Table of Contents
LỢI ÍCH VÀ MỐI NGUY HẠI CỦA VIỆC SỬ DỤNG THUỐC KHÁNG SINH
Thuốc kháng sinh cũng được ví như con dao hai lưỡi!
Chào bạn,
Thuốc kháng sinh đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử y học nhân loại, giúp cứu sống hàng triệu người mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn nguy hiểm. Tuy nhiên, kháng sinh cũng như tất cả các loại thuốc khác và giống như con dao hai lưỡi, đã là thuốc thì phải được sử dụng đúng cách để được an toàn và hiệu quả.
Vì kháng sinh là thuốc trị bệnh nhiễm khuẩn nên cần phải được lưu ý một cách đặc biệt hơn so với các loại thuốc khác. Bởi vì nếu sử dụng kháng sinh không đúng cách sẽ gây nên những tác hại rất lớn không chỉ riêng cho người bệnh mà còn gây nên những tác hại không dễ dàng cân đo đong đếm được cho cộng đồng, như :
- Việc lạm dụng kháng sinh dễ gây ra những tác hại rất lớn đối với sức khỏe của người bệnh, chẳng hạn như những tai biến cho cơ thể như dị ứng, nhiễm độc các nội quan, loạn khuẩn đường ruột gây suy dinh dưỡng hoặc tiêu chảy trầm trọng …
- Việc sử dụng kháng sinh tùy tiện và bừa bãi rất dễ gây nên những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, ảnh hưởng đến không những cá nhân người bệnh, mà còn ảnh hưởng đến cả những người xung quanh, đó là hiện tượng kháng kháng sinh của vi khuẩn.
Đối với riêng cá nhân người bệnh, nếu có hiện tượng kháng kháng sinh của vi khuẩn thì trước hết bản thân người bệnh sẽ trở nên khó khăn hơn trong việc điều trị các loại bệnh gây nên bởi vi khuẩn. Rồi tiếp theo, cả cộng đồng cũng phải chịu hậu quả tương tự. Bởi vì, sự kháng kháng sinh của vi khuẩn sẽ nhân rộng trong toàn bộ hệ sinh thái vi khuẩn trong toàn bộ môi trường sống, trong đó có người bệnh nói trên.
Sự kháng kháng sinh không những chỉ phát triển trong phạm vi một chủng vi khuẩn nào đó với muôn vàn thế hệ vi khuẩn con cháu kháng thuốc, mà còn có thể nhân rộng sang các chủng vi khuẩn khác bằng việc truyền gen kháng thuốc giữa chủng vi khuẩn này với các chủng vi khuẩn khác theo cơ chế “chuyển gen ngang”.
Hậu quả là, không chỉ một người như trường hợp kể trên sẽ bị khó khăn trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn, mà sẽ có rất nhiều người trong cộng đồng cũng sẽ bị chịu hậu quả tương tự. Các bác sĩ sẽ phải không ngừng tìm kiếm các loại thuốc mới để thay thế trong khi việc nghiên cứu và sản xuất thuốc mới không hề dễ dàng. Thậm chí, ngay cả có những loại thuốc mới mà chủ yếu đang được dự trữ trong kho giống như những giải pháp cuối cùng cũng sẽ nhanh chóng trở nên bị vô hiệu nếu đã được đưa ra dù chỉ số ít để sử dụng nhưng không đúng cách bởi một số ít trường hợp nào đó mà dẫn đến sự kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn, dẫn đến các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh này tràn ngập trong môi trường sống chung và gây họa cho cả cộng đồng. Đến một ngày nào đó, loại thuốc mới kia có được đem ra sử dụng đại trà cũng sẽ trở nên vô dụng.
Một số ý tôi vừa nói đây chính là để cố gắng nói cho bạn hiểu sự tác hại của việc sử dụng kháng sinh sai cách dẫn đến những hậu quả xấu như thế nào, không chỉ hại cho riêng mình, mà còn hại cho cả người khác.
5 NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG THUỐC KHÁNG SINH
Vì những lý do nêu trên, bản thân mỗi người cần phải có ý thức sử dụng thuốc kháng sinh đúng cách, vừa để bảo vệ mình, vừa để bảo vệ người khác. Và, nên tuân thủ 5 nguyên tắc cơ bản sau đây :
1) Dùng đúng loại kháng sinh phù hợp để tiêu diệt đúng loại vi khuẩn gây bệnh
Ta biết rằng, nói về vi sinh vật nói chung tức là những vi sinh vật có kích thước rất nhỏ, bao gồm cả vi khuẩn, nấm và virus.
Thế mà virus cúm thì thường gây ra ho và cảm lạnh, nấm sợi thì có thể gây nhiễm trùng da, còn vi khuẩn phế cầu thì có thể gây viêm phổi. Như vậy, việc xác định được bệnh gì để đoán ra nguyên nhân do vi sinh vật nào gây ra (do virus, do nấm hay do vi khuẩn) để lựa chọn thuốc thì cũng đã là khó. Chỉ có thầy thuốc điều trị dựa vào kinh nghiệm chữa bệnh, dựa vào xét nghiệm, làm kháng sinh đồ mới xác định được có nhiễm khuẩn hay không.
Hơn nữa, trên thực tế có những loại bệnh lý có thể bị gây nên bởi không chỉ một mà nhiều loại vi sinh vật khác nhau, chẳng hạn bệnh viêm họng.
Bệnh viêm họng có thể bị gây nên do cả vi khuẩn hoặc virus. Do đó để xác định được đúng nguyên nhân virus hay vi khuẩn và do vi khuẩn gì để có những quyết định dùng kháng sinh hay không, nếu chỉ do virus gây ra thì không dùng kháng sinh, nếu do vi khuẩn thì có thể dùng kháng sinh. Nhưng nếu dùng kháng sinh thì dùng kháng sinh gì, liều lượng bao nhiêu, thời gian điều trị dự kiến bao lâu để có thể tiêu diệt được vi khuẩn, giúp người bệnh nhanh chóng khỏi bệnh và không gây kháng kháng sinh ở vi khuẩn.
Những việc này thực sự là những thử thách không nhỏ, đòi hỏi phải có sự can thiệp và hướng dẫn đúng đắn của các bác sĩ có chuyên môn và, có lương tâm.
2) Không dùng kháng sinh trong các trường hợp bệnh do virus như cúm, cảm lạnh
Có nhiều người sử dụng kháng sinh đến mức độ đáng sợ là, hễ cứ hễ bị cảm, bất kể nguyên nhân gì nhưng hễ cứ có các triệu chứng như ho, đau rát cổ v.v… là liền lôi kháng sinh ra uống.
Bạn cần phải biết rằng, đối với các bệnh như cảm lạnh, cúm, hầu hết các trường hợp viêm họng, viêm phế quản (tức có tới trên dưới 90% các trường hợp) là do virus gây ra. Do đó, kháng sinh không có tác dụng điều trị với các trường hợp này.
Các loại bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn do vi khuẩn (có thể chiếm tới 30% trường hợp viêm họng ở trẻ em và tới 15% trường hợp viêm họng ở người lớn). Các trường hợp này thì cần phải được điều trị bằng kháng sinh. Và, tất nhiên phải theo đúng chỉ định của bác sĩ để không những đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị, mà còn tránh được hiện tượng kháng kháng sinh ở vi khuẩn gây bệnh.
3) Sử dụng đúng kháng sinh, đúng liều, đúng cách, đủ thời gian
Sử dụng đúng kháng sinh để tiêu diệt đúng đối tượng vi khuẩn gây bệnh.
Bạn phải dùng đúng loại kháng sinh mà bác sĩ đã kê đơn cho bạn và thực hiện đúng thời điểm, đúng liều lượng và đủ liệu trình. Không được ngừng thuốc ngay cả khi bạn cảm thấy đỡ bệnh, tránh hiện tượng vi khuẩn sống sót sẽ phục hồi và gây bệnh trở lại cùng với khả năng kháng thuốc ngày càng tăng của chúng.
Sử dụng đúng liều và đủ thời gian để thuốc có đủ hiệu lực để tiêu diệt vi khuẩn, tránh được hiện tượng nhờn thuốc tức kháng kháng sinh. Tùy theo loại bệnh và tình trạng bệnh thời gian dùng kháng sinh có khi dài khi ngắn nhưng thông thường là không dưới 5 ngày.
Thông thường thì kháng sinh chỉ được dùng để tiêu diệt vi khuẩn đang hiện hữu chứ không sử dụng kháng sinh để phòng ngừa. Tuy nhiên trong thực tế có những trường hợp đặc biệt vẫn được chỉ định kháng sinh để phòng ngừa, chẳng hạn, dùng kháng sinh phòng ngừa trong phẫu thuật do nguy cơ nhiễm khuẩn hậu phẫu. Hoặc, người bị viêm nội mạc tim đã chữa khỏi vẫn phải dùng kháng sinh để ngừa tái nhiễm.
Việc sử dụng phối hợp nhiều loại kháng sinh một lúc chỉ được áp dụng khi thật cần thiết và luôn luôn là do bác sĩ cân nhắc và quyết định.
4) Không chia sẻ thuốc kháng sinh trong đơn thuốc với người khác
Bạn không được cho người khác thuốc kháng sinh đã được kê đơn cho mình và ngược lại, bạn cũng không được sử dụng đơn thuốc của người khác để áp dụng cho bản thân. Bởi mỗi người và mỗi thời điểm có những điều kiện thể chất khác nhau dẫn đến bác sĩ phải kê những đơn thuốc khác nhau, phù hợp với từng thể trạng cụ thể.
Do đó, ngay cả đối với chính bản thân bạn, một đơn thuốc cũng không thể được áp dụng mãi mãi ngay cả khi bệnh tái phát. Còn, việc áp dụng đơn thuốc của người này cho người khác thì lại càng nguy hiểm hơn.
5) Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ :
Sự chỉ định thuốc kháng sinh phải dựa trên hiểu biết về thể trạng của người bệnh, đặc biệt là đối với phụ nữ có thai, người già, người bị suy gan, suy thận v.v…
Có những loại bệnh cần được điều trị bằng kháng sinh càng sớm càng tốt. Chẳng hạn bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn. Đây là một loại bệnh do nhiễm khuẩn gây ra. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như viêm thận hoặc thấp tim. Điều trị bằng kháng sinh đúng cách sẽ giúp làm giảm nhẹ triệu chứng, rút ngắn thời gian bị bệnh, giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng trên. Đồng thời giúp hạn chế lây bệnh cho những người xung quanh.
Chúc bạn mạnh khỏe, tạm biệt và hẹn gặp lại!