Bấm huyệt trị viêm phế quản _ Xoa bóp, bấm huyệt _ Acupress V17
Table of Contents
VIÊM PHẾ QUẢN
Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc của phế quản (là các ống dẫn khí đến và đi từ phổi) và tất nhiên là cũng có thể ảnh hưởng đến niêm mạc của các tiểu phế quản ở các tiểu thùy phổi.
Tình trạng viêm nhiễm và tăng tiết dịch trong hệ thống phế quản sẽ dẫn đến khó thở và thở gấp. Khi mà phổi phải vật lộn chống chọi lại sự tắc nghẽn, ho là một triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng viêm phế quản.
Trong trường hợp là viêm phế quản cấp tính, người bệnh thường có thêm các triệu chứng nhiễm trùng – là tình trạng viêm niêm mạc của các ống phế quản. Trong trường hợp đó dịch nhầy thường đặc quánh, màu vàng hoặc xanh lá cây, có thể có mủ và cũng có thể sốt.
Viêm phế quản mãn tính thì có thể là kết quả của các đợt lặp đi lặp lại của tình trạng cấp tính nói trên với các mô bị tổn thương ngày càng nhiều. Cùng với tình trạng các ống phế quản liên tục bị kích thích, các mô bị tổn thương sẽ làm nên các tắc nghẽn lâu dài và gây nên các tình trạng khó thở thường xuyên, lặp đi lặp lại. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) với các riệu chứng điển hình như khó thở, ho, tiết chất nhầy và thở khò khè. Những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thường có nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư phổi và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
Bạn nên đi khám bác sĩ nếu…
Trong mọi trường hợp, bạn nên đi khám bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây:
- Ho kéo dài hơn 3 tuần
- Sốt cao hơn 38 độ C
- Ho có đờm nhầy lẫn máu
- Khó thở, tức ngực.
ĐIỀU TRỊ VIÊM PHẾ QUẢN
Để điều trị viêm phế quản cấp tính, các bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giúp giảm các triệu chứng. Chẳng hạn thuốc kháng sinh trong trường hợp cụ thể cần phải diệt vi khuẩn bội nhiễm mặc dù viêm phế quản cấp tính thường gây ra do virus; rồi thuốc giảm ho; và có thể thuốc hít giãn phế quản v.v…
Trong điều trị viêm phế quản mãn tính, các bác sĩ đặc biệt là các bác sĩ Đông y cũng thường chú ý áp dụng các phương pháp phục hồi chức năng cho người bệnh, các bài tập yoga, thiền, võ dưỡng sinh v.v.. có tác dụng rất tích cực giúp người bệnh điều hòa hơi thở, tăng cường sức khỏe và qua đó mà giảm các triệu chứng do viêm phế quản gây ra.
Ngoài ra, các liệu pháp tinh dầu cũng được các bác sĩ áp dụng rất có hiệu quả cho bệnh nhân. Các loại tinh dầu được ưa dùng như tinh dầu Thủy dương (Thủy dương Inula helenium) và tinh dầu khuynh diệp (Eucalyptus) có tác dụng làm tan chất nhầy và long đờm; tinh dầu cỏ xạ hương, tinh dầu thông và tinh dầu bạc hà có tác dụng mở đường hô hấp, chống tắc nghẽn;
Hơn nữa, việc thêm tỏi và hành tây vào chế độ ăn uống của bạn cũng có tác dụng rất tốt. Chẳng hạn bạn có thể thêm vỏ hành tây vào nồi nước dùng cũng là một cách làm hay bởi vỏ hành tây có chứa rất nhiều quercetin, một chất có tác dụng cải thiện rất tích cực sức khỏe đường hô hấp của bạn.
Bài xoa bóp, bấm huyệt trị viêm phế quản sau đây cũng có thể giúp bạn vượt qua được những tình trạng khó khăn do viêm phế quản gây ra, cho dù là viêm phế quản cấp tính hay viêm phế quản mãn tính.
XOA BÓP, BẤM HUYỆT TRỊ VIÊM PHẾ QUẢN
Nếu như ở bài Acupress V16, chữa ho vì viêm nhiễm với các dấu hiệu ho có đờm màu vàng hoặc xanh lá và đặc quánh v.v… thì chúng ta có thể bấm huyệt để giảm ho bằng cách tác động trực tiếp lên 2 huyệt là huyệt Thiên đột và huyệt Liệt khuyết.
Tức là khi đó chúng ta chữa bệnh bằng cách chữa theo triệu chứng : Ho thì bấm huyệt Thiên đột, và có đờm đặc quánh màu vàng hoặc xanh thì bấm thêm huyệt Liệt khuyết để làm thuyên giảm tình trạng viêm nhiễm gây ho.
Làm được như vậy cũng đã là rất tốt rồi, chỉ cần bạn chú ý đến việc xác định được đúng huyệt và thực hành bấm huyệt sao cho đúng cách là có thể giảm và đẩy lùi được bệnh tật.
Tuy nhiên ở bài này, chúng ta sẽ tiến một bước sâu hơn trong việc chữa ho.
Vì chúng ta chữa ho trong trường hợp này là đã được thầy thuốc hoặc bản thân xác định được tình trạng viêm phế quản. Do đó mục tiêu chữa bệnh chính của chúng ta ở đây là tìm cách làm giảm tình trạng viêm phế quản bởi nó chính là nguyên nhân viêm nhiễm gây ho hoặc ho kèm với sốt hoặc kèm với các tình trạng tắc nghẽn, khó thở v.v…
Vì vậy, để chữa viêm phế quản dù cấp tính hay mãn tính, chúng ta sẽ sử dụng huyệt Liệt khuyết là huyệt chính và trước hết, một số huyệt khác sẽ được tác động thêm tùy thuộc vào các triệu chứng phụ đi kèm.
Huyệt Liệt khuyết _ LU7
Bấm huyệt trị viêm phế quản
Vị trí huyệt Liệt khuyết
Bạn có thể xem lại huyệt Liệt khuyết trong video LU7 hay trên website của VIKUDO.
Huyệt Liệt khuyết là huyệt thứ 7 trên kinh Phế.
Huyệt Liệt khuyết nằm ở phía trên mỏm trâm quay, trong gân cơ ngửa dài.
Nhắc lại một số tác dụng của huyệt Liệt khuyết
Huyệt Liệt khuyết có tác dụng tuyên thông khí phế, khu phong, thông hoạt và điều hòa Nhâm mạch.
Huyệt Liệt khuyết trong Đông y thường được chỉ định chữa một số chứng bệnh thiên đầu thống hay tăng nhãn áp, liệt nửa mặt, đau tay, đau cổ gáy và các vấn đề về đường tiết niệu.
Đặc biệt là, huyệt Liệt khuyết rất hay được sử dụng để điều trị các chứng ho, suyễn v.v… liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến các tình trạng viêm nhiễm hay tắc nghẽn đường hô hấp – nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các tình trạng ho, sốt hay tắc nghẽn, khó thở v.v… – các triệu chứng điển hình của tình trạng viêm phế quản.
Cách tác động huyệt Liệt khuyết
Có nhiều cách tác động lên huyệt Liệt khuyết. Dưới đây là 2 cách tác động rất có hiệu quả mà dễ thực hiện, bạn có thể lựa chọn thực hành 1 cách hoặc phối hợp cả 2:
Cách 1 _ Day
Với cách này, bạn có thể sử dụng một đầu ngón tay hay thậm chí cạnh ngoài của bàn tay day trực tiếp lên huyệt.
Ở đây, lực tác động chỉ cần nhẹ nhàng. Nếu tác động đúng bạn sẽ cảm nhận được một sự kích thích hưng phấn trực tiếp lên huyệt Liệt khuyết.
Với cách này, bạn không cần phải tác động mạnh đến mức gây đau mà chỉ cần gây ra những xung thần kinh hưng phấn, từ huyệt Liệt khuyết lan tỏa ra khắp bàn tay, cẳng tay và cánh tay v.v…
Vì kích thích nhẹ nhàng, thời gian tác động như vậy nên kéo dài từ 5-10 phút trước khi chuyển sang làm tương tự cho huyệt Liệt khuyết ở tay kia.
Cách 2 : Bấm sâu và day
Với cách này, tốt nhất là bạn nên sử dụng đầu ngón tay cái của tay này bấm lên huyệt Liệt khuyết của tay kia. Nếu bạn ngồi thì có thể đặt hai tay lên đùi sẽ đỡ mệt và duy trì hứng thú bấm huyệt được lâu hơn.
Trong trường hợp này, bạn có thể bấm mạnh, bấm đến mức gây đau mà bạn có thể chịu được. Mỗi cú bấm mạnh như vậy kéo dài chừng 10-15 giây rồi nhả tay ra và thực hiện ngay việc day nhẹ nhàng như cách 1 nói trên, trong thời gian cũng khoảng 10-15 giây rồi lại lặp lại chu kỳ bấm sâu – day như trên, liên tục trong vòng 5-10 phút trước khi chuyển sang làm tương tự cho huyệt Liệt khuyết ở tay kia.
Sau khi đã bấm lên huyệt Liệt khuyết bằng 1 hoặc cả 2 cách nói trên lên cả 2 tay, bạn có thể bấm thêm một số huyệt sau đây tùy theo từng trường hợp, cụ thể :
1) Viêm phế quản mãn tính
Huyệt Túc tam lý _ St36
Bấm huyệt trị viêm phế quản
Vị trí huyệt Túc tam lý
Bạn có thể xem lại huyệt Túc tam lý trong video ST36.
Huyệt Túc tam lý là huyệt thứ 36 nằm trên kinh vị. Nằm ở bờ dưới xương bánh chè xuống 3 thốn, mào trước xương chày ra ngoài chiều ngang một ngón tay.
Nhắc lại một số tác dụng của huyệt Túc tam lý
Huyệt Túc tam lý có tác dụng lý tỳ vị, điều trung khí, thông kinh lạc và khí huyết, khu phong hóa thấp, điều hòa huyết áp, tăng cường thể trạng chống lại bệnh tật.
Huyệt Túc tam lý thường được chỉ định điều trị các chứng bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, hệ thần kinh và hệ vận động.
Đặc biệt là huyệt Túc tam lý cũng rất có hiệu quả trong việc điều trị các chứng bệnh liên quan đến các tình trạng viêm nhiễm thậm chí có sốt cao.
Ở trong trường hợp này, nếu bạn bị viêm phế quản mãn tính tức là đã bị viêm phế quản từ lâu ngày và tái phát nhiều lần, bạn nên bấm thêm huyệt Túc tam lý sau khi đã bấm huyệt Liệt khuyết nói trên.
Cách tác động huyệt Túc tam lý
Để tác động huyệt Túc tam lý có hiệu quả, bạn phải để chân trong trạng thái thư giãn cho dù là chân co hay duỗi, ngồi hay nằm.
Tuy cũng có nhiều cách tác động tương tự như trên như day hay bấm sâu kết hợp với day. Bạn có thể linh hoạt áp dụng tùy theo từng điều kiện và ý thích của mình.
Thời gian tác động liên tục lên huyệt tùy thuộc và cường độ tác động, nếu bạn bấm mạnh, bấm sâu thì thời gian mỗi cú bấm chỉ nên từ 10-15 giây rồi chuyển ngay sang kỹ thuật day nhẹ nhàng, cũng từ 10-15 giây rồi lặp lại chu kỳ bấm sâu – day nhẹ nhàng như vậy trong khoảng thời gian tổng cộng tác động lên mỗi huyệt là từ 5-10 phút trước khi chuyển sang tác động huyệt Túc tam lý ở chân kia cũng với các kỹ thuật và thời gian tác động tương tự.
Trái lại, nếu bạn chỉ day lên huyệt một cách nhẹ nhàng, đủ gây cảm giác hưng phấn từ vị trí của huyệt Túc tam lý mà không bị đau hay khó chịu, bạn có thể day liên tục như vậy trong khoảng thời gian 10-15 phút tùy thích trước khi chuyển sang day lên huyệt Túc tam lý ở chân bên kia cũng với các kỹ thuật và thời gian tương tự.
2) Viêm phế quản kèm các triệu chứng đau ngực và đau tim
Huyệt Đản trung _ CV17
Bấm huyệt trị viêm phế quản
Vị trí huyệt Đản trung
Bạn có thể xem lại huyệt Đản trung trong video CV17.
Huyệt Đản trung hay cũng có thể được gọi là huyệt Chiên trung, là huyệt thứ 17 nằm trên Nhâm mạch, nằm trên đường dọc giữa xương ức và ngang với khoang liên sườn số 4.
Để xác định vị trí huyệt Đản trung, cách xác định huyệt Đản trung dựa trên hai núm vú của người đàn ông là rất không chính xác. Do đó, để có được huyệt Đản trung một cách chính xác nhất để mà chữa trị bệnh tật có hiệu quả nhất, bạn nên dựa theo vị trí của các xương sườn.
Nhắc lại một số tác dụng của huyệt Đản trung
Huyệt Đản trung có tác dụng giáng nghịch, điều khí, hóa đàm, thanh phế, thông ngực …
Trên thực tế, Huyệt Đản trung thường được chỉ định điều trị rất có hiệu quả trong việc tăng cường miễn dịch và giảm căng thẳng mệt mỏi cho cơ thể.
Đặc biệt là huyệt Đản trung thường được chỉ định điều trị các chứng khó thở và các cơn hen suyễn tái phát.
Đồng thời huyệt Đản trung cũng rất hay được chỉ định sử dụng điều trị các cơn đau ngực, các trường hợp viêm màng ngực hay đau thần kinh liên sườn v.v…
Do vậy trong trường hợp này, nếu bạn bị viêm phế quản mà kèm theo các triệu chứng đau vùng ngực, tim và hai bên sườn, bạn hãy bấm thêm huyệt Đản trung sau khi đã bấm xong huyệt Liệt khuyết ở cả hai tay như trên.
Cách tác động lên huyệt Đản trung
Để việc điều trị bệnh tật có hiệu quả, có rất nhiều việc cần phải được làm đúng cách. Trong xoa bóp bấm huyệt, việc cần phải được làm đúng cách đầu tiên phải là xác định đúng vị trí huyệt. Nếu xác định sai huyệt, không những việc chữa trị kém hiệu quả mà, trong một số trường hợp còn có thể dẫn đến những tác dụng ngược tai hại.
Có nhiều cách tác động lên huyệt Đản trung, chẳng hạn như bấm sâu và day nhẹ nhàng.
Đối với trường hợp viêm phế quản kèm theo các triệu chứng đau ngực, đau tim và thậm chí đau xuống hai bên sườn, bạn có thể day lên huyệt Đản trung môt cách bình thường theo cách day nhẹ nhàng liên tục trong thời gian 10-15 phút. Cách làm này tương đối đơn giản và cũng rất hiệu quả.
Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng cách thứ hai là bấm sâu kết hợp với day.
Ở đây, bạn có thể sử dụng đầu ngón tay cái, ngón tay cái hướng thẳng vuông góc vào huyệt Đản trung.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng tay kia để hỗ trợ.
Hơn nữa, nếu phía trước bạn có một cái bàn, bạn cũng có thể tì hai tay lên mặt bàn và nhấn ngực với huyệt Đản trung lên đầu ngón tay cái.
Lực nhấn tương đối mạnh, đủ gây đau tới ngưỡng chịu đau của bạn. Nhấn mạnh liên tục trong vòng 10-15 giây rồi nhả tay và day nhẹ nhàng lên huyệt cũng trong vòng 10-15 giây.
Lặp đi lặp lại nhiều lần chu kỳ bấm sâu – day nhẹ nhàng như vậy trong suốt thời gian kéo dài chừng 10-15 phút là thích hợp.
Như vậy, nếu bạn bị viêm phế quản kèm theo các triệu chứng đau ở khoang ngực, bạn có thể bấm hai huyệt là Liệt khuyết và Đản trung.
3) Viêm phế quản và thêm triệu chứng viêm họng,
Huyệt Thiên đột _ CV22
Bấm huyệt trị viêm phế quản
Vị trí huyệt Thiên đột
Bạn có thể xem lại huyệt Thiên đột trong video CV22
Huyệt Thiên đột là huyệt thứ 22 nằm trên mạch Nhâm, nó nằm ở chỗ lõm giữa hai đầu xương đòn, giữa hai gân cơ ức đòn chũm.
Nhắc lại một số tác dụng của huyệt Thiên đột
Huyệt Thiên đột có tác dụng lưu thông phế khí, khử trùng và làm sạch cổ họng.
Huyệt Thiên đột đặc biệt được chú ý sử dụng điều trị các loại ho, ho có kèm theo các chứng viêm phế quản với các tình trạng viêm họng như cổ họng sưng đau thậm chí cả viêm họng hạt v.v…
Cách tác động lên huyệt Thiên đột
Vì huyệt Thiên đột nằm ở sát bờ trên xương ức, do đó để tác động lên huyệt Thiên đột, bạn cần phải tránh việc dùng ngón tay chọc thẳng vào cổ họng vừa không có tác dụng gì mà lại có thể gây hại cho cổ họng.
Cách tác động đúng là ta nhấn hoặc day lên bờ trên xương ức và men theo bờ trên xương ức ngay từ bên ngoài vào đến tận bên trong một chút.
Tôi xin gợi ý bạn 2 cách tác động sau :
Cách 1: Day
Vì khe giữa hai xương đòn có thể hẹp, do đó bạn nên dùng đầu ngón tay trỏ và thậm chí nghiêng đầu ngón trỏ để có thể tác động được lên huyệt Thiên đột trên bờ xương ức.
Bạn có thể day lên huyệt một cách nhẹ nhàng, day liên tục như vậy trong vòng 10-15 phút là phù hợp.
Cách 2 : Bấm sâu và Day
Với cách này, ta cũng dùng đầu ngón tay trỏ, uốn cong đầu ngón tay trỏ để đưa nó vào sâu bên trong một chút theo bờ trên xương ức.
Nếu có chiếc bàn trước mặt bạn có thể chống tay lên mặt bàn, và có thể tì cẳm lên trên ngón tay hay mu bàn tay để tăng cường lực bấm và giảm mệt mỏi.
Bấm sâu liên tục khoảng 10-15 giây rồi chuyển ngay sang kỹ thuật day nhẹ nhàng cũng trong vòng 10-15 giây.
Lặp đi lặp lại chu kỳ bấm sâu và day nhẹ nhàng như vậy trong khoảng thời gian liên tục từ 10-15 phút là phù hợp cho một buổi điều trị.
Như vậy, tôi đã hướng dẫn bạn tự bấm huyệt trị viêm phế quản với một số huyệt quan trọng mà dễ xác định vị trí cũng như dễ thực hành tác động.
Trong mọi trường hợp viêm phế quản bạn đều có thể bấm lên huyệt Liệt khuyết và tùy từng trường hợp cụ thể mà có thể bấm thêm một trong các huyệt như huyệt Túc tam lý, huyệt Đản trung hay huyệt Thiên đột.
Bạn có thể thực hành bấm huyệt theo bài này một hay nhiều lần trong ngày và vào bất kì thời điểm nào bạn muốn.
Chúc bạn khỏe!
Bấm huyệt trị viêm phế quản _ Xoa bóp, bấm huyệt _ Acupress V17: