịu đau của bạn thì dừng lại ở mức độ đó. Duy trì lực ép lên huyệt như vậy một cách liên tục trong khoảng 10-15 giây rồi thả tay ra. Tiếp đó chúng ta thực hiện ngay kỹ thuật tiếp theo đó là day lên huyệt. Bạn hãy tiếp tục sử dụng đầu ngón tay cái này day nhẹ nhàng lên huyệt theo vòng tròn, thuận chiều hay ngược chiều kim đồng hồ tùy ý bạn, với thời gian cũng khoảng 10-15 giây. Sau đó lại tiếp tục bấm sâu từ 10-15 giây, rồi lại day huyệt cũng 10-15 giây v.v…
Bạn cứ thực hiện đan xen 2 kỹ thuật bấm sâu và day như vậy trong vòng từ 2-5 phút trước khi chuyển sang tác động các huyệt khác.
Cách 4 : Nhấn – Nhả
Với cách này, cũng với đầu ngón tay cái như cách làm trên. Tuy nhiên thay vì bấm sâu vào huyệt và duy trì lực ép vào huyệt liên tục trong thời gian 10-15 giây, thì ở đây chúng ta sẽ bấm bào huyệt, tuy cũng bấm sâu và bấm mạnh đến mức gây đau trong khả năng chịu đựng của bạn, nhưng chúng ta sẽ bấm nhanh và nhả tay ra cũng nhanh.
Bạn có thể thực hiện kỹ thuật bấm huyệt nhấn-nhả như vậy trong thời gian tùy thích mỗi khi bạn muốn.
Cách 5 : Day
Đây chính là kỹ thuật day tôi vừa nói ở trên. Tức là ta day lên huyệt Thiếu hải bằng đầu ngón tay, theo vòng tròn thuận hoặc ngược chiều kim đồng hồ.
Trong một buổi tập, bạn có thể tác động lên huyệt bằng tất cả các cách như vỗ, xoa, bấm hay day. Để thực hiện cách thứ 5 này, chúng ta có thể vẫn tiếp tục sử dụng đầu ngón tay cái nói trên, chuyển từ trạng thái bấm sâu sang động tác day nhẹ nhàng lên huyệt theo vòng tròn, thuận chiều hay ngược chiều kim đồng hồ tùy ý bạn.
Thời gian day nhẹ nhàng lên huyệt như vậy từ 1-3 phút hoặc lâu hơn nếu bạn muốn.
Như vậy, với riêng huyệt Thiếu hải, tôi giới thiệu với bạn 5 cách tác động lên huyệt. Tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà bạn có thể áp dụng cho mình tất cả hoặc một vài cách mà bạn thấy phù hợp.
Sau khi tác động lên huyệt Thiếu hải bên tay này, chúng ta sẽ tác động lên huyệt Thiếu hải ở tay kia, cũng với kỹ thuật và thời gian tương tự như bạn đã áp dụng cho tay này.
Sau đó, bạn sẽ chuyển sang tác động lên huyệt thứ hai, đó là huyệt Thần môn.
Huyệt Thần môn _ HT7
Huyệt Thần môn cùng nằm trên kinh Tâm với huyệt Thiếu hải, nó có ký hiệu quốc tế viết tắt theo tiếng Anh là HT7.
Bạn có thể xem lại vị trí và cách xác định chính xác huyệt Thần môn trong video HT7.
Huyệt Thần môn, cũng theo các tài liệu Y học Phương Đông, có tác dụng trấn kinh, an thần và thường được chỉ định chữa các chứng bệnh liên quan đến tim mạch và hệ thần kinh. Trên thực tế, huyệt Thần môn đã được sử dụng chữa trị rất có hiệu quả các chứng khó ngủ, mất ngủ, mơ hoảng, dễ thức giấc, hay quên, lú lẫn, thần kinh căng thẳng, suy nhược v.v…
Vậy, để điều trị chứng mất ngủ mà gây nên bởi tình trạng căng thẳng thần kinh được đề cập hôm nay, chúng ta sẽ tác động lên huyệt Thần môn như thế nào?
Thực ra thì đối với huyệt Thần môn cũng như đại đa số các huyệt khác, nhất là các huyệt nằm xa hệ thần kinh trung ương thì chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng tất cả 5 cách mà tôi vừa nêu ra đối với huyệt Thiếu hải nói trên như vỗ, xoa, bấm sâu, bấm nhấn nhả hay day lên huyệt đều có thể cho kết quả chữa bệnh tốt.
Tuy nhiên đối với huyệt Thần môn và đối với chứng mất ngủ liên quan với các tình trạng tâm hỏa, căng thẳng thần kinh kéo dài v.v… thì bạn nên sử dụng các kỹ thuật bấm, mà tốt nhất là cách bấm sâu, xen kẽ với kỹ thuật day lên huyệt.
Trước hết chúng ta phải xác định đúng vị trí huyệt Thần môn.
Xác định đúng vị trí huyệt Thần môn
- Xác định lằn ngang chỉ cổ tay.
- Chia lằn ngang này thành 3 đoạn bằng nhau.
- Huyệt Thần môn nằm ở chính vị trí 1/3 của lằn chỉ cổ tay này.
Kết hợp Bấm – Day
Để bấm lên huyệt Thần môn, tốt nhất là chúng ta bấm bằng đầu ngón tay cái, với những thế tay bấm mà bạn thấy thích hợp.
Lực bấm phải mạnh đủ gây đau và bạn hãy bấm đau trong ngưỡng chịu đựng của bạn. Ta duy trì lực bấm mạnh như vậy trong thời gian từ 5 – 15 giây tùy ý bạn. Sau đó chuyển ngay sang kỹ thuật day lên huyệt Thần môn, cũng bằng chính đầu ngón tay cái đó. Thời gian day huyệt như vậy khoảng từ 10 – 15 giây. Rồi, bạn lại lặp lại chu kỳ bấm- day như trên trong thời gian khoảng 2-5 phút trước khi chuyển sang tác động lên huyệt Thần môn của tay còn lại, cũng với các kỹ thuật và thời gian tác động tương tự.
Và, sau khi đã tác động lên hai huyệt của kinh Tâm là huyệt Thiếu hải và huyệt Thần môn nói trên, chúng ta sẽ chuyển sang tác động lên huyệt thứ 3 đó là huyệt Nội quan.
Huyệt Nội quan _ PC6
Huyệt Nội quan nằm trên kinh Thủ quyết âm Tâm bào, viết tắt theo tiếng Anh là PC6. Bạn có thể xem lại vị trí và cách xác định chính xác huyệt Nội quan trong video PC6.
Cũng theo các tài liệu Y học Phương đông, huyệt Nội quan có khả năng trị các chứng bệnh có nguyên nhân khí huyết không điều hòa chẳng hạn như phiền muộn, đau tim, huyết áp không ổn định v.v… trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên các tình trạng mất ngủ kéo dài.
Xác định đúng vị trí huyệt Nội quan :
Tôi xin nhắc lại cách lấy huyệt Nội quan:
- Xác định khe giữa hai cơ gan tay lớn và bé. Huyệt Nội quan nằm ở trong khe của hai đường gân cơ này
- Xác định lằn chỉ cổ tay, từ lằn chỉ cổ tay này ta đo lên 2 thốn, tức bằng 2 lần chiều rộng của ngón cái mỗi người. Như vậy, vị trí của huyệt Nội quan là ở chỗ này.
Cách tác động huyệt Nội quan :
Thế thì, đối với việc chữa trị các chứng mất ngủ như mục tiêu chữa bệnh hôm nay thì chúng ta sẽ tác động lên huyệt Nội quan như thế nào?
Tất nhiên là có rất nhiều cách tác động có hiệu quả lên huyệt Nội quan như bấm, day vỗ hay xoa đều tốt. Tuy nhiên, ở đây theo tôi bạn nên sử dụng kỹ thuật bấm sâu và day kết hợp. Cụ thể, chúng ta sẽ dùng đầu ngón tay cái để bấm sâu vào huyệt Nội quan. Ta bấm bằng đầu ngón cái, các ngón tay còn lại sẽ bám phía sau cổ tay để hỗ trợ. Lực bấm mạnh, đủ gây đau trong giới hạn chịu đau của bạn.
Thời gian bấm sâu như vậy cũng trong vòng từ 5-15 giây tùy ý bạn.
Sau đó ngay lập tức ta chuyển sang day lên huyệt cũng với kỹ thuật day xoay tròn thuận chiều hoặc ngược chiều kim đồng hồ như ta vừa thực hành ở trên. Thời gian day như vậy cũng trong vòng từ 10-15 giây.
Sau đó chúng ta lặp lại chu kỳ bấm-day như vậy nhiều lần, trong thời gian từ 2-5 phút, trước khi chuyển sang tác động lên huyệt Nội quan của tay còn lại, cũng với các kỹ thuật và thời gian tác động tương tự.
Cuối cùng, bạn có thể dùng tay nọ xoa bóp lên tay kia trong vài phút, tiếp tục thả lỏng cơ thể, cố gắng tìm các lý do tích cực, nghĩ về những điều tích cực và tốt đẹp, tự mỉm cười với những giấc ngủ ngon đang chờ đón bạn.
Mất ngủ do căng thẳng _ Xoa bóp, bấm huyệt _ Acupress V13:
Sử dụng thêm bài Acupress V3 – Xoa huyệt An miên
Ngoài ra, khi đã lên giường đi ngủ, nếu bạn muốn, bạn có thể thực hiện thêm việc xoa nhẹ nhàng lên hai huyệt An miên nằm ở phía sau tai. Bản thân tôi rất hay áp dụng bài này từ rất lâu và tôi thấy nó rất rất hiệu quả với những giấc ngủ ngon và cả mơ đẹp nữa!
Nội dung tôi bài tập này tôi đã hướng dẫn chi tiết trong bài Acupress V3. Mời bạn tham khảo thêm!
Chúc bạn thực hành tốt, nhanh chóng có những giấc ngủ ngon!
VIKUDO