Life 66 _ Common Cold _ Prevent and Treat
0 0
Read Time:11 Minute, 8 Second

Cảm lạnh

Cảm lạnh là bệnh truyền nhiễm ở người và có nguyên nhân chủ yếu do virus gây ra, gây viêm mũi, họng cấp tính và sổ mũi cấp tính.

Cảm lạnh là một bệnh lý phổ biến và thường xảy ra nhất ở trẻ em và người cao tuổi.

Tuy là một bệnh thường gặp và cũng thường không nặng như cảm cúm, nhưng bệnh cảm lạnh vẫn thường gây cho người bệnh cảm giác mệt mỏi và thiếu năng lượng cho các sinh hoạt thường ngày.

Hơn nữa, trên thực tế cũng còn không ít người bệnh vì chưa biết cách nhận diện được các triệu chứng bệnh cũng như cách phòng và trị bệnh cảm lạnh nên có thể còn lúng túng mỗi khi phải đối diện và xử lý bệnh tật.

Đặc biệt là, mỗi khi bị cảm lạnh, việc sử dụng thuốc gì, có dùng kháng sinh hay không và nếu phải dùng kháng sinh thì nên dùng khi nào và dùng như thế nào v.v… vẫn luôn luôn là một câu hỏi khó trả lời đối với không ít người và đương nhiên là dẫn đến việc có rất nhiều người sử dụng thuốc và tự chữa trị cảm lạnh một cách rất sai lầm, gây nhiều hậu đáng tiếc. Những hậu quả xấu dễ nhận ra là lâu khỏi bệnh, sức khỏe sa sút. Những hậu quả xấu khó nhận ra là những tổn thương các nội quan chẳng hạn như thận, gan v.v…

Triệu chứng thường gặp khi bị cảm lạnh :

Cảm lạnh thông thường có thể biểu hiện các triệu chứng khác nhau ở mỗi người bệnh, dưới đây là một số triệu chứng thường gặp nhất có thể kể đến. Các triệu chứng này có thể mới đầu sẽ chỉ xuất hiện ở mức độ nhẹ và có thể nặng dần lên kể từ sau khoảng gần 1 ngày. Cụ thể như :

– Cảm thấy mệt mỏi trong người, toàn thân nhức mỏi

– Có cảm giác ớn lạnh, nhiễm lạnh

– Hắt hơi kèm theo đau đầu kéo dài trong vài ngày

– Ho và đau họng, viêm họng

– Mất vị giác, sưng hạch bạch huyết

– Nghẹt mũi, khó thở nhưng lại chảy nước mũi, nước mắt

– Có áp lực trong tai và mặt

– Và, có thể sốt nhẹ

Các triệu chứng như trên có thể nặng nhất trong thời gian khoảng 2-4 ngày kể từ lúc bệnh khởi phát và thường chấm dứt sau khoảng hơn 1 tuần.

Tuy nhiên cũng có những trường hợp có thể bị cảm lạnh dai dẳng đến vài tuần. Trong đó có tới hơn 1/3 các trường hợp trẻ em bệnh thường kéo dài đến hơn chục ngày kèm theo ho dai dẳng và có thể dẫn đến các biến chứng viêm phổi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm xoang cấp tính hoặc các nhiễm trùng thứ cấp khác v.v…

Xin lưu ý là trong khoảng 3 ngày đầu là quãng thời gian dễ lây nhiễm cho người khác nhất.

Khi nào cần phải đi bệnh viện?

Vì bệnh cảm lạnh là một bệnh thông thường, nên chắc chắn là không phải bất cứ ai cứ hễ bị cảm lạnh là liền đi bệnh viện. Tuy nhiên, nếu bạn có một trong các triệu chứng sau đây thì bạn phải liên hệ với bác sĩ hoặc đến bệnh viện càng sớm càng tốt :

– Sốt cao trên 38,5°C từ 5 ngày trở lên hoặc đột ngột bị sốt trở lại sau một thời gian ngừng sốt

– Thường xuyên có hiện tượng khó thở, thở khò khè

– Đau họng và đau đầu nhiều dai dẳng

– Bị viêm xoang nặng.

Nếu là trường hợp trẻ em bị cảm lạnh, bạn nên lưu ý đến trẻ thường xuyên hơn, do bệnh ở trẻ sẽ nguy hiểm hơn đối với người lớn. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến viêm phổi hoặc viêm phế quản ở trẻ. Vì vậy, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi trẻ có các triệu chứng sau:

– Trẻ từ 1 – 4 tháng tuổi bị sốt 38°C

– Sốt tăng hoặc kéo dài trên 2 ngày.

– Các triệu chứng ở trẻ không được cải thiện hoặc có dấu hiệu tăng lên.

– Trẻ bị ho, khó thở, thở khò khè.

– Chán ăn, mệt mỏi.

– Đau tai, đau đầu.

– Và, buồn ngủ bất thường, rối loạn ý thức.

Nguyên nhân gây ra cảm lạnh :

Cảm lạnh thường xảy ra khi trời lạnh và mưa, hoặc có thể trong thời điểm thay đổi thời tiết một cách đột ngột. Khi đó, cơ thể dễ bị ảnh hưởng, bởi các tác nhân gây bệnh như virus hay vi khuẩn phát triển.

Bệnh cảm lạnh là virus gây ra, trong đó phổ biến nhất là các virus thuộc chủng Rhinovirus, hoặc Enterovirus. Con đường chủ yếu để virus xâm nhập vào cơ thể con người là thông qua mắt, mũi, miệng, hoặc cũng có thể thông qua các giọt bắn trong không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi hoặc chạm vào các bề mặt bị nhiễm virus.

Tuy đây là căn bệnh thường gặp và hầu như không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng tới sức khỏe của người trưởng thành, nhưng nó lại gây ảnh hưởng lớn tới trẻ em nếu mắc phải. Nguyên do là bởi vì trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện, nếu gặp điều kiện bất lợi có thể gây ảnh hưởng tới các cơ quan hô hấp như phổi, phế quản.

Phòng ngừa cảm lạnh

Như vừa nói ở trên, cảm lạnh là bệnh truyền nhiễm, gây nên do bị lây nhiễm virus. Do đó, để phòng ngừa cảm lạnh, việc đầu tiên chúng ta phải làm chính là tránh bị lây nhiễm bằng các biện pháp cụ thể chẳng hạn như :

– Rửa tay sạch sẽ và thường xuyên với nước rửa tay chuyên dụng hoặc với xà phòng

– Không dùng chung đồ cá nhân với người khác, nhất là đối với người bệnh cảm lạnh, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

– Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, đảm bảo không gian sống luôn thoáng đãng, đồ dùng trong nhà được thường xuyên lau chùi, khử trùng bằng các sản phẩm thích hợp.

– Chăm sóc sức khỏe bản thân nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng các biện pháp ăn uống hợp lý và khoa học, ngủ đủ giấc và đúng giờ, tập luyện thể chất đều đặn và đúng mức.

Điều trị cảm lạnh

Có một câu hỏi được rất nhiều người quan tâm là : “Khi bị cảm lạnh thì uống thuốc gì?”. Tuy rằng cảm lạnh thường có những triệu chứng rất bình thường, nhưng nếu không được điều trị đúng cách thì lại có thể dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm.

Xin nhắc lại, bạn cần phải nhớ rằng nguyên nhân gây cảm lạnh chủ yếu là do virus, do đó không sử dụng kháng sinh khi bị cảm lạnh trừ trường hợp bị nhiễm khuẩn và phải theo chỉ định của bác sĩ.

Hơn nữa, do bệnh lý của cảm lạnh không phức tạp, nên việc điều trị cảm lạnh chủ yếu là tập trung vào các triệu chứng của bệnh.

Trước hết, người bệnh cũng có thể chủ động áp dụng một số biện pháp điều trị đơn giản nhưng cũng rất hiệu quả như vệ sinh mũi, miệng, họng. Súc miệng bằng nước muối loãng, uống nước ấm và nước chanh mật ong hoặc nước gừng v.v… Đồng thời luôn luôn giữ ấm cho cơ thể.

Nếu cần phải sử dụng thuốc, thông thường, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh dùng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc xịt thông mũi, thuốc trị ho v.v… Cụ thể như :

– Thuốc giảm đau : Khi có triệu chứng sốt, đau họng và đau đầu nên sử dụng acetaminophen (paracetamol) hoặc hoặc ibuprofen và các thuốc giảm đau khác để hạ sốt và giảm đau. Sử dụng acetaminophen với thời gian ngắn và đúng theo hướng dẫn sẽ tránh được các tác dụng phụ từ thuốc.

Xin lưu ý là khi dùng các thuốc này, người bệnh không nên uống đồ có cồn để tránh làm tổn thương gan.

Ngoài ra, tránh sử dụng aspirin cho trẻ em bởi thuốc này có liên quan đến hội chứng Reye – có khả năng đe doạ đến tính mạng của trẻ.

– Thuốc thông mũi, giảm các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi: Có nhiều loại thuốc xịt hoặc nhỏ giúp thông mũi, chẳng hạn các loại thuốc có chứa muối, các thuốc có chất co mạch như naphazolin, xylometazolin…

Bạn cần lưu ý là những thuốc này có các tác dụng phụ như mất ngủ hoặc buồn ngủ, đau đầu hoặc rối loạn tiêu hóa, thậm chí nếu sử dụng trong thời gian dài có thể dẫn tới nghẹt mũi mạn tính. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, trước khi sử dụng thuốc co mạch mũi này thì các bé cần phải được thăm khám và có chỉ định của bác sĩ. Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo rằng không sử dụng các thuốc làm thông mũi, chống nghẹt mũi cho trẻ dưới chưa đủ 2 tuổi.

– Siro chữa ho : Mọi người có thể uống siro để giảm ho và rát họng. Tuy nhiên, không nên lạm dụng dùng dài ngày, nếu tình trạng ho rát họng không cải thiện, bạn nên khăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị bằng cách khác.

– Thảo dược : Bệnh cảm lạnh hoàn toàn có thể được trị khỏi nhờ các loại thảo dược với các bài thuốc đông y.

Có dùng kháng sinh để điều trị cảm lạnh hay không?

Để trả lời câu hỏi : “Có dùng kháng sinh để điều trị cảm lạnh hay không?“, chúng ta sẽ dần dần nói rõ từng khía cạnh một, qua đó bạn sẽ hiểu được có hay không nên dùng kháng sinh khi bị cảm lạnh!

Trước hết, tôi xin nhắc lại rằng, đa số cảm lạnh đều bị gây nên bởi virus. Do vậy nếu bạn bị cảm lạnh nhưng không kèm nhiễm khuẩn mà uống kháng sinh, thì không những kháng sinh không có tác dụng điều trị mà còn gây ra các tác dụng phụ, có hại cho cơ thể.

Các tác dụng phụ thông thường như chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn, hoặc có thể bị tiêu chảy. Còn tác dụng phụ mà gây ra các vấn đề nghiêm trọng nhưng hiếm gặp có thể là phản ứng dị ứng, khó thở, tổn thương đại tràng v.v…

Điều tệ hại nữa có thể xảy ra là việc sử dụng kháng sinh không cần thiết theo thời gian sẽ làm cho thuốc trở nên kém hiệu quả hơn ở những lần điều trị tiếp theo. Nguyên nhân là như ở các buổi nói chuyện trước tôi đã nói rõ là do các thế hệ vi khuẩn sống sót theo thời gian tiếp xúc nhiều với kháng sinh sẽ ngày càng tăng khả năng kháng lại thuốc kháng sinh, tức là hiện tượng kháng kháng sinh.

Tuy vậy, bạn có thể sử dụng kháng sinh nếu sau khi bị cảm lạnh bị nhiễm khuẩn. Một số dấu hiệu nhiễm khuẩn là đau quanh mặt và mắt, ho ra chất nhầy đặc, màu vàng hoặc màu xanh lá.

Tuy nhiên, những dấu hiệu kể trên cũng chính là những triệu chứng có thể thấy khi bị bệnh cảm lạnh, do đó sẽ khó cho bạn để phân biệt đâu là những dấu hiệu của cảm lạnh ban đầu và đâu là những dấu hiệu bị nhiễm khuẩn để dùng kháng sinh.

Để dễ xác định điều này, bạn hãy chú ý theo dõi 2 yếu tố chính là :

– Mức độ kéo dài bệnh : Nếu thấy các triệu chứng kể trên kéo dài hơn 1 tuần

– Và, mức độ nặng của bệnh : Nếu tình trạng bệnh trở nên xấu hơn mỗi ngày

Như vây, nếu bạn bị cảm lạnh vừa lâu mãi không khỏi (tức khoảng hơn 1 tuần mà vẫn chưa đỡ bệnh) và bệnh tình mỗi ngày một nặng thêm thì rất có thể cơ thể đã bị nhiễm vi khuẩn và lúc này cần phải sử dụng kháng sinh để kết hợp điều trị.

Tuy nhiên bạn không được tự ý hay lạm dụng sử dụng kháng sinh khi chưa được sự thăm khám và kê đơn của bác sĩ.

Ngoài ra, tôi cũng xin lưu ý là bạn không được sử dụng thuốc nếu bạn bị dị ứng với bất cứ thuốc kháng sinh nào thuộc nhóm này. Hơn nữa, bạn cũng phải hết sức thận trọng nếu đã từng dùng thuốc nhưng men gan tăng trong thời gian dùng thuốc.

Kháng sinh được sử dụng đúng cách có thể mang lại hiệu quả điều trị cao như trong trường hợp điều trị viêm phế quản, viêm phổi, viêm họng, nhiễm trùng tai và đau mắt đỏ – do vi khuẩn gây bệnh.

Tóm lại, việc điều trị cảm lạnh không phức tạp. Tuy nhiên, trong trường hợp bị nhiễm khuẩn sau cảm lạnh và nếu cảm thấy cần phải sử dụng kháng sinh, thì cần phải có sự thăm khám và kê đơn của bác sĩ.

About Post Author

Maître VIKUDO

Docteur en Physiopathologie
Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Huyệt Kiên tỉnh, Shoulder Well, Jianjing Previous post Huyệt Kiên tỉnh – Túc thiếu dương đởm _ GB21
Huyệt Khúc viên, Crooked Wall, Quyuan Next post Huyệt Khúc viên _ Thủ thái dương tiểu trường _ Acupoint SI13

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *