Các yếu tố nguy cơ ung thư vú – Ai dễ bị ung thư vú ?
Có một số yếu tố nguy cơ đã biết đối với ung thư vú. Tuy nhiên đó mới chỉ là những điều rút ra từ các kết quả nghiên cứu thống kê trên một số lượng lớn bệnh nhân. Còn trong từng trường hợp đơn lẻ, thì vẫn còn rất khó để có thể giải thích thật tường tận 100% về lý do cho sự xuất hiện của ung thư vú ở một người cụ thể.
Mặc dù vậy, với mục đích giúp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro mắc bệnh, các nhà nghiên cứu cũng như các chuyên gia y tế cũng đã cố gắng nhận diện được những người được cho là có tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc ung thư vú hơn cả. Trong đó có những yếu tố nguy cơ mà dù có biết cũng không thể thay đổi và cũng có những nguy cơ có thể thay đổi hoàn toàn hoặc ít nhiều để có thể phòng tránh được căn bệnh đáng sợ này. Cụ thể :
Table of Contents
Một số yếu tố không thể thay đổi làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú:
1) Giới tính :
Trên thực tế, ung thư vú chủ yếu xảy ra ở phụ nữ và chỉ có không đến 1% trường hợp ung thư vú xảy ra ở nam giới và họ thường trên 60 tuổi.
2) Tuổi tác :
Có tới khoảng 85% trường hợp ung thư vú xảy ra ở phụ nữ tuổi 50 trở lên. Phụ nữ càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc ung thư vú càng cao. Bệnh rất hiếm khi xảy ra ở phụ nữ dưới 30 tuổi.
3) Yếu tố di truyền:
Về khía cạnh này tôi xin được nói sâu hơn một chút.
Hầu hết các trường hợp ung thư vú di truyền đều có liên quan đến đột biến ở hai gen: BRCA1 và BRCA2. Đây là các gen được được viết tắt từ các từ tiếng Anh là Ung thư vú (Breast Cancer).
Mọi người ai cũng mang 2 gen nói trên. Chức năng của các gen BRCA 1 và 2 là sửa chữa tổn thương tế bào và đảm bảo cho vú, buồng trứng cùng với các tế bào khác phát triển bình thường.
Nhưng khi các gen này xảy ra đột biến hoặc chứa các đột biến được truyền lại từ các thế hệ trước thì chúng trở nên hoạt động không bình thường và dẫn đến làm tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng và một số ung thư khác.
Trên thực tế có tới 10% trường hợp ung thư vú là do di truyền bất thường liên quan đến các gen BRCA 1 và 2 nói trên.
Dĩ nhiên bạn cũng cần phải yên tâm rằng, nếu xét nghiệm thấy có đột biến các gen BRCA1 hoặc BRCA2 cũng không có nghĩa là chắc chắn bạn sẽ bị ung thư vú mà mới chỉ là bạn có nguy cơ cao mắc bệnh này.
Trên thực tế, những phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú và có đột biến BRCA1 hoặc BRCA2 thường có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng và các bệnh ung thư khác.
Hơn nữa trên thực tế như vừa nói ở trên mới chỉ có khoảng 10% các trường hợp ung thư vú có liên quan đến các yếu tố di truyền, số rất lớn còn lại chiếm tới 90% những người bị ung thư vú không bị thừa hưởng đột biến gen liên quan đến ung thư vú và không có tiền sử gia đình mắc bệnh này.
Về cơ bản, bạn sẽ có nhiều khả năng bị đột biến gen liên quan đến ung thư vú :
• Nếu bạn có người thân ruột thịt dù là phụ nữ hay nam giới và dù ở bên nội hay bên ngoại được chẩn đoán ung thư vú trước 50 tuổi.
• Nếu trong gia đình bạn có một cá nhân có cả ung thư vú và ung thư buồng trứng ở cùng một phía.
• Nếu bạn có người thân bị một dạng ung thư vú mà Y học gọi là ung thư vú bộ ba âm tính. Đây là dạng ung thư vú hiếm gặp nhưng rất khó điều trị, có các xét nghiệm âm tính với cả 3 thụ thể rất quan trọng có liên quan đặc biệt với ung thư vú là estrogen, progesterone và HER2.
• Nếu trong gia đình bạn có những bệnh ung thư khác ngoài ung thư vú, chẳng hạn như tuyến tiền liệt, khối u ác tính, tuyến tụy, dạ dày, tử cung, tuyến giáp, ruột kết và sarcoma hoặc sarcoma.
Tất nhiên tôi cũng xin nhấn mạnh là cho dù trong gia đình bạn có một người được phát hiện có đột biến gen liên quan đến ung thư vú, thì dù hiển nhiên điều đó là một yếu tố nguy cơ trong gia đình, nhưng không có nghĩa là tất cả các thành viên trong gia đình sẽ mắc bệnh này.
4) Lịch sử bệnh cá nhân :
Nếu một người đã bị ung thư ở một bên vú thì cũng sẽ có nguy cơ cao phát triển ung thư thứ hai.
5) Có nguy cơ tổn thương ở vú :
Những trường hợp này thường được chẩn đoán khi sinh thiết.
Những phụ nữ có tổn thương nguy cơ, chẳng hạn như tăng sản biểu mô ống dẫn sữa không điển hình hoặc ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ, có nhiều khả năng phát triển ung thư vú vào một ngày nào đó.
Xin lưu ý có một dạng khối u ở vú cũng thường gặp ở nhiều phụ nữ mà không phải là ung thư vú, đó là u nang vú.
U nang vú là một dạng túi chứa đầy chất lỏng bên trong vú, không phải là ung thư vú. Phụ nữ có thể có một hoặc nhiều u nang vú và có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên vú. Chúng thường có hình dạng một cục tròn hoặc hình bầu dục với các cạnh khác biệt. Một u nang vú thường có cảm giác như một quả nho hoặc một quả bóng chứa đầy nước, nhưng đôi cũng có u nang tương đối chắc.
U nang vú thường không cần điều trị trừ khi u nang lớn và gây ra cảm giác đau hoặc không thoải mái. Trong trường hợp đó, Bác sĩ sẽ tiến hành dẫn lưu chất lỏng từ u nang vú ra ngoài và làm giảm các triệu chứng khó chịu này.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú có thể thay đổi:
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú có thể thay đổi.
Đây là những yếu tố cũng có thể làm phát triển ung thư vú, tuy nhiên có nhiều trường hợp do đã thay đổi được chúng mà không còn nguy cơ ung thư vú. Cụ thể :
1) Thừa cân hoặc béo phì :
Phụ nữ trên 50 tuổi bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với phụ nữ cùng độ tuổi có chỉ số khối cơ thể hợp lý.
Theo Bộ Y tế Canada, thậm chí hơi thừa cân, tức chỉ thừa từ khoảng 5 kg trở lên đã có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư vú, đặc biệt là sau khi mãn kinh.
2) Thiếu hoạt động thể chất :
Phụ nữ ít hoạt động thể chất có nguy cơ cao hơn. Điều đó cũng có nghĩa là nếu tăng cường các hoạt động thể chất, vận động cơ thể bằng các bài tập thích hợp, tôi xin nhấn mạnh là sự vận động thích hợp, sẽ có thể góp phần làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú.
3) Uống rượu:
Uống rượu càng nhiều thì nguy cơ ung thư vú càng cao, bất kể loại rượu tiêu thụ là gì. Thực tế này đã được quan sát thấy trong một số nghiên cứu dịch tễ học, với phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh.
4) Lượng estrogen:
Ở tuổi mãn kinh, người phụ nữ thường bị sụt giảm nghiêm trọng tỷ lệ hormone Estrogen và thường dẫn đến có các khủng hoảng liên quan đến các tình trạng sức khỏe tuổi mãn kinh. Do đó có nhiều người đã được bác sĩ chỉ định áp dụng liệu pháp cung cấp một lượng nhỏ estrogen để bổ sung cho sự thiếu hụt hormone này. Liệu pháp sử dụng hormone như vậy được gọi là liệu pháp hormone thay thế ở tuổi mãn kinh.
Trên thực tế, sự kết hợp giữa estrogen và progesterone trong liệu pháp sử dụng hormone thay thế có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú và điều này đã được ghi nhận rõ ràng ở các trường hợp áp dụng liệu pháp hormone thay thế trong thời gian kéo dài hơn 5 năm.
5) Tiếp xúc với hóa chất gây ung thư:
Sự tiếp xúc với các hóa chất có trong môi trường có thể góp phần hình thành ung thư vú. Các chất độc hại như vậy có thể là paraben – là một loại chất bảo quản được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm mỹ phẩm; hay các dạng thuốc trừ sâu chẳng hạn thuốc trừ sâu DDT v.v…
6) Yếu tố tâm lý:
Vai trò của trạng thái tâm lý trong sự khởi đầu của bệnh ung thư cũng đã được nêu ra mặc dù giả thuyết này vẫn còn đang gây tranh cãi. Theo đó, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra sự liên kết giữa một số đặc điểm tính cách với việc tăng nguy cơ ung thư.
7) Một số yếu tố rủi ro khác :
- Phương pháp điều trị bằng tia xạ. Được biết, những phụ nữ đã trải qua liều lượng bức xạ cao vào ngực (chụp X-quang cường độ cao) có nguy cơ phát triển ung thư vú cao hơn, đặc biệt nếu liệu pháp bức xạ được thực hiện trước 30 tuổi.
- Vô sinh (Nulliparity) hoặc mang thai muộn, tức là chỉ sinh con sau tuổi 30.
- Có kinh sớm (trước 12 tuổi) hoặc mãn kinh muộn (sau 55 tuổi). Những người phụ nữ như vậy có thời gian kéo dài tiếp xúc với estrogen tự nhiên, tăng nguy cơ ung thư vú.
Như vậy tôi xin nhắc lại, trên đây chỉ là một số yếu tố mà Y học gọi là các yếu tố nguy cơ phát triển ung thư vú. Vì nó là nguy cơ nên nếu bạn nằm trong số đó thì rất nên chú ý thực hiện tốt những giải pháp có thể và phù hợp để nỗ lực phòng ngừa và đẩy lùi nguy cơ càng xa càng tốt.
Ngược lại bạn cũng yên tâm rằng, cũng chính vì chúng mới chỉ là nguy cơ nên cho dù bạn có một hay một số nguy cơ đó thì cũng không chắc chắn là bạn sẽ bị ung thư vú nếu bạn không có thêm các yếu tố khác thúc đẩy sự phát triển ung thư.
Tuy rằng mỗi người chúng ta đúng là không thể hoàn toàn tự quyết định được tình trạng sức khỏe của chính mình, nhưng chắc chắn rằng sự ý thức về tình trạng sức khỏe cá nhân, tình trạng bệnh tật cùng với các yếu tố gây nên bệnh tật để hàng ngày hàng giờ nỗ lực thực hiện tốt tất cả các biện pháp cần thiết liên quan đến ăn uống, sinh hoạt, lao động và tập luyện là hết sức cần thiết và hoàn toàn có thể góp phần phòng ngừa và đẩy lùi được bệnh tật nói chung và ung thư vú nói riêng.
Chúc bạn mạnh khỏe!
Mời bạn tham khảo video (Phát hành trên kênh Life V):
Life V21 | Ai dễ bị ung thư vú ? | Ăn uống lành mạnh | Bệnh tật | Life V
VIKUDO