Sỏi mật có 3 loại chính: Sỏi cholesterol, sỏi sắc tố mật và sỏi hỗn hợp.
Table of Contents
Sỏi mật _ Phòng và trị
TÚI MẬT
Trong cơ thể người chúng ta, túi mật là một cơ quan có kích thước lớn tương tự như một quả lê nhỏ nằm dưới gan ở phía bên phải của bụng.
Túi mật được kết nối với gan và ruột bằng các ống dẫn, bao gồm ống gan, ống túi mật và ống mật chủ.
Chức năng của túi mật là lưu trữ và cung cấp mật cho quá trình tiêu hóa.
Mật là một chất lỏng trong suốt, màu xanh hoặc vàng, độ pH hơi kiềm, được sản xuất bởi gan và được tạo thành từ nhiều chất, trong đó có các thành phần quan trọng như sắc tố mật (bilirubin), acid mật (hay còn gọi là muối mật) có thành phần nguyên liệu quan trọng là cholestérol và, cholestérol được nhũ hóa bởi chính acid mật và một chất béo khác là lecithin.
SỰ HÌNH THÀNH SỎI MẬT
Bình thường, dịch mật với các thành phần chính nói trên được tiết từ túi mật vào ruột non để hòa tan các chất béo trong thức ăn và rồi được đào thải ra ngoài qua phân trong quá trình tiêu hóa. Trong đó, riêng acid mật thì được cơ thể tái hấp thụ trong chu trình ruột-gan.
Như vậy, bạn có thể hình dung ngay được rằng, cholestérol cũng là một thành phần không thể thiếu trong dịch mật với vai trò nguyên liệu tạo nên acid mật.
Thế nhưng, nếu cơ thể quá dư thừa cholestérol sẽ dễ dẫn đến tình trạng gan sẽ cũng phải xuất ra quá nhiều cholesterol với chức năng loại bỏ cholestérol thừa của cơ thể và khi đó, lượng cholestérol trong dịch mật sẽ trở nên mất cân đối, bởi lượng acid mật và lecithin được sản xuất ra không đủ để hòa tan chúng và như vậy, lượng chất béo cholesterol dư thừa này sẽ kết lại với nhau và tạo thành các tinh thể cholesterol lớn nhỏ khác nhau, hay còn gọi là sỏi mật.
CÁC LOẠI SỎI MẬT
Sỏi mật có 3 loại chính: Sỏi cholesterol, sỏi sắc tố mật và sỏi hỗn hợp.
Trong đó, có tới 80% trường hợp mắc sỏi túi mật là dạng sỏi cholesterol. Đây là những khối rắn chắc hoặc dạng bùn được hình thành do sự kết tụ của các thành phần có trong dịch mật trong đó có cholestérol nói trên với các kích thước khác nhau tùy trường hợp, từ nhỏ như hạt cát hoặc thậm chí có kích thước lớn đến vài cm như một quả trứng.
Sỏi có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trong hệ thống dẫn mật như sỏi túi mật, sỏi ống mật chủ, đường dẫn mật trong gan (sỏi gan)…
TRIỆU CHỨNG
Khi sỏi mắc kẹt bên trong ống mật, nó có thể gây đau ở bụng trên, bên phải hoặc xung quanh bả vai phải, kèm theo nôn và buồn nôn. Cơn đau thường kéo dài đến vài giờ và chỉ hết đau khi sỏi rơi trở lại bên trong túi mật.
Cũng có khi, người bệnh thậm chí không biết mình có sỏi túi mật cho đến khi nó nghẹt ở ống túi mật, lúc ấy mới bị đau và cần được điều trị ngay tức thì.
Khi mà một viên sỏi bị mắc kẹt trong ống mật, nó có thể ngăn chặn dòng chảy của mật, gây viêm túi mật và gây tổn thương cho gan, tổn thương tuyến tụy, dẫn đến có các triệu chứng dễ nhận ra như da và lòng trắng mắt chuyển sang màu vàng, trong khi đó thì phân mất màu vàng thông thường mà có màu trắng như phân cò, nước tiểu vàng sậm…
NGUYÊN NHÂN
Có nhiều nguyên nhân gây ra sỏi mật, chẳng hạn do sự mất cân bằng các thành phần có trong dịch mật bởi nhiều nguyên nhân khác nhau mà trong đó cũng có thể là do yếu tố cơ địa của từng người; hay do ứ trệ dịch mật kéo dài bởi nhiều lý do; và, do viêm đường mật và nhiễm khuẩn dịch mật.
CÁC YẾU TỐ CÓ THỂ GÂY SỎI MẬT
Dưới đây xin nêu ra một số yếu tố cụ thể có thể trực tiếp hay gián tiếp gây sỏi mật:
- So với nam giới thì nữ giới có nguy cơ mắc sỏi mật cao hơn và, tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh càng lớn
- Phụ nữ mang thai dễ mắc sỏi mật vì trong giai đoạn này, túi mật không co bóp như bình thường, mật tích tụ nhiều cholesterol hơn.
- Phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai dài ngày, làm tăng hormone estrogen từ đó làm tăng đào thải cholesterol từ gan vào trong mật.
- Sử dụng thuốc hạ cholesterol (hạ mỡ máu) làm tăng đào thải cholesterol vào trong dịch mật.
- Người thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu, tăng chất béo triglyceride máu dẫn đến tỷ lệ cholestérol trong dịch mật cao.
- Người thực hiện các biện pháp giảm cân quá nhanh cũng có thể làm thúc đẩy quá trình đào thải cholestérol vào trong dịch mật.
- Bệnh viêm đường tiêu hóa Crohn khiến cơ thể người bệnh không thể tái hấp thu acid mật (tức muối mật), gây thiếu hụt acid mật để hoà tan cholestérol trong mật.
- Chức năng gan suy giảm (gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, men gan cao…) làm giảm chất lượng dịch mật
- Chế độ ăn uống ít calo, nhiều chất béo bão hòa, ít chất xơ và rau xanh.
- Lối sống ít vận động khiến dịch mật bị ứ trệ tạo điều kiện thuận lợi cho cholesterol ngưng kết thành sỏi mật.
PHÒNG VÀ TRỊ SỎI MẬT
Phòng ngừa luôn luôn dễ thực hiện hơn việc điều trị:
- Uống nhiều nước. Người bình thường có nhu cầu khoảng trên dưới 2 L nước mỗi ngày. Nếu bạn là người có nguy cơ bị sỏi mật hoặc đang bị sỏi mật, bạn cần phải uống nhiều hơn thế và uống nhiều lần trong ngày.
- Nước trái cây xanh rất tốt để ngăn ngừa tái phát ở những người đã từng bị sỏi mật. Nước trái cây có chứa rau bina và rau mùi tây rất giàu chất diệp lục, một sắc tố có tác dụng làm sạch tự nhiên.
Bạn có thể uống mỗi ngày tối thiểu 1 ly 240 mL hỗn hợp nước ép của các loại rau quả xanh nói chung với carrot và pha loãng với nước để phòng và góp phần điều trị sỏi mật rất có hiệu quả. - Nói về chế độ ăn, một trong những biện pháp phòng ngừa sỏi mật tốt nhất là chế độ ăn nhiều chất xơ. Hãy ăn nhiều đậu xanh, rau quả tươi các loại như bơ, nam việt quất, dâu, nho, dưa chuột, củ cải đường, súp lơ, ớt chuông, cam, táo. Ăn ngũ cốc nguyên hạt và tìm cách thêm bột yến mạch vào các công thức nấu ăn của mình một cách hợp lý.
- Ăn hạn chế các chất béo như dầu mỡ, không ăn da gia súc, gia cầm, da cá, cũng như nội tạng động vật. Hạn chế ăn các loại đồ ăn nhanh, ăn nhẹ chế biến sẵn, các loại thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ mặc dù xét về mặt ẩm thực, chúng có thể là những món ăn rất ngon miệng.
- Ăn nhiều cá béo có lợi cho sức khỏe như cá hồi, cá thu, cá ngừ v.v…
- Nên sử dụng sữa gầy thay vì sử dụng sữa béo
- Hạn chế thực phẩm từ đường tinh chế, các loại thức ăn đóng hộp
- Hạn chế dùng các loại thuốc nội tiết, thuốc hạ mỡ máu…
- Tránh các bữa ăn lớn mà nên ăn ít hơn nhưng thường xuyên hơn để giúp túi mật dễ dàng đào thải các chất không mong muốn ra ngoài nhanh hơn
- Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để có thể sử dụng thêm các loại vitamin và các chất bổ sung sao cho phù hợp, chẳng hạn như:
Vitamin C, lecithin, acid aminé taurine, dầu hạt lanh. Bạn có thể tìm thấy các loại sản phẩm này trong các cửa hàng thực phẩm sức khỏe tại địa phương của bạn cũng như trên các website của họ - Bằng cách chống lại tình trạng thừa cân, bạn đã loại bỏ được nguyên nhân số 1 gây ra sỏi mật.
- Tăng cường luyện tập, vận động thể chất. Luyện tập thể dục 30 phút mỗi ngày sẽ giúp tăng vận động đường mật, giảm ứ trệ dịch mật, kết hợp song song với chế độ ăn để nâng cao hiệu quả điều trị sỏi mật.
- Ngoài ra, các liệu pháp tinh dầu áp dụng trực tiếp lên vùng bụng bên phải tức vùng gan cũng có tác dụng giảm đau rất hiệu quả do sỏi mật gây nên
- Hoặc các biện pháp xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu nhằm tăng cường chức năng gan
- Hay một số bài tập yoga cụ thể tăng cường chức năng gan, phòng và chữa rối loạn túi mật cũng rất có hiệu quả v.v…
Các bài, các liệu pháp nói trên sẽ được chúng tôi lần lượt phát hành trên các kênh youtube khác nhau của VIKUDO trong thời gian tới. Nếu bạn có nhu cầu đề cập về bất cứ bệnh tật gì, hãy đừng ngần ngại phản hồi và tương tác với chúng tôi!
Chúc bạn khỏe,