Table of Contents
Liệt mặt _ Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên
Liệt dây thần kinh số 7 là liệt dây thần kinh vận động với chức năng chi phối vận động cơ mặt. Bệnh liệt dây thần kinh số VII ngoại biên còn có tên gọi khác là liệt mặt ngoại biên và trong dân gian còn gọi với cái tên là bệnh trúng gió.
Đây là tình trạng tổn thương dây thần kinh mặt dẫn đến mất vận động hoàn toàn hoặc một phần các cơ của một nửa mặt. Xin lưu ý, bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên khác với tình trạng liệt mặt trung ương do những tổn thương ở não gây ra.
Tuy bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng tức là có thể không dẫn đến chết người, nhưng nó có thể gây ảnh hưởng nặng nề và để lại di chứng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời.
TRIỆU CHỨNG KHI BỊ LIỆT DÂY THẦN KINH SỐ 7
Các triệu chứng của liệt dây thần kinh mặt bao gồm hiện tượng da bị sụp xuống xung quanh lông mày, mắt, má và miệng.
Khi một cơ mất chức năng vận động, nó sẽ làm cho vùng da phía trên của cơ cũng bị giãn ra và trở nên lỏng lẻo và mức độ bị tê liệt và lỏng lẻo này của cơ và da ít hay nhiều khác nhau ở từng trường hợp cụ thể.
Tuy nhiên, biểu hiện của căn bệnh này khá rõ ràng và rất dễ để người bệnh tự nhận thấy. Các triệu chứng xảy ra đột ngột với các dấu hiệu:
- Mặt bị xệ hoặc hơi cứng một cách bất thường.
- Bỗng nhiên thấy mặt tê và một bên mặt yếu hẳn đi
- Miệng bị méo, lệch hẳn sang một bên.
- Uống nước rất khó khăn, nước uống thường bị trào ra ngoài.
- Nước mắt và nước miếng tiết ra nhiều hơn bình thường.
- Khó cười, khó nói.
- Vị giác kém.
- Một bên mắt không thể nhắm kín do liệt cơ khép vòng mi
- Đau nhức trong tai, đau nhức đầu.
NGUYÊN NHÂN GÂY LIỆT DÂY THẦN KINH SỐ 7 NGOẠI BIÊN
Xin nhắc lại, bạn cần phải biết rằng liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên khác với liệt dây thần kinh số 7 trung ương. Trong khi liệt dây thần kinh số 7 trung ương xảy ra từ trong sọ não do các nguyên nhân như tai biến mạch máu não, u não hay u dây thần kinh v.v… thì liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên như tôi muốn nói ở buổi nói chuyện này xảy ra do sự tổn thương dây thần kinh số 7 kể từ vùng xương thái dương trở ra.
Bệnh liệt dây thần kinh số VII ngoại biên có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Nhưng phần lớn những trường hợp bị bệnh là do cơ thể bị nhiễm lạnh đột ngột gây ảnh hưởng trực tiếp đến dây thần kinh này.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân gây bệnh khác có thể kể đến là các biến chứng từ các loại chấn thương, chẳng hạn như chấn thương sọ ở vùng thái dương, xương chũm hoặc các chứng viêm nhiễm chẳng hạn do virus, cảm cúm (xem thêm cảm lạnh) hay viêm tai mũi họng kéo dài mà không được điều trị dứt điểm v.v…
NHỮNG NGƯỜI CÓ NHIỀU NGUY CƠ BỊ LIỆT DÂY THẦN KINH SỐ 7 NGOẠI BIÊN
Tuy rằng bất cứ đối tượng nào cũng có thể bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, nhưng những trường hợp dưới đây có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn:
- Người ốm yếu, hệ miễn dịch suy giảm.
- Phụ nữ đang mang thai.
- Những người lười vận động thể chất, những người ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
- Người có tiền sử về bệnh huyết áp hay xơ vữa động mạch.
- Người thường xuyên thức khuya và làm việc căng thẳng.
- Người thường xuyên uống rượu bia.
- Những người hay đi sớm về khuya mà dễ bị nhiễm mưa, nhiễm lạnh.
HẬU QUẢ CỦA LIỆT DÂY THẦN KINH SỐ VII NGOẠI BIÊN
Tuy liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên có thể không dẫn đến hậu quả tử vong, nhưng nó có thể gây ra các di chứng nặng nề khác nhau và càng để lâu thì các biến chứng càng trở nên phức tạp:
- Các biến chứng về mắt: Người bệnh có thể bị viêm kết mạc, viêm giác mạc, loét giác mạc, hay bị lộn mí.
- Đồng vận: Là tình trạng co cơ không tự chủ phối hợp với các hoạt động tự chủ như mép bị kéo khi nhắm mắt.
- Co thắt nửa mặt sau liệt mặt: Biến chứng này gặp ở các thể nặng do tổn thương dây thần kinh với phân bố lại thần kinh một phần.
- Hội chứng nước mắt cá sấu: Là hiện tượng chảy nước mắt khi ăn, đây là biến chứng hiếm gặp.
ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG TRÁNH LIỆT DÂY THẦN KINH SỐ VII NGOẠI BIÊN
Tùy thuộc vào mức độ bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị khác nhau, nội khoa hoặc ngoại khoa hay cũng có thể kết hợp hai phương pháp này để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
Trong điều trị nội khoa, người bệnh liệt dây thần kinh số VII sẽ được sử dụng corticoid sớm, liều cao, sau khi đã loại trừ các chống chỉ định (đái tháo đường, lao, loét dạ dày- tá tràng, rối loạn tâm thần…)
Ngoài ra có thể dùng các thuốc chống virus đặc biệt cho những trường hợp có bệnh cảnh nhiễm virus hay đau vùng sau tai, rối loạn cảm giác vùng mặt.
Nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị bệnh không quá phức tạp với phương pháp phổ biến là là mát xa kết hợp với bấm huyệt, châm cứu, hoặc với các bài tập và thủ thuật sử dụng ngải cứu, sử dụng tinh dầu hay sử dụng bút châm cứu điện tử v.v… Nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực, bệnh có thể được điều trị khỏi chỉ sau khoảng 3 tuần.
Để phòng bệnh, chúng ta cần tập thể dục thường xuyên nâng cao sức khỏe thể chất, có chế độ ăn khoa học để nâng cao sức đề kháng. Khi đi ra đường cần phải giữ ấm cho cơ thể.
Ngoài ra, có một lưu ý, tuy nhỏ nhưng rất quan trọng đối với tất cả mọi người, đặc biệt đối với người già và những người ốm yếu, là, khi thức dậy thì không nên vùng dậy đi ra ngoài ngay mà nên ngồi lại giường một lúc để cơ thể thực sự tỉnh táo rồi mới ra ngoài.
Liệt mặt _ Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên _ Life V23 _ Life V