Collagen là gì? Tác dụng và cách sử dụng _ Life 76
Table of Contents
Collagen là gì
Collagen có nhiều nhất trong các mô động vật, từ cấu trúc vi sợi tạo nên các cấu trúc cuộn ở nhiều cấp độ khác nhau. Collagen có vai trò như một loại keo dán kết dính các mô tế bào với nhau, nhờ vậy mà nó giúp xác định và duy trì hình dạng của các mô trong cơ thể.
Chứa khoảng 1/3 hàm lượng protein, collagen được đánh giá là hợp chất chứa nhiều protein nhất trong cơ thể với chức năng xây dựng các khối cơ quan da, cơ, gân và dây chằng, xương, răng, mạch máu, giác mạc …
Các loại collagen
Trong cơ thể người chúng ta có ít nhất 16 loại collagen khác nhau nhưng với tỷ lệ rất khác nhau, cụ thể dưới đây là một số loại quan trọng:
- Collagen loại 1, chiếm tới 90% lượng collagen trong cơ thể. Với cấu trúc từ các sợi dày đặc, collagen loại 1 góp phần tạo nên cấu trúc da (tức hạ bì), tạo cho da chất lượng đàn hồi và vững chắc. Collagen loại 1 cũng giúp hình thành xương, răng, cơ, gân và dây chằng cũng như các loại mô liên kết khác. Nó rất quan trọng đối với việc giữ chắc các mô cũng như việc chữa lành các vết thương.
- Collagen loại 2, được tạo nên từ các sợi lỏng lẻo hơn so với collagen loại 1. Collagen loại 2 có tác dụng chủ yếu là giúp xây dựng sụn và thường được tìm thấy trong các mô liên kết. Sức khỏe của các khớp của chúng ta dựa vào sụn được tạo thành từ collagen loại 2, đó là lý do tại sao collagen có lợi cho việc ngăn ngừa đau khớp do tuổi tác hoặc các triệu chứng viêm khớp khác nhau.
- Collagen loại 3, được tạo thành từ các sợi lưới và là thành phần chính của chất nền ngoại bào tạo nên các cơ quan và da của chúng ta. Nó thường được tìm thấy với collagen loại 1 và giúp cung cấp cho da độ đàn hồi và săn chắc. Collagen loại 3 cũng tạo thành các mạch máu và mô bên trong tim.
Theo kết quả từ một số nghiên cứu trên động vật thì sự thiếu hụt collagen loại 3 có liên quan trực tiếp đến nguy cơ vỡ mạch máu cao hơn và thậm chí tử vong sớm.
- Collagen loại 4, có tác dụng quan trọng là hình thành lớp nền (basal lamina) (https://en.wikipedia.org/wiki/Basal_lamina) – là một lớp mỏng chất lỏng giống như gel cung cấp đệm cho mô ở bên trên nó. Collagen loại 4 được tìm thấy trong các tế bào nội mô hình thành mô bao quanh các cơ quan, cơ và chất béo, nằm trên phần lớn các cơ quan tiêu hóa và bề mặt hô hấp của cơ thể.
- Collagen loại 5, loại collagen này có tác dụng cần thiết để tạo ra bề mặt của tế bào, cũng như cấu trúc mô và lông mao của nhau thai bám vào thành tử cung, đảm bảo quá trình trao đổi chất và nuôi dưỡng thai nhi tốt của bà bầu.
- Collagen loại 10, giúp hình thành xương mới và hình thành sụn khớp với việc tham gia vào quá trình hóa học nội mạc, cách mà mô xương được tạo ra ở động vật có vú cũng như con người chúng ta. Collagen loại 10 đã được chứng minh là có lợi cho việc chữa lành gãy xương và sửa chữa các khớp hoạt dịch.
Một thực tế buồn mà chúng ta phải chấp nhận là khi tuổi tác càng cao thì collagen được sản xuất ra không những càng ít về lượng mà còn giảm cả về chất. Những dấu hiệu giúp chúng ta dễ dàng nhận biết là càng lớn tuổi thì làn da càng kém săn chắc và trở nên nhăn nheo hơn, các ổ sụn, đệm khớp cũng trở nên yếu và dễ bị tổn thương hơn.
Tác dụng của collagene đối với cơ thể
Collagen tăng cường sức khỏe của da và tóc
Lợi ích đầu tiên nổi bật phải nói đến của collagen đó chính là khả năng cải thiện sức khỏe của da và tóc.
Như trên vừa nói, khi con người càng già thì collagen càng suy giảm cả về lượng và chất. Khi đó làn da của chúng ta sẽ trở nên lỏng lẻo hơn, nhiều nếp nhăn hơn và kém đàn hồi hơn, trong đó, hiện tượng gọi là « chứng da sần vỏ cam » (cellulite) cũng dễ xuất hiện. Tăng cường tiêu thụ collagen bằng nhiều cách khác nhau (chẳng hạn tiêu thụ loại hydrolysate) có thể giúp làn da của chúng ta săn chắc hơn, mịn màng và dẻo dai hơn, đồng thời khả năng bình phục và chữa lành các vết thương cũng được tăng cường và tất nhiên ngay cả chứng da sần vỏ cam nói trên cũng có thể được cải thiện đáng kể.
Cũng không phải tự nhiên mà collagen trở thành một trong những thành phần chăm sóc da tự nhiên tốt nhất hiện có.
Collagen giữ cho bộ xương khỏe mạnh
Khi chúng ta già đi, mật độ xương cũng giảm theo hay nói cách khác là tình trạng loãng xương tăng theo và đặc biệt là ở phụ nữ tuổi mãn kinh.
Theo các kết quả nghiên cứu, collagen không những đã tham gia có hiệu quả vào việc kìm hãm quá trinh loãng xương mà ngược lại còn kích thích quá trình hình thành xương.
Collagen giúp giảm đau và thoái hóa khớp
Một trong những dấu hiệu hay triệu chứng rất khó chịu xảy ra ở chân xuất hiện khi cơ thể chúng ta bị giảm collagen là chân trở nên mất linh hoạt, cứng đơ và đau nhức nhất là khi di chuyển. Lúc này hệ thống gân và dây chằng của chúng ta do mất collagen mà trở nên khó vận động, các ổ khớp của chúng ta bị cứng, sưng và đau v.v…
Việc tiêu thụ nhiều collagen trong trường hợp này sẽ giống như tăng cường chất bôi trơn các ổ khớp giúp cho sự vận động trở nên dễ dàng và linh hoạt hơn. Trên thực tế, việc sử dụng collagen mà đặc biệt là collagen loại 2 đã trở thành một phương pháp điều trị viêm xương khớp cũng như các chứng rối loạn khớp khác rất hiệu quả. Cụ thể là những người bị viêm khớp dạng thấp, những người bị đau nhức xương khớp được điều trị bằng collagen loại 2 đã có những sự giảm sưng, giảm đau rất rõ rệt ở các khớp cũng như có những sự cải thiện rất đáng kể trong các hoạt động hàng ngày, như đi bộ, leo cầu thang, cải thiện được giấc ngủ do giảm đau nhức v.v…
Collagen bảo vệ đường tiêu hóa
Một tác dụng nổi bật của collagen trong việc bảo vệ đường tiêu hóa là nó có thể giúp khắc phục tình trạng ruột rò rỉ.
Hội chứng ruột rò rỉ là một tình trạng mà các chất độc có hại không được nhanh chóng tống ra ngoài mà có thể ngấm ngang qua đường ruột vào mạch máu gây hại cho cơ thể. Ở đây, collagen sẽ giúp làm dịu niêm mạc ruột, hình thành mô liên kết và do đó chữa lành các tổn thương trên lớp màng bảo vệ của đường tiêu hóa.
Ngày nay chúng ta biết rằng, nhiều căn bệnh thực sự có thể bắt nguồn từ chứng viêm hoặc kích ứng xuất phát từ đường ruột không khỏe mạnh. Sức khỏe đường ruột kém – bao gồm những thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột và tính thẩm thấu trong niêm mạc ruột – cho phép các phần tử độc hại xâm nhập vào máu và gây viêm.
Trên thực tế, các kết quả nghiên cứu đã cho thấy ở những bệnh nhân bị bệnh viêm ruột, nồng độ collagen trong huyết thanh giảm rõ rệt. Thế mà các axit amin trong collagen có vai trò xây dựng mô lót của đường tiêu hóa nói chung và của ruột kết nói riêng (Ruột kết hay còn gọi là đại trực tràng, là phần dài nhất của ruột già và là phần thấp nhất của hệ tiêu hóa). Do đó, việc bổ sung collagen có thể giúp điều trị các triệu chứng rối loạn tiêu hóa bao gồm hội chứng ruột rò rỉ, bệnh ruột kích thích (IBD), trào ngược axit, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng v.v…
Ngoài ra, collagen cũng còn được biết có tác dụng giúp hấp thụ nước trong ruột, giúp cho việc bài tiết các chất được dễ dàng.
Collagen tăng cường trao đổi chất và năng lượng, tăng sinh cơ
Collagen giúp cơ thể tăng cường khối lượng cơ cũng như tăng cường các quá trình trao đổi và chuyển hóa các chất. Cụ thể, một thành phần quan trọng của collagen là axit amin với tên gọi là glycine có tác dụng giúp hình thành mô cơ bằng cách chuyển đổi glucose thành năng lượng nuôi các tế bào cơ. Thế mà, việc duy trì khối lượng cơ là rất quan trọng và đặc biệt quan trọng đối với tuổi già. Bởi vì, hệ cơ có tác dụng hỗ trợ sức khỏe của xương, cùng với hệ xương duy trì tư thế. Ngoài ra, hệ cơ cũng đốt cháy nhiều calo hơn chất béo. Điều này chắc bạn cũng dễ quan sát thấy, những người cơ bắp và hoạt động cơ bắp sẽ tiêu thụ calo với tỷ lệ cao hơn hẳn so với những người béo phì, nhiều mỡ thừa.
Ngoài vai trò quan trọng đối với hệ tiêu hóa, glycin cũng cho thấy vai trò quan trọng đối với hệ thần kinh trung ương, giúp duy trì một cơ thể khỏe mạnh và trẻ trung. Đồng thời nó cũng có khả năng làm giảm tác động của lão hóa bằng cách cải thiện việc sử dụng chất chống oxy hóa của cơ thể và cũng được sử dụng trong quá trình xây dựng các tế bào khỏe mạnh từ DNA và RNA.
Ngoài ra, collagen cũng đã được rất nhiều nghiên cứu chỉ ra là giúp cơ thể tăng cường khả năng tạo ra protein cần thiết, có tác dụng sửa chữa mô cơ, chữa lành các vết thương.
Collagen tăng cường sức khỏe cho răng, tóc và móng
Nếu bạn thấy mình có hiện tượng móng tay dễ bị bong tróc và gãy rách, thì bạn có thể nghĩ đến nguyên nhân thiếu collagen! Bởi vì, các loại protein có trong collagen cũng là thành phần cấu tạo nên răng, tóc và móng tay của chúng ta. Do đó, việc ăn uống, tiêu thụ đầy đủ collagen là cần thiết để giúp tăng cường sức khỏe cho răng, tóc và móng. Theo một nghiên cứu đăng trên Journal of Investigative Dermatology thì có một mối quan hệ mật thiết giữa chất nền ngoại bào (ECM) với việc tái tạo nang tóc. Và, collagen cũng đã trở thành một giải pháp tiềm năng đối với chứng rụng tóc và các chứng bệnh liên quan đến da khác.
Collagen có tác dụng cải thiện sức khỏe gan
Collagen có thể giúp chúng ta giải độc cơ thể, cải thiện lưu lượng máu và duy trì sự tươi trẻ của trái tim. Trên thực tế các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng glycine trong collagen có thể được sử dụng để giúp giảm tổn thương gan do rượu và các dạng tổn thương gan cấp tính hoặc mãn tính khác.
Collagen có tác dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch
Một thành phần cũng rất quan trọng nữa của collagen là axit amin proline rất cần thiết cho quá trình sửa chữa mô trong khớp, nó tham gia làm thành những chiếc đệm bằng sụn chống lại những tác động chuyển động mạnh và đột ngột, rung hoặc sốc.
Ngoài ra, axit amin này còn có tác dụng tham gia vào các quá trình sửa chữa mô trong động mạch, ngăn ngừa chứng xơ vữa động mạch bằng cách giúp thành động mạch giảm thiểu và giải phóng chất béo tích tụ trong máu.
Hơn nữa, một tiền chất của proline là axit amin arginene còn có tác dụng giúp các quá trình làm giãn mạch, tức làm mở rộng động mạch và thư giãn các tế bào cơ và mạch máu, cho phép lưu thông máu tốt hơn.
Nguồn cung cấp collagen
Bổ sung collagen tự nhiên qua các loại thực phẩm
Trước khi nói đến việc bồi bổ collagen bằng bất cứ cách nào khác, chúng ta không nên q uên một con đường bồi bổ quan trọng hàng đầu, diễn ra hàng ngày và diễn ra suốt đời, đó chính là thông qua việc ăn uống.
Trong các loại thực phẩm, collagen được dự trữ dưới dạng tiền chất procollagen. Nó được tạo ra bằng cách kết hợp 2 loại axit amin là glycine và proline và dưới tác dụng của vitamin C.
Do đó, để tăng sinh collagen cho cơ thể thì một số loại thực phẩm lành mạnh dưới đây là những gợi ý quan trọng:
Collagen bò :
Trong việc sử dụng thực phẩm lấy từ bò, collagen có nhiều trong da và xương. Ở đây tôi khuyến khích bạn sử dụng các sản phẩm từ xương và cơ của chúng. Các thực phẩm nói trên rất giàu collagen loại 1 và 3 với nguồn cung cấp dồi dào cả glycine và proline, rất hữu ích cho việc sản xuất creatine, xây dựng cơ bắp và cũng giúp cơ thể tự sản xuất ra collagen.
Nước hầm xương bò là một trong những cách làm đơn giản nhất, có tác dụng giải độc, làm sạch gan, góp phần chữa bệnh rò rỉ đường ruột và cải thiện chức năng miễn dịch tổng thể.
Collagen gà :
Nếu như các thực phẩm lấy từ bò giàu collagen loại 1 và 3 thì thịt gà giàu collagen loại 2 – thành phần quan trọng xây dựng sụn. Điều đó có nghĩa, nếu chúng ta muốn cải thiện sức khỏe của khớp thì hãy chú ý tiêu thụ nhiều các loại thực phẩm từ gà.
Một điều cũng rất đáng chú ý là, các loại thực phẩm từ gà cũng cung cấp nhiều chondroitin sulfate và glucosamine sulfate, cả hai đều có tác dụng chống lão hóa. Trên thực tế, đa số các chất bổ sung có chứa collagen loại 2 bán trên thị trường đều được chế biến từ gà.
Collagen cá :
Khác với hai nguồn từ bò và gà nói trên, collagen có nguồn gốc từ cá được chứng minh là dễ hấp thụ và cung cấp hầu hết là collagen loại 1, với các axit amin glycine, proline và hydroxyproline.
Vì collagen loại 1 phân bố hầu hết trên toàn bộ cơ thể, do đó tiêu thụ nhiều sản phẩm từ cá hơn sẽ dễ dàng đáp ứng được nhu cầu của cơ thể hơn, đặc biệt là các nhu cầu về collagen cho khớp, da và các cơ quan quan trọng như hệ xương, hệ tiêu hóa và hệ tuần hoàn.
Collagen trứng :
Collagen của trứng được tìm thấy trong vỏ và lòng trắng của trứng với thành phần chủ yếu là collagen loại 1 và với tỷ lệ nhỏ các loại 3, 4 và 10.
Collagen trứng cung cấp glucosamine sulfate, chondroitin sulfate, axit hyaluronic và các axit amin khác nhau có lợi cho việc xây dựng mô liên kết, xây dựng khối lượng cơ và chữa lành vết thương, giảm các chứng đau cứng cơ.
Các nguồn thực phẩm khác
Ngoài các nguồn collagen như bò, gà, cá và trứng nói trên, chúng ta cũng có thể chú ý bổ sung collagen bằng các nguồn thực phẩm khác cũng chứa protein chất lượng cao như các loại thịt gia súc, gia cầm, hải sản cũng như các loại đậu và đậu phụ.
Tôi cũng xin nhắc lại rằng, quá trình xây dựng collagen rất cần sự góp mặt của vitamin C, do đó sự thiếu hụt vitamin C cũng sẽ dễ kéo theo sự thiếu hụt collagen trong cơ thể.
Bổ sung collagen qua thực phẩm chức năng
Hiện nay collagen được bán trên thị trường với rất nhiều dạng khác nhau, điển hình là các dạng Collagen dạng viên để uống và các loại collagen dạng bột. Các chất bổ sung collagen dạng bột có thể được trộn vào sinh tố, súp hoặc thậm chí vào các món nướng mà không cần thêm bất kỳ hương vị nào mà vẫn đảm bảo được khẩu vị cũng như chất lượng tiêu hóa và hấp thụ sản phẩm.
Và, ngoài việc tìm hiểu tiêu thụ các loại thực phẩm giàu collagen, chúng ta cũng nên biết tránh những thực phẩm và các tác nhân có hại cho collagen.
Các loại thực phẩm và tác nhân có hại cho collagen
Thực phẩm có hại cho collagen
Thực phẩm có nguồn gốc từ các chất dinh dưỡng sau đây có tác dụng phá hủy collagen, chúng làm hạn chế khả năng tự sửa chữa collagen:
- Đường tinh chế chẳng hạn như đường ăn, siro bắp có hàm lượng fructose cao, hay siro mật cây thùa v.v…
- Ngũ cốc tinh chế, là các loại ngũ cốc đã được loại bỏ nhiều chất xơ và chất dinh dưỡng. Phổ biến nhất là bột mì trắng làm từ lúa mì tinh chế.
Phơi nắng quá nhiều
Cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời mạnh vì tia cực tím làm giảm khả năng sản xuất collagen.
Hút thuốc lá
Hút thuốc làm giảm sản xuất collagen, đồng thời, nó còn làm giảm khả năng chữa lành vết thương và dẫn đến hình thành các nếp nhăn.
Một số bệnh tự miễn
Ngoài ra, một số bệnh tự miễn như lupus cũng có thể gây phá hủy collagen.
Collagen là gì? Tác dụng và cách sử dụng _ Life 76: