tâm sự bà bầu
0 0
Read Time:7 Minute, 57 Second

Tâm sự bà bầu đẻ nhiều con

Tôi là người “mắn đẻ”!

Chỉ còn mấy ngày nữa thôi là tôi sẽ lại vượt cạn để đón nhận thiên thần bé nhỏ thứ 3 của mình ở tuổi 33! Ngay lúc này, khi những cơn đau âm ỉ chạy dọc trong xương sống, hồi ức về các lần mang bầu trước ùa về làm tôi thật khó ngủ.

Tôi là đứa có thể nói mới chỉ “đi qua đầu giường” cũng có thai. Chả là khi mới vừa cưới xong, sau chỉ hơn chục ngày nghỉ phép đi làm trở lại mà mấy chị trong công ty nhìn mặt đã phán rất chi là quả quyết “mày có bầu rồi”. Tuy thế tôi vẫn chẳng tin vì hôm cưới là ngày cuối cùng tôi kết thúc kì kinh và nghĩ rằng không thể nhanh thế được. Thế là tôi vẫn đi dép cao 7-8 cm và chạy nhảy bình thường. Cho tới chu kỳ tiếp theo thì bị trễ mấy ngày, test thấy 2 vạch : tôi có bầu thật rồi! Đi khám mới biết bị động thai, thế là ngay lập tức bỏ dép cao, đi nhẹ nói khẽ cười duyên!

Đến ngày nhập viện chờ sinh, tôi bị ra ối từ 2h đêm. Ối thì ra không ngừng và các cơn đau kéo đến mỗi lúc một tăng mà cổ tử cung vẫn chẳng chịu mở to. Cho tới hơn 1h chiều ngày hôm sau, tử cung vẫn không mở đủ rộng để sinh thường được và bác sỹ đã quyết định cho tôi mổ để tránh cho em bé ngạt vì cạn ối. Vậy là sinh đứa đầu tôi vừa phải đau đẻ và vừa chịu đau mổ.

Đối với sinh mổ, bác sỹ khuyên 3 năm sau mới nên có con tiếp. Tôi định sau 6 tháng sẽ đi đặt vòng, nhưng chưa kịp tới ngày đặt vòng thì chỉ trong một lần “phanh không kịp” mà tôi lại bị dính bầu. Nhìn cái que hai vạch, mắt tôi hoa lên, chân tay run rẩy. Tôi lo lắng sợ hãi lên mạng search các thông tin về việc sinh mổ gần!

Tâm sự bà bầu, yoga vikudo
Tâm sự bà bầu. Đẻ con này khi còn trẻ. Ban ngày vẫn đi làm, đến tối xách đồ đi đẻ!

Hai vợ chồng đã phải chạy tới 2 bác sỹ chuyên khoa giỏi trong thành phố nhờ tư vấn và đều được cả hai khuyên giữ con lại. Các bác sĩ nói rằng, chỉ cần giám sát chặt chẽ quá trình tăng cân của mẹ và bé và theo dõi sát vết mổ là được. Sau mấy ngày đấu tranh tư tưởng rất căng thẳng, cuối cùng hai vợ chồng tôi đã quyết định giữ con lại.

Thế rồi, mẹ con tôi cũng vượt cạn thành công khi con tròn 38 tuần tuổi bằng phương pháp sinh mổ!

Sau lần này tôi đã rút kinh nghiệm nên tránh thai thật sớm nên đã “vô tư” được bấy nhiêu năm, đến tận khi bé thứ 2 được 5 tuổi rồi chúng tôi lại chủ động muốn thêm một bé nữa.

Kế hoạch sinh thêm con này của chúng tôi đã diễn ra rất chóng vánh mà chẳng có một chút do dự. Mới chỉ hôm trước hai vợ chồng bàn bạc và cùng gật thì hôm sau đã đưa nhau đi tháo vòng. Rồi chỉ sau 1 tháng chủ động “kiêng khem” để cơ thể có thời gian “khởi động” và sẵn sàng, tôi lại có bầu ngay sau khi hết “kiêng”.

Càng lớn tuổi sinh đẻ càng cực

Lại nghĩ, giá như mình lấy chồng sớm hơn, sinh con xong trước 30 tuổi thì bây giờ chắc hẳn khỏe re. Thực tế khi so sánh 3 lần mang bầu của tôi từ đứa đầu đến bây giờ, sức chịu đựng của cơ thể cho bầu bí mỗi lần một kém đi rất rõ.

Tâm sự bà bầu, yogav
Tâm sự bà bầu. Đến khi mang bầu anh cu này thì tôi đã thấy sức “mang vác” của mình giảm đi rõ rệt so với đứa đầu.

Khi bầu đứa đầu tôi khỏe lắm, khỏe đến tận ngày sinh và chẳng có đau lưng, đau hông hay nặng nề gì cả. Ngày hôm trước vẫn làm việc bình thường mà đến đêm xách đồ lên viện đi đẻ.

Bầu đứa thứ 2 sức khỏe yếu hơn nhiều so với đứa đầu, cùng với chứng bệnh viêm xoang mũi dị ứng mãn tính bị từ những năm học đại học hành hạ đến khổ sở. Đã khổ vì bầu bí, thỉnh thoảng tôi lại bị một đợt khoảng 10 ngày nghẹt mũi không thở được. Ngày đi làm đã đủ mệt rồi mà đến đêm cứ khi nằm xuống để ngủ là mũi lại tắc không cho ngủ! Tôi đã phải há mồm ra thở để ngủ. Nhưng khi ngủ được rồi miệng ngậm lại theo phản xạ thì lại bị tỉnh ngủ vì không thở được! Cứ lâu lâu lại bị một đợt như vậy. Hơn nữa, khi bầu sang tháng thứ 7, tôi bắt đầu đau lưng. Cả ngày ngồi máy vi tính, đêm nằm xuống giường cảm giác sống lưng giãn ra, xương sống đau kiểu gì rất khỏ tả, vừa âm ỉ vừa buồn bực! Bầu to hơn chút thì xương hông đau. Đang nằm thì không thể tự mình đứng dậy nếu không có chồng giúp.

Đến khi bầu bé thứ 3 thì tình trạng sức khỏe càng trầm trọng hơn. Tôi bị đau lưng ngay từ lúc có bầu và 3 tháng đầu là 3 tháng vô cùng mệt mỏi. Tôi bị nghẹt mũi liên tục trong 3 tháng chứ không phải là mỗi đợt chục ngày như bầu lần trước. Ban ngày tôi vẫn phải đi làm và ban đêm thì vẫn không thể ngủ được vì nghẹt mũi. Chồng đã phải mắc võng cho ngủ để phần đầu cao hẳn lên sẽ bớt nghẹt hơn, nhưng cũng chỉ đỡ được phần nào.

Trong 3 tháng đầu mang thai _ Yoga và huyệt là cứu cánh

Cái khó khăn nhất cho bà bầu trong 3 tháng đầu là việc sử dụng thuốc mỗi khi cơ thể có vấn đề. Ở trong giai đoạn này, có rất nhiều loại thuốc bị cấm hẳn, có loại thuốc thì được dùng nhưng phải có sự giám sát của bác sĩ v.v… Tuy nhiên tôi đã áp dụng giải pháp là tuyệt đối “kiêng cho lành” nếu còn có thể chịu đựng và sử dụng các giải pháp “chữa bệnh không dùng thuốc” – giải pháp mà hiệu quả của nó mang lại không thể nhanh tức thì được như mong muốn! Thực tế là, tôi đã đã vượt qua được cái giai đoạn cực hình này bằng những nỗ lực tự bấm huyệt và đồng thời tập Yoga đều đặn.

Tâm sự bà bầu . Đã từ lâu Yoga là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi.

Để giúp cho mũi được thông thoáng, tôi phải tích cực day các huyệt hai bên cánh mũi, huyệt giữa 2 đầu lông mày, hai huyệt ở giữa ngón cái và ngón trỏ v.v… Nhờ vậy mà mũi cũng thông được một lúc để rồi chợp mắt ngủ. Tuy nhiên cơn nghẹt mũi ấy, qua đi rồi lại quay trở lại. Cũng có nghĩa là mỗi đêm tôi đã phải day huyệt, ngủ rồi lại nghẹt, lại day, rồi lại ngủ … nhiều lần mỗi đêm!

Cũng trong 3 tháng đầu này, tôi chịu khó tập yoga theo các bài yoga cho bà bầu, các bài massage và các bài yoga dành cho bà bầu tam cá nguyệt đầu trên một kênh yoga tôi yêu thích. Thật may mắn tôi là sau 3 tháng đó và cho tới nay cái mũi không còn bị nghẹt nữa!

Nhưng cái lưng thì vẫn đau nhiều và nó đau tăng dần theo độ lớn của thai. Đặc biệt là trong những ngày này, ngoài xương sống, các khớp hông háng, các khớp chân của tôi cũng rất đau nhức.

Tối nào tôi cũng dành 1 tiếng trước khi đi ngủ để nằm tập xoay các khớp chân, khớp hông. Vì là tín đồ của Yoga nên tôi tập các kỹ thuật này không có nhiều khó khăn, mặc dù tôi cũng thấy rằng các cơ khớp của bà bầu như mình nó khác hoàn toàn so với lúc bình thường. Mỗi lần tập, các khớp kêu những tiếng kêu khô khốc và rệu rã, vừa chệch ra, vừa trượt vào trở lại vị trí đúng chứ không vừa chắc chắn, vừa linh hoạt và vận động chuẩn xác được như lúc bình thường. Tôi để ý, nếu vì một lý do gì đó mà hôm nào không tập, sáng ra tôi sẽ không thể tự ngồi dậy được, nếu ngồi được thì sẽ rất đau, đau đến nỗi nước mắt giàn giụa.

Tâm sự bà bầu, yoga vikudo
Tâm sự bà bầu. Hẹn thảm sẽ lại quay lại với cậu mấy ngày nữa nhé. Giúp tớ đừng bị thành mẹ xề nhé!

Đến lúc này thì bầu nặng lắm rồi, khớp cũng đau quá, mỗi bước chân đều thấy nặng nề. Nhưng tôi vẫn cố gắng thêm từng ngày từng ngày để con được phát triển hoàn thiện hơn và chờ tới ngày bác sỹ chỉ định mổ. Thầm dặn lòng, sinh xong sẽ quyết tâm tập lại yoga sớm để hồi phục sức khỏe, đỡ bị “xồ xề” và để các khớp khỏi đau. Còn bây giờ phải ngủ đã, lấy sức vượt qua những ngày sắp tới.

Hải Hòa

About Post Author

Maître VIKUDO

Docteur en Physiopathologie
Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
100 %
Tư thế cây nến, Yoga VIKUDO, La chandelle, Shoulder Stand Previous post Tư thế cây nến _ Sarvangasana _ Yoga VB25
breathe properly, yoga vikudo Next post THỞ ĐÚNG TRONG KHI TẬP YOGA _ Yoga V001

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

2 thoughts on “Tâm sự bà bầu đẻ nhiều con

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *